Nhìn lại quá trình 4 năm thực hiện, ông Tạ Thanh Vũ - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau cho hay, hệ thống mạng lưới trường, lớp từng bước được rà soát, sắp xếp và hoàn thiện ở các cấp học theo hướng hợp lý, hiệu quả hơn.
Đảm bảo tính kế thừa, bền vững
- Qua 4 năm thực hiện Đề án, ngành Giáo dục Cà Mau có bước chuyển mình như thế nào, thưa ông?
- Trước đây, Cà Mau là một trong những tỉnh có nhiều điểm lẻ trường học nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Qua 4 năm thực hiện Đề án, đến nay tổng số trường, điểm trường xóa, sáp nhập trên địa bàn tỉnh là 72. Trong đó, điểm chính là 8 (sáp nhập và ghép thành 6 trường tiểu học); điểm lẻ là 21, điểm chuyển từ tiểu học sang mầm non là 43. Hiện, toàn tỉnh có tổng số 495 trường mầm non và phổ thông, trong đó mầm non có 134 trường (14 trường ngoài công lập), tiểu học có 214 trường (có 1 trường ngoài công lập), THCS có 114 trường và THPT có 33 trường (1 trường ngoài công lập).
Việc sáp nhập đã bảo đảm tính kế thừa và phát triển bền vững, giữ vững tính ổn định về mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục, đào tạo và nhu cầu học tập của người dân, cơ bản phù hợp với điều kiện thực tế; phù hợp với quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đến nay, tỉnh Cà Mau có 374/495 trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 75,55%.
Việc xóa các điểm trường lẻ để về điểm chính đã góp phần nâng chất lượng giáo dục tỉnh Cà Mau. Tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng, học sinh bỏ học giảm rõ rệt. Hệ thống mạng lưới trường, lớp từng bước được rà soát, sắp xếp và hoàn thiện ở các cấp học theo hướng hợp lý và hiệu quả hơn. Chẳng hạn, việc huy động học sinh đến trường ngày càng tăng.
Cụ thể, cấp tiểu học năm học 2022 - 2023 tăng 1.225 học sinh so với năm học 2020 - 2021 (năm học 2020 - 2021 có 108.024 học sinh; năm học 2022 - 2023 có 109.149 học sinh); cấp học mầm non năm học 2022 - 2023 tăng 4.774 học sinh so với năm học 2020 - 2021 (năm học 2020 - 2021 có 24.904 học sinh; năm học 2022 - 2023 có 29.678 học sinh).
Phần lớn nhân dân đồng tình ủng hộ chủ trương xóa các điểm trường lẻ của tỉnh. Điều này được chứng minh qua việc người dân hiến hơn 25.900m2 đất để đầu tư xây dựng, mở rộng các điểm trường (mầm non hơn 7.600m2 đất; tiểu học hơn 18.200m2 đất). Tỷ lệ huy động học sinh đến trường cao, giảm dần số học sinh bỏ học; điều kiện đi lại càng ngày càng thuận lợi, giao thông đường bộ chiếm ưu thế, câu chuyện học sinh đi đò và hỗ trợ tiền đò dần dần đi vào quá khứ.
Ông Tạ Thanh Vũ - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau. |
Vẫn còn khó khăn
- Bên cạnh kết quả đạt được, việc sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh còn những khó khăn, bất cập gì?
- Sáp nhập trường có quy mô nhỏ vào trường có điều kiện thuận lợi hơn, ít nhiều đã ảnh hưởng đến kết quả trường đạt chuẩn quốc gia như: Diện tích phòng học chưa phù hợp với tỷ lệ bình quân học sinh/lớp, tăng số lượng học sinh bán trú tại trường chính gây khó khăn trong công tác tổ chức dạy học, quản lý. Còn một số điểm trường cách xa trường chính 7 - 10km, tuy có số học sinh/lớp hoặc điểm trường thấp nhưng bắt buộc phải duy trì để đảm bảo trò đi học hằng ngày không quá xa, đặc biệt đối với trẻ mẫu giáo, học sinh lớp 1, lớp 2.
Thực tế cho thấy, việc xóa điểm lẻ dẫn đến quá tải ở điểm trường chính. Trong khi một số trường quỹ đất hẹp, không đủ điều kiện để mở rộng đầu tư xây dựng thêm phòng học, phòng chức năng. Nâng cấp cơ sở vật chất là bài toán mà ngân sách tỉnh gặp nhiều khó khăn.
- Những điểm trường lẻ sau khi xóa, tỉnh Cà Mau có phương án sử dụng như thế nào?
- Thực hiện tinh thần Công văn số 4654 ngày 21/6/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh về định hướng sắp xếp trường/lớp, giáo viên các cấp, Sở GD&ĐT ban hành Công văn 1673 ngày 12/7/2018 chỉ đạo xử lý các điểm trường lẻ đã bố trí, sắp xếp song không còn giảng dạy nữa.
