Bởi lẽ họ được tập huấn rất nhiều các mô đun để tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh. Cũng từ các buổi tập huấn của SEQAP mà giáo viên đã chủ động hơn trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy và đảm bảo được yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng môn học.
Hoàn thiện hơn về kỹ năng sư phạm
Là một trong những giáo viên cốt cán của Trường Tiểu học Kim Hòa A (Cầu Ngang, Trà Vinh), tính đến nay thầy Thạch Thanh Diệt đã được tham gia rất nhiều buổi tập huấn của SEQAP với hàng chục mô đun khác nhau.
Thầy Diệt hồ hởi chia sẻ: “Sau mỗi buổi tập huấn, giáo viên chúng tôi đã lĩnh hội được rất nhiều kiến thức bổ ích để vận dụng vào quá trình giảng dạy. Đơn cử như việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, rèn kỹ năng cho học sinh thông qua các trò chơi.
Trước kia việc tổ chức cho các em tham gia trò chơi chỉ đơn thuần là giải trí, hình thức tổ chức thì đơn điệu nên học sinh không mấy hào hứng tham gia. Nhưng kể từ khi được SEQAP tập huấn, chúng tôi đã đổi mới phương thức tổ chức theo tiêu chí “học mà chơi, chơi mà học”.
Theo đó, các trò chơi thường được chúng tôi gắn với các hoạt động văn hóa dân gian của địa phương và có chủ đề, chủ điểm cụ thể, rõ ràng. Thông qua các trò chơi chúng tôi muốn giáo dục cho học sinh về bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời rèn kỹ năng sống và tinh thần đoàn kết, làm việc nhóm cho các em. Ví dụ như: Tổ chức cho các em tham gia trò chơi đẩy gậy, kéo co, hát xướng dân gian...”.
Liên quan đến câu chuyện của thầy Diệt, cô Lâm Ngọc Cẩm – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Hòa A khẳng định: “Đúng là sau những đợt tập huấn, bồi dưỡng của SEQAP, năng lực sư phạm của giáo viên trong trường được nâng lên rõ rệt. Giờ đây, họ không chỉ biết thiết kế, xây dựng được những bài học sôi nổi trên lớp mà còn tổ chức được những tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp ở sân trường, trong nhà đa năng, thư viện rất hấp dẫn và sôi động….
Song điều mà cô Cẩm cảm thấy hài lòng nhất đó là, sau tập huấn giáo viên đã có được những kỹ năng cần có như: Kỹ năng lập kế hoạch dạy học, điều chỉnh nội dung chương trình, xây dựng kế hoạch dạy học và phân tích trình độ học sinh để lựa chọn các nội dung dạy học tăng cường phù hợp với từng đối tượng học sinh...”.
Đồng tình với quan điểm trên, thầy Trần Ngọc Thạch – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Sơn C (Cầu Ngang, Trà Vinh) cho rằng, cái được lớn nhất của giáo viên sau khi tham gia các buổi tập huấn của Chương SEQAP đó là, giáo viên đã tự tin hơn, năng động hơn, chủ động hơn trong các hoạt động dạy học và đặc biệt là họ đã tự hoàn thiện hơn về kỹ năng sư phạm.
Thầy Thạch dẫn giải: Giả sử nếu như trước kia trong lớp có một em học sinh hay đi học muộn chẳng hạn. Nếu tình trạng này được lập lại nhiều lần trong tuần, trong tháng thì chắc chắn giáo viên sẽ tra hỏi học sinh đó, nào là tại sao em đi học muộn? Em có muốn bị điểm kém không?…..
Tuy nhiên, giờ đây nếu như sự việc trên xảy ra thì giáo viên sẽ đến gặp gỡ, trò chuyện trực tiếp với học sinh đó như một người bạn để tìm hiểu nguyên nhân vì sao em ấy hay đi học muộn. Từ đó có giải pháp tháo gỡ nhằm trợ giúp kịp thời học sinh đó trong học tập và trong cuộc sống.
Giúp giáo viên tự đổi mới phương pháp dạy học
Bên cạnh những yếu tố trên, điều mà thầy Thạch tâm đắc nhất là đó: Chương trình đã tạo cơ hội cho giáo viên được tiếp cận với phương pháp dạy học “bàn tay nặn bột”.
Đây là một phương pháp dạy học kích thích sự sáng tạo của học sinh, hình thành kiến thức cho học sinh bằng các thí nghiệm, học sinh được trao đổi, nghiên cứu, quan sát theo nhóm để tìm ra câu trả lời cho các vấn đề trong cuộc sống, giúp học sinh phát triển tư duy khoa học. Vì thế phương pháp dạy học này rất phù hợp với học sinh dân tộc.
Song để dạy học theo phương pháp này đòi hỏi giáo viên phải có tầm hiểu biết rộng, có sự chuẩn bị công phu cho mỗi giờ học từ dụng cụ thí nghiệm đến thiết bị dạy và học liên quan tới các tình huống có thể xảy ra trong quá trình học sinh làm thí nghiệm.
“Nhờ được tập huấn dạy học theo phương pháp này mà hiện nay tất cả các tiết học thuộc môn Khoa học đều được giáo viên chuẩn bị công phu với những thiết bị thí nghiệm, hình ảnh minh họa, tạo hứng thú trong học tập cho học sinh” – thầy Thạch cho biết.
Thành công bắt nguồn từ các buổi tập huấn
Hiện nay, huyện Cầu Ngang có 8 trường đang tham gia Chương trình SEQAP. Tính đến nay đã có hàng chục mô đun được SEQAP tổ chức cho cán bộ quản lí, giáo viên các trường FDS tham gia như: Mô đun tập huấn về tổ chức các câu lạc bộ ở trường tiểu học dạy học cả ngày, hướng dẫn tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, phương pháp “Bàn tay nặn bột”, phương pháp dạy học tích cực - Một số kỹ thuật dạy học; phương pháp tổ chức, quản lý lớp học theo Mô hình Trường học kiểu mới và phương pháp đổi mới sinh hoạt chuyện môn… Theo đó, 100% cán bộ, giáo viên sau khi tập huấn đều đạt từ trung bình trở lên, không có giáo viên không hoàn thành.
“Qua theo dõi, sau khi được tập huấn, cán bộ, giáo viên đều phát huy được hiệu quả và đã áp dụng khá tốt vào thực tế quản lý, giảng dạy ở nhà trường. Vì thế đến thăm bất cứ ngôi trường tham gia FDS nào, chúng tôi đều nhìn thấy sự tươi mới trong mọi phong trào hoạt động giáo dục.
Đó cũng là một trong những thành công nổi trội của các trường FDS ở huyện Cầu Ngang, mà thành công đó được bắt nguồn từ các chương trình tập huấn của SEQAP” – bà Trang Phi Phụng, cán bộ phụ trách giáo dục tiểu học (Phòng GD&ĐT Cầu Ngang) hồ hởi chia sẻ.
“Thông qua bồi dưỡng, tập huấn theo các mô đun của SEQAP mà chất lượng giảng dạy của giáo viên đã được nâng lên rõ rệt. Hầu hết các thầy, cô giáo đã biết vận dụng dạy học tích cực vào thực tế giảng dạy của mình nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh.
Đồng thời kịp thời phát hiện những khó khăn của học sinh trong học tập để có những phương pháp dạy học thích hợp” - ông Nguyễn Thành Nguyện – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh.