Người dân TPHCM 'nhọc' vì xin giấy xác nhận nơi cư trú

GD&TĐ - Việc một số đơn vị, cơ quan, tổ chức chưa cập nhật hệ thống dữ liệu và thống nhất trong thủ tục xác nhận cư trú, khiến không ít người dân khổ sở.

Công an hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính. Nguồn: Internet
Công an hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính. Nguồn: Internet

Thời gian qua, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, tích hợp CCCD gắn chip, định danh cá nhân điện tử,… mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, một số đơn vị, cơ quan, tổ chức vẫn chưa cập nhật hệ thống dữ liệu và thống nhất trong thủ tục xác nhận cư trú, khiến không ít người dân khổ sở.

Lao đao với thủ tục xác nhận

Theo quy định tại Luật Cư trú, kể từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu giấy chính thức không còn hiệu lực sử dụng.

Thay vào đó, căn cứ vào Khoản 4, Điều 14 Nghị định 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, người dân có thể dùng thẻ CCCD gắn chip; thiết bị đọc mã QR trên thẻ CCCD; thiết bị đọc chip trên thẻ; thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; số định danh cá nhân; ứng dụng VNeID; giấy xác nhận thông tin về cư trú;… để xin việc, đóng thuế, bảo hiểm y tế, nhà ở, điện, đất đai,…

Tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn TPHCM, không ít cơ quan vẫn chưa thể tích hợp hệ thống dữ liệu, thủ tục hành chính còn rườm rà, thiếu nhất quán, chưa phù hợp với những thay đổi và bổ sung mới của luật.

Đầu tháng 2/2023, do nhu cầu thực tập tốt nghiệp, anh H.K.Q (trú tại Phường 8, Quận 11), sinh viên năm 4 ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học FPT có nộp hồ sơ ứng tuyển thực tập cho một công ty IT trên địa bàn quận Tân Bình. Nghĩ rằng có đến 7 phương thức thay thế hộ khẩu giấy để chứng minh thông tin cư trú, anh Q. quyết định sử dụng thẻ CCCD khi làm thủ tục.

Sau hơn 2 tuần chờ đợi, bộ phận tuyển dụng công ty thông báo đơn vị chưa cập nhật cách thức tra cứu nên yêu cầu anh sử dụng hộ khẩu giấy (cũ) hoặc liên hệ công an địa phương để làm giấy xác nhận thông tin cư trú (mẫu CT07). Việc này ảnh hưởng đến tiến độ thực tập và làm báo cáo tốt nghiệp cuối khóa của anh Q.

Tương tự, anh T.T.A.T (trú tại Phường 15, Quận 10) chia sẻ từng gặp phải trục trặc khi nộp hồ sơ xin việc tại một trung tâm ngoại ngữ. May mắn, nhờ trung tâm cho phép, anh T. vẫn có thể làm việc trong khi chờ giấy xác nhận bổ sung sau.

Anh T. đánh giá, mặc dù theo luật, việc kiểm tra nơi cư trú đã có thể sử dụng CCCD nhưng gần như chỉ có cơ quan công an và một số đơn vị hành chính chấp nhận truy cập vào hệ thống dữ liệu để kiểm tra.

Còn đa số các đơn vị doanh nghiệp, trường học thì chưa. Điều này cho thấy việc tích hợp thẻ CCCD gắn chip, số hóa, đơn giản hóa thủ tục vẫn chưa thật sự phổ biến, đồng bộ, chưa đi vào cuộc sống một cách chuyên nghiệp.

Mòn mỏi chờ giấy xác nhận để đăng ký nhập học

“Giải pháp trong trường hợp này là gì thì hiện nay vẫn chưa có. Vì hệ thống cần phải tích hợp hoàn toàn để các cơ quan tra cứu thông tin khi cần thiết. Ngay cả tòa án, là cơ quan tiến hành tố tụng vẫn yêu cầu giấy xác nhận cư trú thay vì CCCD khi kiểm tra nơi tạm trú của người dân”, luật sư Trương Hồng Điền nhận định.

Thời điểm này tại, TPHCM đã và đang bắt đầu có những chuyển động về tuyển sinh đầu cấp. Xác nhận nơi cư trú để làm thủ tục nhập học cho con cái là nhu cầu của nhiều phụ huynh.

Thế nhưng hành trình xin giấy xác nhận không hề nhanh như sao y hộ khẩu. Trên nhiều diễn đàn chung cư, các bà mẹ trẻ hiện khá xôn xao chuyện xin xác nhận cư trú cho con.

Anh P.M.Q cho biết, khoảng 4 năm trước, gia đình anh có hộ khẩu tại quận Tân Bình, nhưng đến nay đã nhập về sinh sống ở quận Tân Phú. Khi làm giấy xác nhận thông tin cư trú để cho con vào học lớp 1, anh mất nhiều thời gian liên hệ công an khu vực để xác nhận, đồng thời còn chờ đợi chính quyền địa phương liên hệ về địa chỉ cũ để kiểm tra.

Phụ huynh có con vào lớp 1 xôn xao với giấy xác nhận nơi cư trú trên một diễn đàn chung cư (PV).

Phụ huynh có con vào lớp 1 xôn xao với giấy xác nhận nơi cư trú trên một diễn đàn chung cư (PV).

Chị T.U.H (cùng trú tại quận Tân Bình) cũng bức xúc vì thủ tục xin giấy xác nhận cư trú thường kéo dài, rườm rà, ảnh hưởng đến công việc và tiến độ nhập học cho con.

Phụ huynh này cho biết, thời gian chờ nhận giấy thường từ 1 - 3 ngày. Nhưng lo sợ vấn đề “chạy trường”, học trái tuyến, vào trường điểm, nên thời gian kiểm tra của cơ quan công an có thể diễn ra lâu hơn so với dự kiến.

Hệ thống chưa tích hợp quyền truy cập?

Phụ huynh gặp nhiều khó khăn khi xin giấy xác nhận cư trú nhập học cho con. Nguồn: Tuổi trẻ Phường 15

Phụ huynh gặp nhiều khó khăn khi xin giấy xác nhận cư trú nhập học cho con. Nguồn: Tuổi trẻ Phường 15

Xung quanh việc nhiều nơi yêu cầu giấy xác nhận cư trú khi giao dịch, luật sư Trương Hồng Điền (Đoàn Luật sư TPHCM) nhận định: Hiện nay quy định hoàn toàn không bắt buộc người dân phải làm giấy xác nhận cư trú khi nhập học, xin việc.

Tuy nhiên, hệ thống thông tin trên CCCD vẫn chưa tích hợp quyền truy cập khiến nhiều đơn vị, điển hình như trường học chưa có hệ thống kiểm tra. Các doanh nghiệp không biết tra cứu thông tin tạm trú ở đâu nên thường yêu cầu người lao động phải nộp bổ sung giấy xác nhận cư trú như một hình thức thay thế.

Giải thích nguyên nhân nhiều trường hợp xin giấy xác nhận cư trú bị trì hoãn kéo dài, luật sư cũng cho biết đây hoàn toàn là bất cập phát sinh. Trước nhu cầu ngày càng tăng cao, cơ quan công an buộc lòng phải ứng phó hỗ trợ người dân tạm thời cho đến khi có thông báo mới từ Bộ Công an.

Điều này không chỉ gây khó khăn cho người dân khi tham gia thủ tục hành chính mà còn dẫn đến quá tải hệ thống xử lý dữ liệu tại nhiều địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.