Vòng chung kết "Ý tưởng kinh doanh - Business Ideas 2019" có 12 dự án của các thí sinh, nhóm thí sinh đến từ các trường đại học, học viện trên toàn quốc và ngoài nước. Các dự án này được lựa chọn từ 39 dự án tại vòng bán kết diễn ngày 12/5 vừa qua.
"Save Blood" là dự án là của nhóm sinh viên Nguyễn Hoàng Nhật Quang, Huỳnh Thị Ngọc Quỳnh và Trương Quốc Huynh (ĐH Kinh tế thuộc ĐH Huế), là một nền tảng ứng dụng kết nối dùng để lưu trữ thông tin ngân hàng máu sống, theo dõi thông tin nhóm máu, phân tích sức khỏe và đưa ra chế độ chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Đề tài này được đánh giá cao bởi mang tính cộng đồng và nhân văn sâu sắc vì thông qua ứng dụng mọi người có thể tìm kiếm sự giúp đỡ cho những trường hợp thiếu máu khẩn cấp, mọi thông tin của người hiến máu, người nhận máu đều được bảo mật tuyệt đối.
Ông Đỗ Quốc Anh - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị trường UEF cho biết, những ý tưởng được trình bày tại vòng chung kết mang tính sáng tạo và ứng dụng công nghệ rất cao như: Dự án sản phẩm giáo dục công nghệ Blocky, Thìa làm từ gạo - bảo vệ môi trường, BeeB phần mềm chống trộm Macbook, Áo thun phao chống đuối nước, Dù cỏ bàng hai trong một, Save Blood…
Theo ông, các sản phẩm dự thi không chỉ thể hiện tốt ở mặt ý tưởng, tính thực tiển, mà còn hàm chứa giá trị chuyển giao và ứng dụng vào thực tiễn rất cao.
"Tại vòng thi này có sự xuất hiện của đại diện hơn 30 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghệ thông tin, dịch vụ,… Tất cả sẽ là những nhà đầu tư tiềm năng đối với những đề tài xuất sắc và mang tính khả thi cao tại vòng thi này"- ông Quốc Anh chia sẻ.
Được biết, cuộc thi “Ý tưởng kinh doanh – Business Ideas 2019” đã thu hút 154 đề tài đăng ký, đến từ 32 trường đại học, cao đẳng, học viện trong nước và ngoài nước.
Đáng chú ý, cuộc thi năm nay có tiêu chí phân loại dự án khá rõ ràng, theo từng lĩnh vực cụ thể như: Công nghệ thông tin, giáo dục, dịch vụ, phục vụ cộng đồng, văn hóa nghệ thuật, nông nghiệp, bảo vệ môi trường. Đây cũng là những tiêu chí phù hợp với xu hướng phát triển chung về kinh tế - xã hội của đất nước.
Điểm đặc biệt của cuộc thi ngoài việc thúc đẩy các ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp chính là trong quá trình tham gia cuộc thi, các thí sinh/nhóm thí sinh sẽ được Ban tổ chức hướng dẫn, đào tạo các kỹ năng cần thiết như: Kỹ năng thuyết trình, xây dựng chiến lược marketing, chiến lược tài chính, chiến lược nhân sự cho doanh nghiệp start-up; cùng các chuyến tham quan học tập thực tế tại doanh nghiệp.
Đây chính là nền tảng kiến thức thực tế để các sinh viên hoàn hiện dự án kinh doanh, thể hiện tốt phần thi của mình và tạo ấn tượng trước các nhà đầu tư tại vòng chung kết.
Hai nhóm đạt giải cao nhất tại cuộc thi. |
Chia sẻ tại vòng chung kết xếp hạng, bà Lưu Thị Ngọc Oanh - Đại diện Tổng công ty Hàng không Việt Nam cho biết: “Vietnam Airlines cam kết cùng chung tay với ngành giáo dục để giúp hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp trong sinh viên, đặc biệt là các sinh viên tại cuộc thi Business Ideas do trường UEF tổ chức.
"Vietnam Airlines sẽ tạo điều kiện cho sinh viên được tham gia trải nghiệm đến nhiều nơi trong và ngoài nước. Đó là cách mà chúng tôi thực hiện trách nhiệm xã hội và chắp cánh cho những ước mơ khởi nghiệp của sinh viên” - bà Oanh nói.
Tổng giải thưởng cuộc thi năm nay là 300 triệu đồng. Ngoài ra, nhằm khuyến khích, tạo động lực cho sinh viên tham gia phong trào khởi nghiệp hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng trao thêm các giải thưởng độc lập như: Giải thưởng dành cho đề tài về giải pháp công nghệ truyền thông (10 triệu đồng); Giải thưởng dành cho đề tài có chiến lược Marketing xuất sắc (10 triệu đồng) cho các dự án , ý tưởng hay, lạ, có tính ứng dụng cao.