Đối với tài sản là nhà đất và vật kiến trúc gắn liền với đất: Lập thủ tục trình cấp có thẩm quyền báo cáo giảm tài sản là nhà đất và vật kiến trúc gắn liền với đất theo quy định hiện hành. Nơi nào thuận lợi thì đề xuất cấp thẩm quyền để cải tạo làm điểm trường mẫu giáo, nhà công vụ cho giáo viên hoặc bàn giao lại cho chính quyền địa phương sắp xếp quản lý (nếu trường không còn nhu cầu sử dụng) tránh bỏ hoang, lãng phí tài sản công. Đối với các điểm trường trước đây do dân hiến đất xây dựng nay không còn sử dụng thì cấp thẩm quyền xem xét cơ chế, quy trình thủ tục trả lại.
Đối với tài sản khác (trang thiết bị phục vụ công tác dạy, học), bàn, ghế học sinh, giáo viên và đồ dùng dạy học thì chuyển về điểm chính hoặc bổ sung cho điểm trường do ghép học sinh về hoặc điểm liên trường, liên xã... Với tài sản hư hỏng không còn sử dụng được, làm thủ tục đề nghị thanh lý theo quy định hiện hành…
Một điểm trường lẻ tồn tại trên địa bàn huyện Phú Tân. Ảnh: Quách Mến |
Không thực hiện rập khuôn
- Ngành Giáo dục Cà Mau đã chỉ đạo các địa phương thực hiện Đề án như thế nào để đảm bảo nguyên tắc “có học sinh là có trường” và tránh tình trạng sắp xếp theo khuôn khổ, máy móc?
- Mục tiêu sắp xếp trường lớp là để giảm chi phí giáo dục, nhưng phải nâng cao chất lượng. Do đó, khi sắp xếp, giảm điểm trường đảm bảo nguyên tắc phù hợp với tình hình thực tế: Điều kiện đội ngũ cán bộ, giáo viên; cơ sở vật chất, trang thiết bị; diện tích nhà trường; điều kiện đi lại của học sinh, cự ly giữa các trường… Do đó, không thực hiện rập khuôn, máy móc mà phải hết sức linh hoạt để nâng cao chất lượng sau khi sắp xếp.
Đối với các điểm trường lẻ xa trường chính không xóa được, xem xét hỗ trợ việc đi lại của học sinh, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ xe đạp, phương tiện đi lại; đặc biệt với học sinh lớp 3, 4, 5 về học tại trường chính. Sắp xếp mạng lưới trường lớp phù hợp là cơ hội để phát triển quy mô cơ sở vật chất đồng bộ giữa các cấp học, tăng tỷ lệ huy động học sinh đến trường, giảm tỷ lệ bỏ học và nâng cao chất lượng dạy học.
- Đi đôi với sắp xếp hài hòa trường lớp, ngành Giáo dục Cà Mau có giải pháp nào để nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương trong tình hình mới?
- Trước hết, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, vận động về hiệu quả, ý nghĩa của việc thực hiện sáp nhập các trường, xóa điểm trường lẻ để tạo sự đồng thuận từ nhân dân. Tiếp tục rà soát, triển khai xóa, ghép các trường, điểm trường gắn với thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, ở xã liền kề giao thông thuận lợi.
Thực hiện xóa các điểm trường lẻ, lớp ghép bằng cách chuyển về trường chính hoặc ghép với điểm trường khác trên địa bàn có giao thông thuận tiện hơn, có đủ điều kiện đảm bảo học tập cho học sinh để bố trí đủ sĩ số học sinh/lớp theo quy định và phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Đồng thời, có kế hoạch linh hoạt nhằm đưa học sinh từ lớp 3 ở cấp tiểu học (còn đang học ở các điểm lẻ) ra điểm trường chính để tạo điều kiện thuận lợi triển khai học môn Tiếng Anh, Công nghệ, Tin học theo Chương trình GDPT 2018, nâng cao chất lượng dạy học.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các nhà trường đáp ứng yêu cầu dạy và học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại. Đưa các trường sau khi đã ghép về thực hiện dạy học tại một địa điểm để thuận tiện cho công tác quản lý, tổ chức dạy học. Tiếp tục rà soát thiết bị dạy học để có kế hoạch mua sắm bổ sung đảm bảo thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở, bếp ăn bán trú ở những xã có địa bàn rộng, đường đi lại khó khăn để có thể huy động học sinh các điểm trường về học tập tại trường chính và tạo điều kiện thuận lợi giúp trò được học tập tốt hơn. Đồng thời đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đối với những điểm trường do điều kiện quá khó khăn chưa thể đưa toàn bộ học sinh về trường chính, từ đó thực hiện dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục chất lượng.
Tiếp tục rà soát đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên để sắp xếp hợp lý, đảm bảo tiết kiệm biên chế và đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ. Tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cơ sở vật chất tại những trường, điểm trường đã thực hiện sáp nhập, xóa, ghép mà không có nhu cầu sử dụng phù hợp với quy hoạch, tránh lãng phí…, chuyển đổi công năng, phát huy hiệu quả.
- Trân trọng cảm ơn ông!