Bên cạnh đó, tốc độ và lực của tên lửa rất lớn nên nó có thể gây thiệt hại nghiêm trọng do tác động “động năng” tuyệt đối mà không cần đến chất nổ.
Ngay cả khi một số quốc gia đang tìm cách phát triển loại vũ khí này, các nỗ lực khác cũng đang được thực hiện để ngăn chặn chúng.
Nga được cho là đang nghiên cứu công nghệ này và tuần trước Tổng thống Putin cho biết hệ thống tên lửa đất đối không và chống tên lửa đạn đạo S-500 có thể là “liều thuốc giải độc” chống lại tên lửa siêu thanh của kẻ thù.
Nhà lãnh đạo Nga cho biết thêm, Nga thực sự đi trước một bước so với phần còn lại của thế giới vì họ đang phát triển các nền tảng để ngăn chặn tên lửa siêu thanh ngay trước khi bất kỳ đối thủ tiềm năng nào có sẵn loại vũ khí này.
Đây là một kiểu “chạy đua vũ trang” độc đáo, nơi vũ khí phản công được phát triển đồng thời và thậm chí trước khi hệ thống mới nhất thực sự được hoàn thiện và sử dụng.
Theo hãng tin TASS, ông Putin nói “chúng tôi đang nghiên cứu ‘thuốc giải độc’ chống lại vũ khí siêu thanh trong tương lai của các quốc gia, quân đội hàng đầu thế giới. Tôi tự tin rằng chúng tôi sẽ làm được điều đó và chúng tôi đang đi đúng hướng”.
Tổng biên tập Victor Murakhovsky của tạp chí Arsenal của Nga cũng được dẫn lời khi nói rằng “hệ thống S-500 có thể trở thành “liều thuốc giải độc”.
Tháng trước, tờ báo Krasna Zvezda của Bộ Quốc phòng Nga cho biết công việc phát triển hệ thống phòng không và chống tên lửa đạn đạo cơ động S-500 dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Tháng 8 năm ngoái, Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov cho biết S-500 đang trải qua các thử nghiệm cấp nhà nước và đang hướng tới sản xuất hàng loạt vào năm nay.
S-500 được thử nghiệm lần đầu vào năm 2019 và hệ thống này có thể tấn công mục tiêu ở cự lý 481,2 km, xa hơn 80km so với bất kỳ hệ thống tên lửa nào. S-500 được cho là có thể phát hiện và tấn công đồng thời tới 10 tên lửa đạn đạo bay với vận tốc 6,5 km/ giây. Ngoài ra, nó cũng có thể sử dụng một số hệ thống radar riêng biệt để hướng tới các mục tiêu khác nhau như chiến đấu cơ, máy bay trực thăng, máy bay không người lái và tên lửa cùng một lúc.
Giám đốc phát triển Quỹ Hỗ trợ Công nghệ Thế kỷ 21 Ivan Konovalov nói với hãng tin TASS rằng Nga đã đi trước Mỹ trong việc phát triển công nghệ siêu thanh. Tuy nhiên, vì Mỹ có khả năng sẽ bắt kịp Nga, ông Konovalov cho biết cần có biện pháp phòng thủ thích hợp chống lại vũ khí siêu thanh để duy trì sự cân bằng.
Hiện tại, Hải quân Mỹ đang tìm cách sử dụng vũ khí siêu thanh trên các tàu nổi của mình. Trong khi đó Không quân Mỹ đang tiến hành thử nghiệm triển khai tên lửa siêu thanh từ máy bay ném bom B-52 và B-1B.