SEQAP – Góc nhìn nhà quản lý

GD&TĐ - Quảng Trị những ngày này nắng nóng chói chang. Vậy nhưng không khí trong các nhà trường nơi đây lại tươi mát những nụ cười, phấn khởi những niềm vui về thành tích học tập, về chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học đang có “đà tiến” rất mạnh. 

CLB Toán tuổi thơ trường Tiểu học Hải Lâm - Hải Lăng - Quảng Trị
CLB Toán tuổi thơ trường Tiểu học Hải Lâm - Hải Lăng - Quảng Trị

Hãy nghe các hiệu trưởng chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, kinh nghiệm vượt thách thức, tạo cơ hội khi tham gia SEQAP.

Cô Nguyễn Thị Thái – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Lâm (Hải Lăng, Quảng Trị):

Mong SEQAP được tiếp nối

Trường chúng tôi tham gia thực hiện mô hình SEQAP từ năm 2011. Đã có không ít những lợi ích do chương trình mang lại: Cơ sở vật chất khang trang với việc xây dựng 2 phòng học, 1 nhà đa năng, học sinh chăm ngoan, khỏe mạnh, đảm bảo sĩ số, giáo viên được tập huấn thêm kiến thức, kỹ năng…

Tuy nhiên, vướng mắc của nhà trường lại xuất phát từ việc tổ chức bán trú cho học sinh. Vì còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho bán trú nên hiện tại, nhà trường phải sử dụng nhà đa năng để cho học sinh ăn ngủ tại lớp, thuê người nấu cơm mang đến trường học. Về phía giáo viên, đặc thù của mô hình cũng khiến các thầy cô phải ở lại trường cả ngày.

Tôi rất tự hào là tham gia SEQAP, nhiều giáo viên của trường đã khẳng định được năng lực của mình. Nhiều giáo viên đã đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh và sẽ phấn đấu vươn lên nữa. 

Giáo viên giỏi, mỗi tiết học chất lượng hơn, học sinh học tốt hơn. Một số em thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo, từ việc bỏ tiết thường xuyên, giờ đã trở thành những học sinh giỏi như: Nguyễn Trần Trà My, Trần Thị Nhật Linh, Hoàng Văn Bảo Quốc…

Trường đã thực hiện mô hình được gần 4 năm, theo đúng chủ trương còn 1 năm nữa là chương trình kết thúc. Cô trò và phụ huynh nhà trường mong mô hình học cả ngày sẽ được tiếp tục để có thêm nhiều cơ hội hơn cho chất lượng giáo dục của trường nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung.

Thầy Lê Xuân Vĩnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Thượng (Hải Lăng, Quảng Trị):

Cần thêm hỗ trợ cho giáo viên

Trường chúng tôi có tổng số 30 giáo viên - Số lượng này dù đủ cho mô hình dạy học, nhưng việc học sinh ăn ngủ trưa tại trường còn mới mẻ. 

Giáo viên rất vất vả bởi ngoài dạy học còn thêm việc chăm sóc. Trong khi đó, những chính sách hoặc chế độ cho những giáo viên này đều không có mà cơ bản đều dựa trên tinh thần tự nguyện vì học sinh.

Hơn nữa, việc dạy và học cả ngày, tất nhiên số giờ học sẽ tăng lên. Các thầy cô trong trường rất cực trong việc tạo thành nề nếp sinh hoạt cho các con. 

Biết các thầy cô vất vả, nhưng nhà trường cũng không có khoản kinh phí nào để hỗ trợ các cô ăn trưa. Hiện, mỗi suất cơm cho học sinh là 15.000 và các cô cũng phải đóng tiền để ăn cùng các con.

Ngoài ra, từ việc học theo mô hình T30 (30 tiết/1 tuần) thành công bước đầu đã đưa nhà trường mạnh dạn lên mô hình T35. Số tiết tăng lên sẽ khiến các giáo viên vất vả hợn, đòi hỏi đầu tư thêm thời gian và công sức cho việc soạn giáo án.Trong khi đó, số phụ cấp cho các giáo viên không nhiều nên các thầy cô mất nhiều công sức nhưng đồng lương ít ỏi.

Thế nhưng chúng tôi đã động viên nhau cùng khắc phục khó khăn, lấy học sinh làm trung tâm, kêu gọi giáo viên đoàn kết, sát cánh cùng nhà trường trên tinh thần tự nguyện và lòng yêu thương học trò. 

Nhà trường đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, đặc biệt là tăng số học sinh khá giỏi và đội ngũ giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh. Chỉ sau hơn 1 năm tham gia SEQAP, trường đã xây dựng thành công trường đạt chuẩn Quốc gia.

Thầy Nguyễn Đức An - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Cam Lộ, Quảng Trị):

Linh hoạt, sáng tạo trong quản lý để vượt khó

Là đơn vị mới tham gia mô hình SEQAP, Trường chúng tôi chỉ có 220 học sinh, vậy mà việc tổ chức cho học sinh ăn trưa tại trường cũng không hề đơn giản. Chúng tôi phải hợp đồng thuê nhà dân gần trường nấu ăn và đem cơm vào lớp học. 

Địa bàn kinh tế khó khăn, sự đóng góp của gia đình học sinh còn nhiều hạn chế. Vậy nên nhà trường đã cố gắng khắc phục, thường xuyên kiểm tra nguồn thực phẩm mua về cũng như vấn đề vệ sinh sau bữa trưa của các con. Tại nhà trường, cô giáo, thầy giáo đúng là như cha mẹ chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho các con vậy.

Tôi cho rằng tận dụng các lợi ích mà SEQAP mang lại, khắc phục các khó khăn tồn tại đòi hỏi sự khéo léo trong quản lý. Không thể rập khuôn được mà cần linh hoạt, sáng tạo, lấy sự đoàn kết, thống nhất lên làm đầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.