Thích thú, đầm ấm mỗi bữa ăn trưa
Có thể thấy những đổi thay từ cơ sở vật chất, sợi dây gắn kết thầy – trò từ bữa ăn trưa ở trường, chất lượng học tập được nâng lên rõ rệt khi học 2 buổi/ngày… Đó là cơ sở để có những chữ T tích cực: Từ T30 (được hỗ trợ 30 tiết/tuần) lên T35 (được hỗ trợ 35 tiết/tuần), thích thú những bữa ăn trưa, tích cực những giờ lên lớp…
Đến Trường Tiểu học Hải Thượng (Hải Lăng, Quảng Trị) vào đúng giờ ăn trưa, học sinh nhỏ ríu rít như chim non trò chuyện với nhau quanh bàn ăn.
Ngại ngùng, e thẹn khi thấy khách lạ, nhưng các em đều hồn nhiên chia sẻ niềm vui thích khi được học ở trường cả ngày, được cùng các bạn ăn trưa tại trường. Không chỉ học thêm nhiều kiến thức, các em còn được vui chơi, hòa đồng, giao lưu cùng bạn bè.
Thấy các bạn đang tìm từ để tả về niềm vui thích bữa ăn trưa tập thể, một cô bé tóc như còn vương nắng vì vừa chạy ngoài sân chơi với bạn nhanh miệng tiếp lời:
“Nếu chỉ học một buổi ở trường, buổi còn lại thường em phải ra đồng phụ giúp cha mẹ… Giờ được học cả ngày, việc học không chỉ tốt hơn, mẹ em còn nói em khỏe khoắn hơn, lớn hơn trước vì ăn ngủ đúng giờ, đủ chất, điều độ…”.
Thầy Hiệu trưởng Lê Xuân Vĩnh cho biết: Do điều kiện học sinh nằm rải rác trên địa bàn hai thôn, việc đi lại đối với học sinh tiểu học gặp nhiều khó khăn nên ở lại ăn trưa sẽ đảm bảo sức khỏe cho học sinh.
Với 15.000 đồng/suất cơm trưa, nhà trường luôn đặt vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu. Học sinh từ đó đảm bảo đến trường đầy đủ và lên lớp đúng giờ.
Không chỉ học sinh được hưởng lợi từ SEQAP, các trường học khi tham gia chương trình đều cho biết cơ sở vật chất tăng lên rõ rệt. Nhà trường đã có nhà đa năng cho học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa. Từ đó, chất lượng giáo dục được cải thiện.
Như Trường Tiểu học Hải Thượng tham gia mô hình SEQAP từ năm 2010. Sau gần 5 năm tham gia chương trình, tỷ lệ học sinh khá giỏi từ 60% năm học 2009 - 2010 đến nay đạt hơn 80%, tỷ lệ học sinh yếu giảm dần, không có học sinh bỏ học. Sau một năm tham gia SEQAP, trường đã xây dựng thành công trường đạt chuẩn Quốc gia.
Có thể coi SEQAP là lực đẩy để các trường phấn đấu vươn lên mạnh mẽ.
Tích cực thi đua trong mỗi giáo viên, cán bộ
Có học sinh khỏe mạnh chăm ngoan, có cơ sở vật chất khang trang sạch đẹp, thầy cô giáo càng hết lòng phấn đấu vì học sinh thân yêu. Không quá để nói rằng thành công nhất của SEQAP chính là chất lượng giáo viên được nâng cao rõ rệt.
Từ việc được cử đi học những khóa học ngắn hạn nâng cao chất lượng giáo dục, phương pháp giảng dạy của giáo viên cũng có nhiều thay đổi tích cực phù hợp với mô hình mới.
Điều này có thể thấy rõ ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Cam An, Cam Lộ, Quảng Trị). Vừa mới tham gia chương trình được 1 năm, đến nay, trường đã có 100% giáo viên đạt chuẩn, trong đó 95,5% trên chuẩn. Đội ngũ CBGV đủ về số lượng, chất lượng ngày càng được nâng cao.
