Ông Phạm Tất Đính, phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản VN, khẳng định công bố thông tin pháp lý về các dự án bất động sản là việc chính quyền các địa phương phải làm, đặc biệt các địa phương có quy mô thị trường lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh.
Đây là các địa phương thuộc diện phải thực hiện cung cấp dữ liệu, thông tin thị trường bất động sản cho cả cộng đồng xã hội biết, theo quy định của Nghị định 117/2015 về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thôn tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
Cũng theo nghị định này, trong giai đoạn tiếp theo tất cả các tỉnh thành khác đều phải công bố thông tin. Tuy nhiên, dù đã có hiệu lực 3 năm nay, nhưng hầu hết các địa phương đều chưa thực hiện.
Việc cung cấp dữ liệu thông tin, thị trường giúp cho nhà đầu tư, nhà phát triển dự án, người có nhu cầu mua nhà có đầy đủ thông tin thị trường trước khi quyết định mua bán.
Đây là yêu cầu bắt buộc để minh bạch thị trường, thông tin thị trường bất động sản hiện rất mù mờ, và không có cơ quan nào đứng ra cung cấp dữ liệu thông tin chính thống.
Hơn nữa, theo quy định Luật Kinh doanh bất động sản cũng bắt buộc công khai thông tin pháp lý về các dự án đầu tư.
Dự án sau khi được các sở Xây dựng khẳng định đủ điều kiện đưa vào bán nhà hình thành trong tương lại, được huy động vốn, phải được công bố trên trang thông tin của sở.
Bảo đảm quyền lơi người mua nhà khi chấn chỉnh tính pháp lý các dự án - Ảnh: Đ.Hà
Quá trình định giá, chỉ định giao đất cho nhà đầu tư có thể dẫn tới thất thoát giá trị đất, nhưng việc truy thu sẽ rất khó.
Theo Ông Phạm Thanh Hưng, phó Chủ tịch Cengroup, trường hợp Sở Tài chính trình UBND TP.HCM hủy bỏ khoảng 300 quyết định, công văn chỉ định bán các mặt bằng, nhà đất công cho tổ chức, cá nhân, và đưa vào bán đấu giá theo quy định chỉ khả dụng với dự án chưa triển khai.
Chuyện định giá đất, giao đất không qua đấu giá sai quy định chứ không phải các chủ đầu tư tự làm, mà do hội đồng định giá đất chưa độc lập, khách quan, sát thực tế.
Trong khi các sở, ban ngành lại căn cứ vào quyết định định giá đó để thu tiền sử dụng đất, giờ phải xem lại khâu định giá. Việc chuyển đất công thành đất tư liên quan đến các cơ quan chức năng của thành phố nhiều hơn.
Từ góc độ chủ đầu tư dự án, thường phải có đủ cơ sở pháp lý thì họ mới được triển khai dự án.
Thực tế có những dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng rồi vẫn bị truy tiền sử dụng đất. Có dự án bán nhà xong, tới khi làm sổ đỏ mới vướng đến tiền sử dụng đất.
Do vậy, cần tìm hướng giải quyết để bảo đảm được quyền lợi cho người mua nhà, quyền lợi của nhà đầu tư vì dựa trên kết luận định giá đất của cơ quan chức năng, họ đã tiến hành các thủ tục về đầu tư, tính toán suất đầu tư, giá bán để kinh doanh có lời.
Bây giờ, theo ông Hưng, nếu thu tăng tiền đất các dự án như đã từng xảy ra với dự án đô thị Phú Mỹ Hưng (Quận 7, TP.HCM) trước đây sẽ làm chủ đầu tư bức xúc, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư.
Việc xem lại giá đất các dự án phải có giải pháp phù hợp, cần xem xét trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong áp giá đất, giao đất không đúng, chứ không thể bắt chủ đầu tư, người mua nhà phải chịu trách nhiệm theo.