Chiều 30/3, tại cuộc họp tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết: Hội đồng Tiền lương Quốc gia có phiên họp đầu tiên về lương tối thiểu vùng trong năm vào ngày 28/3. Trong phiên họp này, đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn Việt Nam và đại diện của chủ sử dụng lao động là Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thảo luận, đưa ra các luận điểm để làm căn cứ cho các phương án tăng lương tối thiểu. Phương án chưa được công bố và cũng chưa xác định phiên họp thứ 2 Hội đồng tiên lương quốc gia.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh trong suốt hơn hai năm qua, tiền lương tối thiểu vùng chưa được điều chỉnh. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, đến nay khi dịch bệnh dần được kiểm soát, kinh tế dần phục hồi thì cần xem xét để tăng lương cho người lao động vào năm 2023.
Để có cơ sở cho việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng, bắt đầu từ tháng 4, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiến hành điều tra lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu tại các doanh nghiệp thuộc 18 tỉnh, thành phố đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước.
Về vấn đề này, ông Phạm Minh Huân, Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đồng thời là Nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia nói rằng, thực tế đây là chương trình làm việc hằng năm của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, cụ thể trong quý 1, Hội đồng sẽ xây dựng kế hoạch để quý 2 thực hiện khảo sát, trên cơ sở đó đến quý 3 chuẩn bị phương án và quý 4 họp tham mưu để trình Chính phủ mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh năm qua, tiền lương tối thiểu vùng chưa tăng, do đó việc khảo sát được kỳ vọng sẽ là cơ sở quan trọng để xem xét tăng lương vào năm sau. “Việc khảo sát là cần thiết để nắm được tình hình của chính sách ban hành trên thực tế được thực hiện ra sao, bởi lẽ hai năm qua do yếu tố khách quan của dịch bệnh nên nhiều doanh nghiệp rất khó khăn, thậm chí phá sản, người lao động mất việc làm trong bối cảnh chưa được tăng lương. Tuy nhiên, hiện nay, dịch bệnh có xu hướng khống chế được thì phải chuẩn bị phương án để năm 2023 tăng lương, đây là việc phù hợp”, ông Phạm Minh Huân lý giải.
Trước những lo ngại về việc tăng lương sẽ là bài toán đau đầu với nhiều doanh nghiệp, bởi câu hỏi “tiền đâu để tăng lương” khi hai năm qua bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song theo ông Huân dù chia sẻ với doanh nghiệp, nhưng hiện nay nhu cầu của người lao động tăng, giá cả biến động làm cho tiền lương thực tế giảm đi, việc tăng lương là hết sức cần thiết.
Mặt khác, việc chưa được tăng lương khiến đời sống người lao động khó khăn sẽ dẫn đến những bất ổn trong quan hê lao động, thậm chí là tranh chấp lao động xảy ra, điều này thể hiện rõ qua nhiều cuộc đình công, ngừng việc diễn ra hồi đầu năm 2022 mà nội dung chủ yếu đều liên quan đến tiền lương và các chế độ phúc lợi khác...
Về nguồn lực để tăng lương, ông Phạm Minh Huân cho rằng, doanh nghiệp cần thúc đẩy tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, không nên để người lao động khó khăn quá, nhưng việc tăng sẽ phải hài hòa. “Tôi nghĩ đến năm 2023 tăng lương là phù hợp. Kinh tế đang dần hồi phục sau dịch, nếu còn tiếp tục không tăng lương có thể không giữ được nguồn lao động. Trên thực tế, mức tiền lương gồm các khoản cộng vào lớn hơn múc lương công bố mới có thể tuyển được lao động”, ông Phạm Minh Huân cho biết.
Tuy nhiên, do dịch bệnh tiền lương chưa được điều chỉnh, trong khi doanh nghiệp đều muốn giữ mức lương ổn định, nhưng các yếu tố khác luôn biến động, điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải tính toán nhiều biện pháp để có nguồn tăng lương.
Ông Phạm Minh Huân cũng cho rằng, mức tăng sẽ xem xét dựa trên kết quả rà soát sắp tới của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về tình hình cụ thể của doanh nghiệp, khả năng chi trả, khó khăn, thuận lợi ra sao. Trên cơ sở đó, Hội đồng sẽ cân nhắc đưa ra phương án để các bên thảo luận, đảm bảo hài hòa lợi ích ở mức “chấp nhận được” cho các bên.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Việt Cường, Giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong nghiên cứu gần đây về đánh giá tác động của việc tăng lương tối thiểu lên việc làm và năng suất lao động ở Việt Nam (số liệu từ điều tra lao động việc làm 2012-2020) cho thấy, tác động tích cực của việc tăng lương tối thiểu đối với tiền lương tháng của người lao động có tiền lương dưới mức tối thiểu.
Theo đó, mức lương tối thiểu tăng 1% sẽ làm tăng 0,83% tiền lương hàng tháng, tuy nhiên, tác động của tăng lương tối thiểu đối với tiền lương của lao động nói chung là không đáng kể. Mức lương tối thiểu tăng 1% dẫn đến tiền lương theo giờ tăng 0,32%, điều này hàm ý rằng năng suất lao động tăng lên do tăng lương tối thiểu.
Ông Nguyễn Việt Cường đánh giá, trong giai đoạn 2012 – 2017, lương tối thiểu tăng rất nhanh, tuy nhiên những năm gần đây nếu so với mức lương trung bình, tốc độ tăng lương tối thiểu bắt đầu giảm, thậm chí không còn theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế xã hội nói chung. “Đại dịch COVID-19 xảy ra càng làm cho tiền lương thực tế của người lao động cũng như tỷ lệ người lao động có mức lương dưới mức tối thiểu tăng lên, việc tăng lương trong năm tới sẽ là một thách thức lớn”, ông Cường nhận định.
Hiện nay, lương tối thiểu được điều chỉnh dựa vào các yếu tố như tình hình kinh tế xã hội nói chung, mức sống tối thiểu của người lao động, khả năng chi trả của doanh nghiệp...
Không phủ nhận việc tăng lương sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp nói chung, nên doanh nghiệp luôn “kêu” là đúng, song theo ông Nguyễn Việt Cường tác động nhìn chung là không nhiều, chủ yếu là ở nhóm doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI, hay sử dụng nhiều lao động. Bởi lẽ, việc tăng lương tối thiểu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mức đóng bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp vì thế muốn giữ nguyên mức lương nhằm giảm thiểu nhiều nhất việc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội.
Theo ông Nguyễn Việt Cường, để hỗ trợ doanh nghiệp, thời gian qua Chính phủ đã không điều chỉnh lương tối thiểu vùng, nhưng hiện nay việc tăng này là cần thiết, song sẽ cần thêm các chính sách hỗ trợ hài hòa hơn. “Không thể hỗ trợ doanh nghiệp chỉ bằng cách giữ nguyên mức lương tối thiểu vùng, chẳng hạn có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn với chính sách ưu đãi hơn, giảm thuế, giãn thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp…, phần nào giúp họ vượt qua tác động của đại dịch thay vì không tăng lương tối thiểu vùng”, TS Nguyễn Việt Cường nhấn mạnh.
Tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động yếu thế, đồng thời là một trong những căn cứ quan trọng để thỏa thuận tiền lương.
Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp: "Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia”.
Trong năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của COVID-19 nên lương tối thiểu vùng đã "lỡ hẹn" và được thực hiện theo mức lương:
Mức 4.420.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I;
Mức 3.920.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II;
Mức 3.430.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III;
Mức 3.070.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.