Sâu lắng, thiết tha những ca khúc về Thủ đô yêu dấu

Sâu lắng, thiết tha những ca khúc về Thủ đô yêu dấu

(GD&TĐ) - Những giai điệu, ca từ trong các bài hát viết về Hà Nội cứ tự nhiên được bật ra thấm đẫm tâm hồn người nghe bởi đã phản ánh được hơi thở của thời đại. Ngược dòng thời gian, gắn liền với bối cảnh lịch sử của những năm tháng Hà Nội cùng cả nước kiên cường trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm đầy gian khổ. Những ca khúc viết về Hà Nội thời kỳ này phần nhiều mang đến cho người nghe một âm hưởng trầm hùng mà da diết.

Nhân dân Thủ đô hân hoan chào đón
Nhân dân Thủ đô hân hoan chào đón đoàn quân chiến thắng trở về (Ảnh TL)

Trong số những ca khúc ấy, “Người Hà Nội” của nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi được xem như một bản hùng ca ngợi ca Hà Nội gắn liền với cuộc chiến đấu bảo vệ thủ đô. Bài hát ra đời năm 1947, sau khi Hà Nội đã vùng lên chiến đấu theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với những ca từ mang tính tự sự, trong phần mở đầu bài hát, tác giả đã làm hiện lên trong tâm trí người đọc hình ảnh một thủ đô đã có một nghìn năm văn hiến vẫn rất thân quen, gần gũi: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây / Đây lắng hồn núi sông ngàn năm / Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu...” Âm hưởng da diết ban đầu chìm xuống, thay vào đó là âm hưởng anh hùng ca với nhịp hành khúc gợi lên nhịp đi của những người anh hùng sắp sửa bước vào trận quyết chiến với kẻ thù: “Hồng Hà tràn đầy, Hồng Hà cuốn, ngàn nguồn song, tràn đầy dâng…”.

Nếu như “Người Hà Nội” là lời thề son sắt buổi lên đường thì “Tiến về Hà Nội” được nhạc sỹ Văn Cao sáng tác năm 1949 đã miêu tả sinh động bằng âm nhạc cảnh tượng đoàn quân giải phóng tiến về thủ đô ngày chiến thắng. Điều đáng nói là, thời điểm bài hát ra đời cách xa ngày giải phóng thủ đô sau này đến 5 năm mà người nhạc sỹ tài hoa vẫn “vẽ” được hình ảnh: “Chúng ta đi nghe vui, lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố”, trong niềm sung sướng, tự hào: “Chúng ta đem vinh quang, sức dân tộc trở về” khi mà “cả cuộc đời vui tươi từ đây”. Từ khi ra đời đến nay, “Tiến về Hà Nội” vẫn được nhiều người yêu mến. Âm thanh của ca khúc vẫn thường xuyên vang lên, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô 10/10.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Hà Nội được biết đến là một thủ đô anh hùng vẫn kiên cường trụ vững trong mưa bom, bão đạn, trong khói lửa chiến tranh. Đặc biệt, trong 12 ngày đêm cuối cùng của năm 1972, quân và dân Hà Nội anh hùng đã làm nên một trận Điện Biên Phủ trên không khiến cho kẻ thù phải khuất phục. Nhạc sỹ Phan Nhân, người con của vùng sông nước Cửu Long đã may mắn tận mắt chứng kiến những giây phút hào hùng đó và đã sáng tác bài “Hà Nội niềm tin và hi vọng”. Trong những ca từ đẹp, tươi sáng, người nghe nhận ra được niềm tự hào, trìu mến: “Hà Nội đó, niềm tin yêu hi vọng/ của núi sông hôm nay và mai sau/ chân ta bước lòng ung dung tự hào/ Kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao…”. Không chỉ mang tính ngợi ca bài hát còn thể hiện niềm lạc quan, tin tưởng vào một ngày mai tất thắng.

Dòng xe xuôi chợ Đồng Xuân lên bờ hồ chào mừng chiến thắng
Dòng xe xuôi chợ Đồng Xuân lên bờ hồ chào mừng chiến thắng (Ảnh TL)

Những năm tháng chiến tranh, đất nước bị chia cắt làm hai miền, trong buồn thương và chia ly, người Hà Nội vẫn giữ được những nét hào hoa, lãng mạn vốn có. Ca khúc “Gửi người em gái” của Đoàn Chuẩn - Từ Linh được ra đời trong những ngày mùa xuân năm 1956 là một bản tình ca đẹp, dẫu có phảng phất buồn: Bài hát bộc lộ những nỗi niềm riêng tư, thầm kín nhưng đã tìm được sự sẻ chia trong tâm hồn của những người đồng điệu cùng chung một thế hệ.

