Giải tỏa áp lực cho học sinh trước kỳ thi chuyển cấp

GD&TĐ - Giai đoạn chuyển cấp lên THPT vô cùng quan trọng, vì vậy, học sinh lớp 9 không tránh khỏi áp lực do kỳ vọng của bố mẹ, thầy cô.

Giải tỏa áp lực cho học sinh trước kỳ thi chuyển cấp.
Giải tỏa áp lực cho học sinh trước kỳ thi chuyển cấp.

Cùng với đó là những căng thẳng do thời gian học trực tuyến kéo dài khiến trẻ luôn trong tình trạng thấp thỏm, mệt mỏi.

Trần Minh Tâm - học sinh lớp 9 Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội) - tâm sự: Sau khi trở lại học trực tiếp, điều em lo lắng nhất là phải thực hiện các bài kiểm tra. Cùng với đó là nỗi lo trước kỳ thi vào lớp 10. Khóa của em bị ảnh hưởng 3 năm bởi dịch Covid-19, do đó chất lượng học tập bị ảnh hưởng rất nhiều.

Còn Nguyễn Thùy Linh - học sinh lớp 9 Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) cảm thấy stress vì không được gặp thầy cô, bạn bè, chỉ quanh quẩn ở nhà với chiếc máy tính khi học trực tuyến. Đi học trực tiếp trở lại, Thùy Linh đối mặt với áp lực làm bài kiểm tra.

Cùng với đó, Linh cũng lo lắng trước kỳ thi vào lớp 10 khi những kiến thức chưa được bù đắp đầy đủ. “Em đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Kim Liên nên phải nỗ lực hết sức mới có thể thi đỗ. Bố mẹ hy vọng em sẽ đỗ vào trường, đó là động lực giúp em phấn đấu thì cũng đồng thời tạo nên áp lực không nhỏ”, Thùy Linh tâm sự.

Cô Tô Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ - cho biết: “Hầu hết học sinh lớp 9 đều rất vất vả ôn luyện để có điểm số tốt nhất, có thể lựa chọn trường THPT như ý. Thêm vào đó, học sinh lứa 2007 gặp thiệt thòi khi suốt 3 năm phải học trực tuyến. Thầy cô và học sinh giao tiếp trong không gian hẹp; không tương tác được với thiên nhiên, môi trường xung quanh khiến tâm lý bị ảnh hưởng. Tôi cảm thấy có sự gia tăng lo âu, gia tăng căng thẳng và cần phải giải tỏa cho các em”.

Dưới góc độ chuyên gia, TS Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP Hà Nội - chỉ ra 3 nguyên nhân khiến học sinh gặp áp lực, đó là từ gia đình, nhà trường, cuộc sống và chính các em.

Ông Sơn lý giải: Cha mẹ nào cũng mong con giỏi giang, đó là mong muốn rất chính đáng. Chỉ có điều, mong muốn đó vô hình trung tạo áp lực cho trẻ vì bố mẹ hiện nay không hiểu hết con mình. Bất kỳ mong muốn nào cũng phải xuất phát từ năng lực thực tế.

Áp lực thứ hai từ phía nhà trường. Trường nào cũng có quy chuẩn của mình và đòi hỏi học sinh phải đem về thành tích đỉnh cao, đó cũng là điều rất bình thường. Do đó, các em phải tự điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu của nhà trường.

Tiếp theo là áp lực từ cuộc sống. Học trò hiện nay được tiếp cận với quá nhiều luồng thông tin trong ngày; thú vui như trò chơi công nghệ mà đôi khi những cái xấu lôi kéo nhiều hơn những cái tốt. Do đó, để vượt qua những cám dỗ là điều không dễ.

Và áp lực cuối cùng, đó là áp lực từ chính các em. Ngày xưa vượt khó vươn lên để thành công nhưng hiện tại xã hội đời sống đã rất cao và sẽ có một bộ phận phải “vượt sướng” để thành công, mà điều đó sẽ khó hơn vượt khó rất nhiều vì sướng quá sẽ không còn động lực để phấn đấu.

TS Nguyễn Thanh Sơn đưa ra lời khuyên: Các em phải bình tĩnh, nhìn nhận vấn đề đầy đủ xem mình đang bị áp lực từ phía nào và tìm hướng giải quyết. Nếu áp lực từ gia đình thì phải mạnh dạn nói chuyện, trình bày nguyện vọng để bố mẹ căn chỉnh cho phù hợp. Nếu là áp lực từ phía nhà trường hãy chọn thầy cô mà mình thấy gần gũi nhất để mạnh dạn tâm sự, chia sẻ suy nghĩ của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.