Châu Á là khu vực “thống trị” bảng xếp hạng còn kết quả của châu Âu sụt giảm rõ rệt.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hôm 5/12 đã công bố kết quả PISA năm 2022. Đây là chương trình đánh giá học sinh quốc tế ở lứa tuổi 15 với ba môn Toán, Đọc hiểu và Khoa học, được công bố 3 năm một lần.
Kể từ đại dịch Covid-19, PISA là nghiên cứu đầu tiên đánh giá trình độ học tập của học sinh quốc tế. Gần 700 nghìn học sinh đến từ 81 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham gia khảo sát. Nhìn chung kết quả PISA năm 2022 đã giảm điểm so với năm 2018 – lần cuối cùng PISA được tổ chức trước dịch Covid-19.
Cụ thể, điểm Toán của học sinh thế giới giảm 15 điểm so với năm 2018, tương đương với 3/4 thời gian một năm học. Môn Đọc hiểu giảm 11 điểm, tương đương với một nửa thời gian năm học. Điểm Khoa học gần như giữ nguyên. Trong đó, cứ 20 điểm được coi là tương đương với một năm học tập.
Kết quả PISA 2022 còn cho thấy nhiều sự khác biệt trong phạm vi khu vực. Singapore là quốc gia đạt điểm cao nhất trong ba môn Toán, Đọc hiểu, Khoa học. Ước tính, học sinh Singapore có thành tích học tập cao hơn các bạn đồng trang lứa từ 3 - 5 năm.
Ở môn Toán, 5 cái tên theo sau lần lượt là Macao, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các quốc gia, khu vực này cũng đạt điểm cao ở môn Đọc hiểu và Khoa học. Riêng năm 2022, Trung Quốc, thường giữ vị trí đầu bảng PISA, không tham gia khảo sát do học sinh nước này học trực tuyến kéo dài vì dịch Covid-19.
Trình độ học tập của học sinh châu Á tương đối đồng đều và vượt trội so với các khu vực khác trên thế giới. Điều này cho thấy, giáo dục khu vực này đã có sự tiến bộ trong nhiều năm trở lại đây.
Trong khi đó, điểm số của Mỹ và châu Âu sụt giảm rõ rệt. Nghiên cứu cho thấy Iceland, Hà Lan, Na Uy và Ba Lan nằm trong nhóm các quốc gia có thành tích môn Toán thấp hơn đáng kể. Học sinh Mỹ giảm điểm Toán còn điểm Khoa học và Đọc hiểu trên mức trung bình.
Riêng Đức, Iceland và Hà Lan ghi nhận điểm môn Toán giảm từ 25 điểm trở lên. Ngay cả Phần Lan, Thụy Điển – những quốc gia được đánh giá có nền giáo dục tiên tiến ở châu Âu cũng ghi nhận sự sụt giảm điểm số ở ba môn. Quốc gia có thành tích tốt nhất châu Âu là Estonia.
Các chuyên gia nhìn nhận bên cạnh dịch Covid-19, các vấn đề lâu dài trong hệ thống giáo dục châu Âu là nguyên nhân khiến hiệu suất sụt giảm. Nhiều quốc gia trong khu vực này còn thiếu đầu tư cho giáo dục.
Ngoài ra, năm 2022 là lần đầu tiên PISA đánh giá mức độ hạnh phúc của học sinh, dựa trên 9 khía cạnh cuộc sống như mức độ gắn kết với trường học, cơ sở vật chất, hỗ trợ tâm lý...
Kết quả cho thấy, học sinh ở những nơi có thành tích tốt như Singapore, Macao, Đài Loan, mắc tâm lý sợ thất bại và ít tham gia các hoạt động ngoại khóa như thể thao. Ngược lại, học sinh ở các quốc gia có điểm PISA thấp hơn như Tây Ban Nha, Peru, có mức độ lo lắng thấp hơn và tích cực chơi thể thao.
Nhà phân tích giáo dục Irene Hu, làm việc tại OECD, nhìn nhận: “Kết quả PISA 2022 cho thấy kết quả học tập của học sinh sụt giảm chưa từng có tính từ khi khảo sát được thực hiện”.