Sát cánh cùng trò trước kỳ 'vượt vũ môn'

GD&TĐ - Thời điểm nước rút, các trường THPT tại Nghệ An có nhiều giải pháp khác nhau, nhằm đạt hiệu quả ôn thi cao nhất, phù hợp với đặc điểm học sinh. Giai đoạn này, thầy cô luôn đồng hành, sát cánh bên các em, biến yêu thương, trách nhiệm của mình thành động lực cho trò cố gắng “vượt vũ môn”.

Cô Nguyễn Thị Bích Hằng – Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách cùng học sinh luyện đề môn Giáo dục Công dân. Ảnh: TG
Cô Nguyễn Thị Bích Hằng – Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách cùng học sinh luyện đề môn Giáo dục Công dân. Ảnh: TG

Ôn tập theo mục tiêu

Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách (huyện Thanh Chương, Nghệ An) hoàn thành chương trình năm học từ tháng 5 và khối 12 chuyển sang ôn tập thi tốt nghiệp. Thời điểm này, thầy Hải Anh đang hệ thống kiến thức theo chuyên đề Địa lý cho nhóm học sinh lớp 12 khối D (chọn tổ hợp KHXH). Cả nhóm chỉ hơn 10 em, nhưng thầy không ghép vào lớp khác mà dành thời gian dạy riêng. “Trong số này, nhiều em đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Văn, như em Minh Nguyệt giành giải Nhất. Các em có khả năng tiếp thu bài nhanh, tư duy học tập tốt nên nếu chú ý và tập trung có thể đạt điểm khá trở lên đối với môn Địa lý”, thầy Hải Anh cho hay.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Bích Hằng - giáo viên bộ môn Giáo dục công dân phấn khởi chia sẻ: Đợt thi thử gần đây nhất, điểm trung bình của học sinh trong trường đạt 7,9.

“Trong quá trình ôn thi, các em đều cố gắng học tập. Bởi môn Giáo dục Công dân dễ “ăn” điểm, nếu nắm vững kiến thức sẽ đạt điểm khá trở lên. Chúng tôi ôn tập miễn phí cho học sinh bằng nhiều hình thức như tại lớp, hoặc theo nhóm và online. Trong đó, nhóm đại trà để lấy điểm trung bình và nhóm khá, giỏi để lấy điểm cao. Thời gian thi tốt nghiệp không còn nhiều, học sinh cũng nắm cơ bản kiến thức. Nên trong giai đoạn “nước rút”, cô trò luyện theo từng chuyên đề, hoặc từng bài, sau đó làm bài thi tổng hợp kiến thức theo cấu trúc đề thi của Bộ GD&ĐT”, cô Bích Hằng nói.

Thời gian này, các nhà trường và giáo viên cũng khuyến khích học sinh lớp 12 ngoài buổi học ôn thi trên lớp, dành thời gian tự học, rà soát lại kiến thức. Nán lại học nhóm sau giờ ôn luyện môn Toán, em Phan Thị Hồng Son, lớp 12A3 Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn (huyện Diễn Châu) cho biết: Em học khối D và mục tiêu vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Thời điểm này, cả 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh em đều nắm khá vững kiến thức, nhưng vẫn lo lắng, bởi tỷ lệ chọi vào trường cao.

“Trong các môn, em lo nhất là Toán, nên thường trao đổi bài với thầy cô, học nhóm với bạn để củng cố kiến thức, rèn kỹ năng làm bài, cũng như tìm cách giải nhanh nhất để đưa ra đáp án chính xác”, Hồng Son chia sẻ.

Học sinh Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 tỉnh Nghệ An. Ảnh: TG

Học sinh Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 tỉnh Nghệ An. Ảnh: TG

Sát cánh cùng trò nội trú

Giờ ôn thi Tiếng Anh tại lớp 12A3, Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An, trong lúc ra đề cho học sinh tự làm, cô Lê Thị Hường dành thời gian ngồi chỉ bài cho em Mạc Văn Sinh. Vừa giải nghĩa câu hỏi, cô vừa nhắc cậu học trò chú ý những “dấu hiệu” trong 4 đáp án để chọn phương án trả lời chính xác. Mạc Văn Sinh là một trong số học sinh còn hạn chế về môn Tiếng Anh của lớp. Cận kề kỳ thi, Sinh càng nỗ lực hơn với môn này, với sự tận tình của cô giáo.

