Sát cánh cùng học sinh trước kỳ thi chuyển cấp

GD&TĐ - Sau khi cấu trúc đề thi minh họa vào lớp 10 năm 2025 được công bố, các trường THCS tại TPHCM chủ động lên kế hoạch giảng dạy, ôn tập...

Giờ học Tiếng Anh của học sinh Trường THCS Nguyễn Hiền. Ảnh: M.A
Giờ học Tiếng Anh của học sinh Trường THCS Nguyễn Hiền. Ảnh: M.A

Học đâu, chắc đó

Thầy Đinh Văn Trịnh - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hiền (Quận 12) nhận định, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2025 là cột mốc quan trọng đối với học sinh lớp 9. Năm đầu tiên đề thi theo Chương trình GDPT 2018, kỳ thi tạo ra nhiều băn khoăn cho học sinh và phụ huynh.

Do đó, để hỗ trợ người học, ngay khi Sở GD&ĐT TPHCM công bố đề thi minh họa, nhà trường đã tổ chức các buổi làm việc với giáo viên bộ môn để phân tích kỹ cấu trúc đề thi, nội dung kiến thức trọng tâm theo định hướng. Từ đó, xây dựng kế hoạch ôn tập chi tiết, phù hợp với từng nhóm học sinh.

Cụ thể, nhà trường đã lên kế hoạch tăng cường giờ học và các hoạt động ôn tập như điều chỉnh lịch học, tăng thời lượng các môn thi trọng tâm như Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Bên cạnh đó, giáo viên tổ chức các buổi ôn tập bổ trợ, lớp học thêm cho học sinh yếu kém, tạo điều kiện để các em củng cố kiến thức hiệu quả.

Đặc biệt, giáo viên được khuyến khích áp dụng các phương pháp dạy học tích cực như học nhóm, thảo luận, thực hành, giúp học sinh chủ động hơn trong quá trình học tập, nâng cao khả năng tư duy, giải quyết vấn đề. “Gần cuối năm học, nhà trường tổ chức kỳ thi thử nhằm giúp học sinh làm quen với cấu trúc đề thi, rèn luyện kỹ năng làm bài và đánh giá năng lực bản thân. Qua đó, giáo viên có cơ sở để điều chỉnh phương pháp giảng dạy và hỗ trợ học sinh kịp thời”, thầy Trịnh cho hay.

Trường THCS An Lạc (quận Bình Tân) có 331 học sinh lớp 9. Từ đầu năm học, trong các tiết dạy buổi 2, giáo viên đã chia học sinh theo từng nhóm trình độ để rèn luyện, củng cố và dạy các kiến thức nâng cao tùy theo năng lực học sinh.

Thầy cô cũng khuyên học sinh, phải lập kế hoạch tự ôn tập, củng cố kiến thức. Với phần kiến thức chưa nắm chắc, các em có thể trao đổi với bạn bè và nhờ giáo viên hỗ trợ. Thầy cô luôn nhắc học trò không chờ đến kết thúc học kỳ II mới củng cố kiến thức.

“Tại cuộc họp phụ huynh đầu năm, nhà trường đã thông tin cho phụ huynh khối 9 về những điểm mới của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay. Ngoài ra, các thầy, cô giáo thường xuyên cập nhật thông tin mới về kỳ thi trên các nhóm Zalo của phụ huynh. Về kế hoạch ôn tập, dự kiến bước vào học kỳ II, nhà trường bắt đầu tăng tốc ôn tập cho học sinh. Thời gian này, việc dạy học đảm bảo chương trình quy định với phương châm học tới đâu, chắc tới đó”, thầy Phùng Minh Vương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

no-luc-giup-hoc-sinh-truoc-ky-thi-chuyen-cap-2.jpg
Học sinh TPHCM tham gia kỳ thi vào lớp 10 năm 2024. Ảnh: M.A

Không “học vẹt, học tủ”

Theo thầy Võ Kim Bảo - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1), học sinh nên tìm hiểu cấu trúc đề minh họa của Sở GD&ĐT TPHCM đã công bố. Nếu các em cảm thấy hoang mang về đề này, đây là dấu hiệu cho biết đã học sai phương pháp, vẫn học theo lối mòn, học đối phó, học vẹt, học tủ. Bởi các câu hỏi trong đề chú trọng kỹ năng làm bài, không yêu cầu học thuộc lòng. Học sinh có thói quen học thuộc lòng, trông cậy vào đề cương, bài giải thì khó hoàn thành.