Thầy Hiệu trưởng Hoàng Đức An chia sẻ: Hằng năm trường đều tạo điều kiện cho giáo viên học tập nâng cao trình độ. Các thầy cô cũng được tập huấn đầy đủ các Modun của chương trình, đồng thời tham gia các chuyên đề cấp phòng, tỉnh tổ chức…
Từ các khóa tập huấn, nhiều vận dụng sáng tạo được thực hiện trong mỗi tiết học, mỗi lớp học. Giáo viên Trường Tiểu học Hải Lâm (Hải Lăng, Quảng Trị) và Hải Thượng đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa để học sinh có điều kiện phát triển toàn diện như: Đố vui, hội thi tiếng hát học đường, vở sạch chữ đẹp, thi giải Toán, tìm hiểu luật an toàn giao thông…
Với thành công ban đầu, từ việc thực hiện mô hình T30 (30 tiết/tuần) đem đến thành công nhất định, các nhà trường đã mạnh dạn đẩy lên mô hình T35 (35 tiết/tuần).
Học hai buổi/ngày, ăn trưa tại trường, riêng đối với các giáo viên chủ nhiệm thì càng dễ dàng hơn trong việc kiểm soát sĩ số lớp và uốn nắn học sinh của mình. Công tác chủ nhiệm lớp cũng được nâng lên rõ rệt.
Cô Nguyễn Thị Mai Hoa – Giáo viên chủ nhiệm lớp 5 – Trường Tiểu học Hải Thượng tự hào cho biết: Từ khi thực hiện mô hình này, học sinh của tôi rất chăm chỉ và có ý thức học tập rất tốt. Điều đó cũng chính là nguồn động lực để giáo viên chúng tôi phấn đấu.
Được biết, năm học vừa qua, cô Hoa vinh dự đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Cô Hoa chân thành chia sẻ: Được dạy – học cùng SEQAP, cô – trò – nhà trường chúng tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều.
Tình cảm kết nối gia đình – nhà trường thắm đượm
Vui mừng khi con được học cả ngày, được chăm lo bữa ăn, giấc ngủ tại trường, các bậc cha mẹ rất hài lòng với mô hình này và cùng chung tay với nhà trường.
Như phụ huynh gần Trường Tiểu học Hải Lâm đã đăng ký hợp đồng nấu ăn và đem đến lớp cho học sinh. Cha mẹ nào rảnh rỗi đều bày tỏ nguyện vọng cùng nhà trường chăm lo bữa ăn, cộng tác với giáo viên trong việc học hành của các con.
Việc thống nhất giữa nhà trường với giáo viên và phụ huynh đã đem đến những thành công chung cho việc dạy và học, đảm bảo mục tiêu và nhiệm vụ chương trình đề ra.
Anh Trần Trọng Quang – Cha một học sinh - xúc động chia sẻ: Con tôi học lớp 4 ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu. Cháu đang ở độ tuổi rất hiếu động mà gia đình bận làm ăn nên nhiều khi khó kiểm soát con.
Việc học cả ngày trên lớp giúp cho cha mẹ dễ dàng quản lý con cái, cháu giờ đã học chăm chỉ, không còn bỏ học. Không những thế, gia đình còn mừng rơi nước mắt khi cuối năm con đạt học sinh khá, giỏi.
Còn chị Nguyễn Thị Liên có con học tại Trường Tiểu học Hải Lâm tâm sự: Gia đình tôi còn nghèo nên nhiều bữa ăn của con không được chú trọng. Khi có chương trình học cả ngày, cháu được ăn uống đủ chất, đảm bảo sức khỏe và tinh thần để học tập nên gia đình rất yên tâm.
Được biết, để được hưởng lợi trọn vẹn từ chương trình, các trường tiểu học tham gia SEQAP tại tỉnh Quảng Trị đều phấn đấu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các bước trong xây dựng cơ bản; tăng nhanh số lượng và tỷ lệ học sinh được học cả ngày theo mô hình T30 (được hỗ trợ học 30 tiết/tuần) và T35 (được hỗ trợ học 35 tiết/tuần);
Cùng đó, tăng số lượng và tỷ lệ học sinh ăn bữa trưa tại trường; tiếp tục đổi mới công tác quản lý, đổi mới và nâng cao hiệu quả giáo dục, hiệu quả sử dụng quỹ giáo dục nhà trường, quỹ phúc lợi học sinh để hỗ trợ cho việc tổ chức dạy học cả ngày đạt chất lượng và hiệu quả hơn.