Sau chỉ đạo của Thủ tướng về giấy xác nhận cư trú, người dân đã giảm phiền hà

GD&TĐ - Người dân có thể khai thác thông tin cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công.

Sinh viên Nguyễn Kim Huệ được cán bộ Công an phường Đông Ngạc hướng dẫn các thủ tục hành chính.
Sinh viên Nguyễn Kim Huệ được cán bộ Công an phường Đông Ngạc hướng dẫn các thủ tục hành chính.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu trách không yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận tình trạng cư trú trong giải quyết thủ tục hành chính, phóng viên Báo GD&TĐ đã đến nhiều cơ sở và ghi nhận có sự thay đổi. Người dân đã “nhẹ nhõm” hơn khi phải đến cơ quan công quyền giải quyết các thủ tục hành chính.

Người dân đã được “gỡ khó”

Chỉ mất ít thời gian tại bộ phận một cửa Công an phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), em Nguyễn Kim Huệ, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã hoàn thành thủ tục hành chính liên quan đến việc chuyển cư trú từ phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) về phường Đông Ngạc.

“Sau khi trình thẻ căn cước công dân (CCCD), em đã được cán bộ hướng dẫn để hoàn thành thủ tục hành chính vào tờ khai mà không cần giấy xác nhận cư trú từ phường Tây Tựu...”, em Kim Huệ chia sẻ.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, Trung tá Nguyễn Văn Trung, Trưởng Công an phường Đông Ngạc, cho biết, đơn vị bố trí cán bộ hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID.

Qua đó, sử dụng các phương thức khai thác thông tin về cư trú của công dân theo quy định khi thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công. Đến nay, Công an phường Đông Ngạc tiếp tục đôn đốc tăng tỷ lệ cài đặt ứng dụng VNeID cho công dân trên địa bàn.

Công an phường Đông Ngạc không yêu cầu người dân xuất trình giấy xác nhận thông tin về cư trú, mọi thủ tục hành chính của người dân được bộ phận một cửa tiếp nhận giải quyết kịp thời.

“Đông Ngạc với nhiều khu chung cư, bởi vậy vẫn có trường hợp người dân đến xin giấy xác nhận cư trú bởi ngân hàng, văn phòng công chứng... yêu cầu. Nếu có trường hợp người dân tới công an đề nghị xin giấy tờ liên quan đến xác nhận cư trú thì chúng tôi hỗ trợ tối đa cho người dân...”, Trung tá Trung nói.

Khi sổ hộ khẩu giấy không còn hiệu lực, người dân có thể khai thác thông tin cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công. Trên hệ thống, mỗi người sẽ có một mã định danh cá nhân, trong đó có đầy đủ tên, tuổi, giới tính, ngày sinh, nơi sinh, quan hệ nhân thân.

Tuy nhiên, thời gian qua người dân phản ánh các cơ quan vẫn yêu cầu xin giấy xác nhận cư trú khi làm một số thủ tục như đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân, chuyển nhượng đất đai.

Liên quan đến sự việc trên, trước đó, ngày 3/3 tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ, người phát ngôn Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô mong muốn người dân chia sẻ với cơ quan chức năng.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, dân số Việt Nam có 100 triệu người, mỗi ngày có hàng trăm nghìn giao dịch thủ tục hành chính, nên trong số đó khó tránh khỏi những trục trặc.

“Khi xây nhà mới xong, việc vận hành chưa chắc đã thuần thục. Tôi nói vậy không phải để chối bỏ trách nhiệm của lực lượng Công an nhưng rất mong người dân thông cảm...”, Trung tướng Xô nói.

Tăng cường thanh kiểm tra công vụ, xử lý kỷ luật cán bộ làm sai

Công an tỉnh Bắc Ninh đẩy nhanh tỷ lệ người dân cài đặt ứng dụng VNeID.

Công an tỉnh Bắc Ninh đẩy nhanh tỷ lệ người dân cài đặt ứng dụng VNeID.

Tại tỉnh Bắc Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng vừa ký, ban hành Văn bản số 553 về việc thực hiện quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn chỉ đạo, quán triệt 100% cán bộ bắt buộc phải sử dụng các phương thức khai thác thông tin về cư trú của công dân theo quy định khi thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công. Tuyệt đối không được sử dụng và yêu cầu người dân xuất trình giấy xác nhận thông tin về cư trú.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh giao Công an tỉnh Bắc Ninh chủ trì, khẩn trương tham mưu ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai Đề án 06 để tạo sự thống nhất trong quá trình thực hiện.

Định kỳ hàng tháng trong năm 2023, cung cấp tỷ lệ người dân cài đặt ứng dụng VNeID cho Chủ tịch UBND các huyện, thành phố để đôn đốc, chỉ đạo tăng tỷ lệ cài đặt ứng dụng VNeID trên địa bàn.

Bắc Ninh cũng công khai số điện thoại đường dây nóng của Tổ công tác Đề án 06 tỉnh để người dân phản ánh các bất cập, khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.

Sở Nội vụ Bắc Ninh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra công vụ, chấn chỉnh việc triển khai, thực hiện các quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trong tháng 3/2023, đề xuất xử lý kỷ luật đối với các cán bộ thực hiện không đúng quy định.

Trung tâm Hành chính công tỉnh Bắc Ninh, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn của tỉnh này được yêu cầu phối hợp với Công an tỉnh bố trí cán bộ hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID mức 1 để sử dụng thực hiện tra cứu dịch vụ công.

Còn tại tỉnh Bắc Giang, Thiếu tá Ngô Tiến Công, Đội trưởng Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an huyện Lạng Giang) cho biết, đơn vị đề nghị các bậc phụ huynh học sinh, người dân có con em đủ từ 14 tuổi trở lên chưa làm thủ tục cấp CCCD hoặc đã làm thủ tục nhưng chưa nhận được CCCD liên hệ đến bộ phận thu nhận của đội để được ưu tiên giải quyết.

“Công an huyện quản lý thông tin cư trú của người dân bằng phương thức điện tử thông qua tài khoản định danh, ứng dụng VNeID. Bởi vậy, để sử dụng VNeID thay sổ hộ khẩu, công dân cần đến cơ quan công an đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 2. Sau khi được kích hoạt ứng dụng này, công dân đăng nhập để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mà trước đây cần đến sổ hộ khẩu”, Thiếu tá Ngô Tiến Công nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