Khó lường
Trong các chuyến du lịch, không ít trường hợp du khách gặp phải những sự cố ngoài ý muốn như rắc rối về thủ tục giấy tờ, thất lạc hành lý, lạc đường, nhỡ chuyến bay… Nhiều du khách thậm chí còn gặp những rủi ro ảnh hưởng đến tính mạng. Gần đây nhất, vụ đánh bom khủng bố tại Ai Cập nhằm trúng chiếc xe chở đoàn du khách Việt Nam đã cướp đi 3 sinh mạng, 10 người bị thương nặng, 2 người bị thương nhẹ. Chính phủ hai nước và công ty lữ hành đã kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu đồng thời có những đền bù, hỗ trợ...
Theo Saigontourist, doanh nghiệp lữ hành đưa du khách Việt sang Ai Cập cho biết: Các nạn nhân tử vong trong vụ nổ bom tại Ai Cập được đền bù bảo hiểm với khoản tiền trả một lần là 2,4 tỷ đồng/người. Bên cạnh đó, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt đã lo dịch vụ hồi hương thi hài và chi trả toàn bộ chi phí phát sinh kèm theo vé khứ hồi trị giá tối đa 120 triệu đồng.
Các trường hợp bị thương, phải điều trị tại Ai Cập và Việt Nam, công ty bảo hiểm chi trả phí y tế thực tế phát sinh với hạn mức tối đa. Cụ thể: Bảo hiểm đã chi trả trợ cấp nằm viện là 1,2 triệu đồng/ngày, tối đa 24 triệu đồng/vụ. Trường hợp phải nằm viện 5 ngày, công ty bảo hiểm sẽ chi vé khứ hồi cho người thân sang chăm sóc.Trong khi đó, chi phí y tế cho nạn nhân tiếp tục điều trị tại Việt Nam do hậu quả của vụ tai nạn này trong vòng 30 ngày.
Vụ đánh bom ở Ai Cập như một hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều du khách đối với việc mua bảo hiểm du lịch. Không ai muốn rủi ro xảy ra với mình, thế nhưng không ai có thể lường trước hết rủi ro. Các nạn nhân trong vụ đánh bom ở Ai Cập cũng vậy, họ không muốn và cũng không lường trước được sự việc.
Không nên thờ ơ
Theo nghiên cứu của các công ty bảo hiểm, hiện nay chỉ có khoảng 30% người Việt Nam mua BHDL. 70% còn lại không mua BHDL vì nhiều lí do khác nhau trong đó có việc không nhận thấy quyền lợi hoặc tiết kiệm chi phí chuyến đi...
Hướng dẫn viên Trương Tiến Hải (Hà Nội Tourism) cho biết: Khách du lịch chưa coi trọng việc mua BHDL. Hầu hết họ chỉ quan tâm đến chất lượng, giá cả, điểm đến... chứ ít ai nghĩ đến việc mua bảo hiểm phòng rủi ro. Nếu có mua, họ cũng chọn những gói bảo hiểm khiêm tốn chứ không mua những gói tốn kém.
Hơn nữa, về phía các công ty du lịch cũng thường chỉ mua bảo hiểm ở mức tối thiểu cho khách nên nếu không may gặp rủi ro, du khách sẽ không được hỗ trợ hoàn toàn. Và trường hợp xấu ảnh hưởng đến tính mạng, du khách cũng không được bồi thường ở mức cao nhất, anh Hải cho biết thêm.
Cùng nói về vấn đề BHDL, ông Bùi Tuấn Vũ, Giám đốc kinh doanh dự án Ứng dụng bảo hiểm LIAN chia sẻ: “BHDL được xem là vé thông hành quan trọng thứ hai sau hộ chiếu, nên du khách cần để tâm trước khi xách va li lên đường. Khi mua BHDL, những rủi ro trong các chuyến đi liên quan đến hành lý, ẩm thực hay an ninh, con người... sẽ được hưởng quyền lợi bảo hiểm. Mua BHDL chỉ có lợi cho du khách. Vì vậy, các du khách cần lưu ý trước mỗi chuyến đi chơi xa nên mua BHDL vì chi phí không lớn. Hơn nữa, nếu không may, rủi ro xảy ra sẽ rất tốn kém nhất là đi du lịch nước ngoài”.
Theo quy định của Luật Du lịch, tất cả các chuyến du lịch nước ngoài thông qua tổ chức du lịch đều bắt buộc phải có BHDL toàn cầu trong suốt chuyến đi. Đối với cá nhân hoặc tổ chức tự đi du lịch thì không bắt buộc mà theo quy định của từng quốc gia đến. Vì vậy vẫn còn nhiều khách đi theo nhóm và gia đình thường không mua BHDL. Đây là một hạn chế cần có hướng giải quyết. Về phía du khách, cần lưu ý, xem xét mua các gói BHDL phù hợp với từng chuyến đi. Không nên mua bảo hiểm với mục đích đáp ứng yêu cầu visa hoặc người già đi theo... Điều này thể hiện sự hạn chế và rất thiệt thòi nếu không may rủi ro xảy ra.