Cô Hường cho biết: “Mỗi lớp có khoảng 4 – 5 em lực học yếu nên cô chia thời gian, mỗi buổi ngồi cùng 1 trò từ 10 - 15 phút để kiểm tra, chỉ bảo thêm. Với nhóm này, cô không ra câu hỏi khó, hoặc câu vận dụng, mà chỉ tập trung vào 2 mức độ nhận biết và thông hiểu, nhằm đạt điểm trung bình xét tốt nghiệp”, cô Hường cho hay.

Tiếng Anh là môn có kết quả kém nhất của trường do xuất phát điểm của học sinh thấp, nhiều em vào lớp 10 mới biết đến ngoại ngữ. Vì vậy, giáo viên phải dày công ôn tập hơn. Mục đích học sinh đại trà phải làm tốt từ câu 1 – câu 33. Riêng các em thi đại học khối D, A1… làm được càng nhiều càng tốt từ câu 34 – 50. Đây là phần khó nhất vì các em thường yếu phần từ vựng, mất điểm ở phần đọc hiểu.

Giai đoạn ôn tập tăng tốc, cô Hồ Thị Hợi - giáo viên Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An vẽ sơ đồ cấu trúc đề thi môn Địa lý cũng như hướng dẫn học sinh cách sắp xếp thời gian làm bài, lấy điểm cho từng mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Theo cô Hợi, môn Địa lý không khó để đạt điểm trung bình khá. Thậm chí chỉ cần khai thác tốt Atlat, thí sinh có thể nắm chắc 5 điểm. Học sinh trường DTNT có đặc điểm chung là chăm chỉ, ý thức tự học cao.

Ngoại trừ những em học khối C đặt mục tiêu cao, thì số còn lại chọn tổ hợp KHXH để xét tốt nghiệp thường có tâm lý chỉ cần đạt 5 điểm là đủ. Vì thế, giáo viên phải biết cách tạo cảm hứng học tập để các em phát huy hết năng lực, tiềm năng của mình, đặc biệt là trong buổi thi chính thức. Không để học sinh dừng lại ở mức “tự hài lòng với bản thân”.

“Để khích lệ, tôi có cách thức ôn tập, ra đề khác nhau theo năng lực từng em. Không ra đề quá khó với năng lực học sinh dễ gây tâm lý chán nản. Thay vào đó đặt câu hỏi các em có thể giải quyết được, hoặc cố gắng thêm một chút là sẽ giành điểm. Đồng thời “treo giải thưởng” nếu các em đạt được mốc điểm nào đó. Ví dụ ở bài kiểm tra trước, em làm được mức 5 điểm, thì lần ra đề tới, tôi sẽ nâng lên một chút ở mức 6 điểm, và nhích dần lên. Phần thưởng chỉ là 1 gói bim bim, hay món quà lưu niệm nhỏ nào đó, nhưng nhận được quà của cô, các em mừng và thích lắm”, cô Hợi tâm sự.

Theo cô Hồ Thị Hợi, mỗi giáo viên sẽ có cách thức khác nhau để áp dụng cho học trò của mình, miễn là hiệu quả. Với cô, bằng việc tạo hứng thú, đặt thử thách nhỏ để học sinh chinh phục, đã từng bước nâng chất lượng và hiệu quả dạy học, ôn tập. Các lần thi thử gần đây, điểm trung bình chung môn Địa lý của trường đã đạt từ 8,5 lên 8,78 điểm/em và cô đang cố gắng để có kết quả thi thật tốt như kỳ vọng.

“Lịch ôn thi của trường vẫn duy trì như khi học chính khóa, từ thứ 2 - 7, mỗi ngày 2 buổi. Nhưng do mùa hè nắng nóng, buổi sáng các em sẽ học 2 tiếng từ 7 – 9 giờ, buổi chiều vào học muộn hơn từ 14 giờ 30 – 16 giờ 30. Riêng buổi tối, các em tự ôn tập trên lớp hoặc thư viện, khu vực ghế đá sân trường… Nhà trường cắt cử giáo viên để vừa quản lý lớp, vừa trực tiếp bồi dưỡng, phụ đạo thêm cho học sinh. Theo kế hoạch nhà trường sẽ tổ chức ôn tập đến hết ngày 2/7, sau đó tiếp tục cho học sinh ở lại trường đến ngày thi. Thời gian này, phụ huynh có thể xuống trường cùng con và báo với nhà trường để sắp xếp chỗ ăn ở, sinh hoạt”. - Thầy Nguyễn Đậu Trương, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú số 2 Nghệ An

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.