Bước ra những năm tháng khói lửa chiến tranh, Hà Nội vươn lên dựng xây cuộc sống mới. Những ca khúc viết về Hà Nội thời kỳ sau năm 1975 thể hiện những xúc cảm đằm sâu về một thủ đô thơ mộng, thanh lịch, mang trong mình những trầm tích văn hoá với bản sắc riêng. Nhạc sỹ Hoàng Hiệp từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội. Kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Thủ đô, năm 1984 bài hát “Nhớ về Hà Nội” ra đời như là một sự tri ân của tác giả đối với mảnh đất và con ngưòi Hà Nội. Không phải ngẫu nhiên mà “Nhớ về Hà Nội” đã trở thành nỗi niềm đồng điệu của những con người đã từng sống và gắn bó với mảnh đất Hà Thành.

Trong số các nhạc sỹ có nhiều ca khúc hay về Hà Nội thì những bài hát của nhạc sỹ Phú Quang để lại những ấn tượng đẹp và sâu lắng trong lòng người. Đó là những ca khúc có lời ca trong sáng, giản dị, giai điệu đẹp, chứa đựng nỗi niềm khắc khoải, nhớ thương tha thiết. Có thể kể ra đây một loạt những ca khúc như thế: “Hà Nội ngày trở về”, “Im lặng đêm Hà Nội”, “Em ơi Hà Nội phố”, “Lãng đãng chiều đông Hà Nội. Người nghe có thể tìm thấy những nét đẹp rất riêng của Hà Nội trong âm nhạc của Phú Quang. Đó là vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc được cảm nhận qua nỗi cô đơn của người nghệ sỹ “Cây Bàng mồ côi mùa đông, mùa đông năm ấy, tiếng dương cầm trong căn nhà đổ / Tan lễ chiều, sao còn vọng tiếng chuông ngân…”. Có khi là vẻ đẹp trong cảnh yên tĩnh về đêm trong “Im lặng đêm Hà Nội”.

Cũng là một người con của Hà Nội, nhạc sỹ Nguyễn Cường được bạn yêu nhạc biết đến với rất nhiều ca khúc mang âm sắc của Tây Nguyên nhưng các tác phẩm về Hà Nội cũng có một vị trí quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của ông. Ngay cả trong những ca khúc viết về Tây Nguyên thì cái hồn cốt của Hà Nội, sự tinh tế, phong lưu, sang trọng và lịch lãm của con người Hà Thành vẫn in dấu trong những ca khúc của Nguyễn Cường. Không khó để nhận ra những ca từ dung dị mà giàu chất thơ thể hiện dòng hoài niệm về những gì thân thương, từng gắn bó. “Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội” là một bài hát như thế. 

...Và ngập tràn trong niềm vui chiến thắng (Ảnh TL)
... Và ngập tràn trong niềm vui chiến thắng, hân hoan đón chào bộ đội tiến vào (Ảnh TL)

Nhắc đến những ca khúc viết về Hà Nội, không thể không đề cập đến những bài hát về mùa thu Hà Nội. Vẻ quyến rũ rất riêng của mùa thu Hà Nội đã khơi gợi cảm hứng sáng tác cho nhiều nhạc sỹ. Để rồi nhiều bài hát về mùa thu Hà Nội đã ra đời và để lại ấn tượng đẹp trong lòng người như: “Hà Nội mùa thu” (Vũ Thanh), “Có phải em mùa thu Hà Nội” (Trần Quang Lộc), “Nhớ mùa thu Hà Nội” (Trịnh Công Sơn)… Trong số đó, “Nhớ mùa thu Hà Nội” của người nhạc sỹ tài hoa Trịnh Công Sơn đã mang lại cho người nghe những cảm xúc bâng khuâng, khó tả, ngay từ những nốt nhạc đầu tiên: “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu…”. Bài hát đã gợi lên được một không khí thu mang đặc trưng của Hà Nội với đủ màu sắc, hình khối, đường nét, âm thanh và cả những mùi hương rất riêng của mùa thu nơi đây: “mùa hoa sữa về, thơm từng cơn gió, mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ, cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua”. Bài hát đã làm dấy lên những cảm xúc nhẹ nhàng, tha thiết  đối với cả những ai dù chưa một lần đến với Hà Nội lúc vào thu.

Còn rất nhiều những bài hát khác viết về Hà Nội. Mỗi nhạc sỹ đều tìm những cách riêng để thể hiện nỗi niềm, cảm xúc và tình yêu đối với Hà Nội trong mỗi “đứa con tinh thần” của mình. Và vì thế, dù được viết vào thời kỳ nào, những bài hát  viết về Hà Nội cũng để lại trong lòng người những dư vang lắng sâu, đặc biệt.   

Bùi Minh Tuấn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Góc phố Tết” của Trường Tiểu học Phú Thọ. Ảnh: MA

Cùng bạn nghèo đón Tết

GD&TĐ - Cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các trường học tại TPHCM tổ chức nhiều hoạt động vui xuân, giúp học sinh hiểu thêm về Tết cổ truyền.

Nhóm sinh viên đoạt giải Nhất trong lĩnh vực Khoa học giáo dục Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học.

Bản đồ cho học sinh khiếm thị

GD&TĐ - Học sinh khiếm thị có thể học lịch sử và địa lý qua bản đồ nổi, dễ dàng hình dung, nhận biết, xác định được các vị trí cần thiết để phục vụ học tập.