'Sát thủ thầm lặng' khi sưởi ấm sai cách

GD&TĐ - Khi sưởi ấm bằng than, củi,… phản ứng đốt cháy trong điều kiện thiếu oxy sẽ hình thành CO ngày càng nhiều.

Bệnh nhân ngạt khí CO cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân ngạt khí CO cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: BVCC

Tác động này là nguy cơ khiến những người trong phòng kín nhanh chóng rơi vào cái chết “êm dịu”.

Nguy hiểm chực chờ

Thời tiết ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung đang chìm trong giá lạnh. Theo đó, để giữ ấm vào buổi tối, nhiều gia đình có điều kiện ở thành thị đã sử dụng máy điều hòa, máy sưởi.

Tuy nhiên, ở vùng nông thôn, nhiều gia đình vẫn còn thói quen đốt than trong phòng ngủ để sưởi ấm. Đây là một hành vi rất nguy hiểm đã được các chuyên gia cảnh báo. Song, năm nào cũng có vài vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp nhận 3 bệnh nhân trong một gia đình gồm bà H.T.H. (59 tuổi), chị N.T.T.T. (27 tuổi) và bé sơ sinh khoảng 15 ngày tuổi, đều trú ở xã Ích Hậu (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh).

Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, ý thức lơ mơ do hậu quả của việc đốt than, củi để sưởi ấm trong phòng kín. Người nhà phát hiện các nạn nhân nằm bất tỉnh trên giường trong căn phòng rộng khoảng 10m2, đóng kín cửa, bên cạnh có một chậu than đang ấm.

Trước đó, trường hợp khác bất tỉnh do đốt than sưởi ấm trong gia đình anh N.Đ.P. (34 tuổi, trú thôn Bình Vinh, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh).

Khi đi qua, người nhà phát hiện anh P. cùng vợ là chị N.T.B (34 tuổi) và con trai mới sinh được hơn 23 ngày tuổi nằm bất tỉnh trong phòng ngủ. Sau khi phát hiện sự việc, vợ chồng anh P. và cháu bé được người thân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Bác sĩ xác định các bệnh nhân bị ngộ độc khí CO.

Theo người nhà bệnh nhân, do thời tiết mưa lạnh nên vợ chồng anh P. có đốt than sưởi ấm trong phòng ngủ. Đây là nguyên nhân khiến vợ chồng anh P và con trai mới sinh bị ngộ độc khí CO.

Trước đó, năm 2022 tại Hà Nội đã xảy ra vụ việc người đàn ông tử vong nghi do đốt lửa sưởi ấm trong nhà. Cụ thể, vào khoảng 4 giờ sáng 8/12, người dân phát hiện vụ cháy tại số nhà 19, ngách 36, ngõ Linh Quang (phường Văn Chương, quận Đống Đa). Khi phát hiện vụ việc, người dân đã sử dụng nước dập tắt đám cháy.

Ngay sau đó, người dân phát hiện ông Nguyễn Chí D. (sinh năm1972, trú tại địa chỉ trên) đã tử vong. Theo lực lượng chức năng, bước đầu nhận định nguyên nhân vụ cháy nghi do ông D. đốt lửa sưởi ấm, gây ra cháy nhà.

Cũng trong năm 2022, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 3 người trong một gia đình ở huyện Tuần Giáo, Lai Châu nhập viện vì ngộ độc khí CO, khi đốt than tổ ong để sưởi ấm.

Khó phát hiện khí CO

Theo phản ánh từ các cơ sở y tế, mỗi năm vào mùa lạnh, Việt Nam ghi nhận nhiều ca ngộ độc CO do đốt củi, than hoa, than tổ ong, dùng bếp gas... trong phòng kín và gây nên những hậu quả nghiêm trọng.

Theo thống kê của Bệnh viện Bạch Mai, năm nào cũng vậy, khi thời tiết bước vào rét đậm, Trung tâm Chống độc của bệnh viện lại tiếp nhận không ít bệnh nhân bị ngộ độc khí CO.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, người dân tuyệt đối không đốt củi để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín, kể cả dùng khí gas.

Bởi, khi đốt, oxy sẽ tiêu hao dần, trong khi CO độc hại sẽ ngày càng tăng. Phản ứng đốt cháy trong điều kiện thiếu oxy sẽ hình thành CO ngày càng nhiều. Hai tác động đồng thời này là nguy cơ khiến những người trong phòng kín nhanh chóng rơi vào cái chết “êm dịu”.

Cũng theo TS.BS Nguyên, bản thân CO không màu, không mùi vị nên rất khó phát hiện. Khi hít phải, CO sẽ nhanh chóng ngấm vào máu và “cướp” mất oxy trong máu. Từ đó, làm nạn nhân đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, thấy yếu, buồn nôn, đau ngực và lẫn lộn.

Hít phải lượng lớn khí CO có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mãn tính. 40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…

Ngày 22/12, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản về việc tăng cường công tác phòng chống rét cho người bệnh và người nhà người bệnh. Trong đó, văn bản yêu cầu các đơn vị thực hiện tuyên truyền cho người dân địa phương về nguy cơ của thời tiết tới sức khoẻ, tăng cường phòng chống rét đặc biệt là người già và trẻ em.

Nhà cửa cần được che chắn kỹ, bảo đảm quần áo đủ ấm. Đồng thời, cảnh báo để người dân biết về các tai nạn do sưởi như bỏng lửa, ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than, củi trong không gian kín.

Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần trang bị các thiết bị sưởi ấm an toàn thay vì đốt than, đốt củi để sưởi ấm. Ở những vùng kinh tế khó khăn chưa trang bị được các loại máy móc hiện đại, người dân cũng không nên sử dụng than củi, than tổ ong để đốt và sưởi ấm trong phòng kín.

Nếu thời tiết quá lạnh, buộc phải sử dụng than thì chỉ nên dùng trong thời gian ngắn. Cần mở hé cửa để bảo đảm thông khí và chỉ sưởi ấm khi mọi người còn thức. Không dùng sưởi qua đêm và đóng kín cửa phòng.

Trong trường hợp phát hiện có nạn nhân bị ngộ độc khí than, người nhà cần khẩn trương làm thông thoáng không khí bằng cách mở rộng cửa. Phải mang khẩu trang ẩm, nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm.

Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe người dân, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo một số biện pháp an toàn để làm ấm cơ thể trong mùa lạnh như: Thường xuyên tập luyện thể thao; thêm gia vị vào các món ăn như gừng, tiêu, tỏi; sử dụng trà quế, trà gừng, vừa giữ ấm cơ thể, vừa làm tăng sức đề kháng hiệu quả; sử dụng các thiết bị sưởi ấm an toàn hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.