Dự án chống ngập cho TP.HCM đắp chiếu từ tháng 4/2018 |
Chiều 10/1, đại diện Trungnam Group thông tin với báo chí, Dự án chống ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) qua Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 sẽ khởi động lại.
Dự án tạm ngưng thời gian dài do vướng mắc liên quan đến việc sử dụng thép của dự án, việc tái cấp vốn cho đơn vị thực hiện dự án là Công ty TNHH Trung Nam BT 1547.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh quá trình giải quyết các thủ tục để dự án tái khởi động sớm nhất.
Trong đó, Trung tâm chống ngập TP được yêu cầu tổ chức kiểm tra, ký xác nhận hồ sơ khối lượng công việc hoàn thành phục vụ giải ngân khoản vay cho dự án.
Theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), dự án sẽ hoàn thành vào tháng 6/2019. Đây cũng là thời điểm kết thúc vốn vay ưu đãi cho dự án. Do đó, UBND TP chấp thuận đề xuất của Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 về việc đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước gia hạn thời gian tái cấp vốn phù hợp với tiến độ triển khai dự án.
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trungnam cho biết, đang cố gắng hoàn thành các khâu chuẩn bị để tái khởi động dự án sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán.
“Máy móc, thiết bị dừng hơn 7 tháng nên trong tích tắc không thể huy động kịp để tái khởi động trước Tết. Dự kiến, sau Tết nguyên đán sẽ tái khởi động dự án và đẩy nhanh tiến độ. Chúng tôi sẽ hoàn thành dự án trong năm 2019 nếu thành phố sớm giao mặt bằng”, ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, hiện nay mặt bằng tại quận 7, 8 và huyện Bình Chánh, Nhà Bè vẫn chưa bàn giao xong. Trước đó, trong lúc chờ bàn giao mặt bằng, để đảm bảo tiến độ thi công một số hạng mục, đơn vị thực hiện dự án phải thuê đất của người dân, chi phí khoảng 10 tỷ đồng.
Dự án tạm ngưng thi công thời gian dài đã gây ra nhiều thiệt hại. Riêng về mặt tài chính, nhà đầu tư đã thiệt hại gần 200 tỷ đồng; còn ngân sách Nhà nước bị ảnh hưởng bởi lãi vay ngân hàng.
“Lãi suất đi vay thì Nhà nước phải chịu, dừng 7 tháng thi công thì kéo dài thêm 7 tháng. Nhà đầu tư thiệt gần 200 tỷ đồng từ máy móc, thiết bị… Nhà đầu tư chưa nói ai sẽ bù đắp cho thiệt hại này. Đây là câu chuyện đau đầu. Còn thiệt hại cho Nhà nước thì cơ quan thẩm quyền giải quyết, phân xử”, ông Tiến thông tin.