“Câu hỏi trong đề thi không phải do người ra đề “sáng chế” một cách chủ quan, mà đa số câu hỏi đã có trong sách giáo khoa. Như vậy, đề thi vừa đảm bảo yêu cầu chương trình, vừa không đánh đố học sinh mà chú trọng kỹ năng, phát triển phẩm chất và năng lực người học. Chính vì vậy, không thể có văn mẫu. Đề thi cũng không có yêu cầu cao về năng lực văn chương mà dành cho học sinh đại trà. Chính vì vậy, các em chỉ cần luyện viết đúng hơn là lo lắng viết hay”, thầy Bảo cho hay.

Với môn Tiếng Anh, cô Lê Thị Quỳnh Hoa - giáo viên Trường THCS Nguyễn Hiền chia sẻ, từ đầu năm học, học sinh phải nắm chắc những đơn vị bài học trên lớp, cấu trúc ngữ pháp biết vận dụng vào làm bài tập. Với từ vựng, các em được khuyên nên học theo chủ đề.

Ngoài ra, điểm mới của đề thi là học sinh phải chọn từ để điền vào câu, nên các em phải biết chọn lọc từ theo ngữ cảnh; nắm chắc cấu trúc câu vị trí để biến đổi từ, nắm rõ cách tạo từ để làm các dạng bài tập.

“Đặc biệt, các em nên làm nhiều dạng bài tập từ cơ bản đến nâng cao để vừa ôn lại kiến thức cũ, vừa biết áp dụng kiến thức mới. Học sinh cũng có thể đọc các mẩu tin nhỏ bằng tiếng Anh trên tạp chí hoặc báo để tăng thêm vốn từ vựng trong các chủ đề được học. Tránh học tủ hay chờ đến thi mới học sẽ không hiệu quả. Làm chắc các dạng bài tập từng phần trong form đề rồi mới tập trung giải đề”, cô Hoa nhấn mạnh.

Riêng với môn Toán, thầy Phạm Hồng Danh - giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn (quận Tân Phú) cho rằng, để đáp ứng được đề thi theo chương trình mới, học sinh cần nắm được kiến thức cơ bản học ở trường, kỹ năng tính toán số, biến đổi biểu thức, giải phương trình, bất phương trình, kiến thức cơ bản hình phẳng... theo hướng dẫn của giáo viên.

Cùng đó, các em cần nâng cao khả năng đọc hiểu trong việc giải các bài toán thực tế, biết chuyển từ ngôn ngữ thường ngày qua toán học. Từ đó có thể mô hình hóa bài toán, đưa về các bài toán cơ bản như giải phương trình, giải hệ phương trình, tính giá trị biểu thức...

“Cùng với hoạt động dạy học, nhà trường đã và đang phối hợp với giáo viên tâm lý học đường tổ chức các buổi tư vấn, giúp học sinh giảm bớt căng thẳng, lo âu trước kỳ thi, đồng thời hướng dẫn các em kỹ năng quản lý thời gian, phương pháp học tập hiệu quả.

Nhà trường sẽ tổ chức các buổi họp phụ huynh để thông báo về tình hình học tập của con em, cũng như lắng nghe ý kiến đóng góp. Từ đó nâng cao công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, học sinh trong việc ôn tập cũng như chọn nguyện vọng vào lớp 10”, thầy Đinh Văn Trịnh - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hiền cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