Sáp nhập trường lớp tại Nghệ An: Chủ trương đúng nhưng không vội vàng

GD&TĐ - Quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp là cơ sở để tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng dạy học, góp phần tiết kiệm ngân sách, đội ngũ.

Thư viện thân thiện tại Trường Tiểu học Thạch Thị (huyện Anh Sơn, Nghệ An).
Thư viện thân thiện tại Trường Tiểu học Thạch Thị (huyện Anh Sơn, Nghệ An).

Tuy nhiên, việc sáp nhập trường lớp ở một số địa phương lại vấp phải sự phản ứng của phụ huynh hoặc không đạt hiệu quả như mong muốn. Điều này cho thấy trong quá trình triển khai cần có thời gian chuẩn bị chu đáo cả về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ và tuyên truyền đến phụ huynh.

Trường lớp nhập, học sinh tách

Năm học 2021 - 2022 bắt đầu khá vất vả với tập thể cán bộ giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Sơn (huyện Thanh Chương, Nghệ An). Lý do khi thực hiện sáp nhập điểm lẻ Thanh Nam về trường chính, nhiều phụ huynh phản ứng và cho con nghỉ học. Cô Lê Thị Hồng Hạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Sơn chia sẻ: “Trước đây, quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh rất tốt, đồng thuận trong nhiều hoạt động. Nhưng chỉ vì sáp nhập mà nhiều phụ huynh quay sang mâu thuẫn với giáo viên. Trong khi đây là chủ trương chung của chính quyền, nhiệm vụ của nhà trường chỉ là dạy học. Đến nay, cả giáo viên lẫn ban giám hiệu đều mệt mỏi, ảnh hưởng tinh thần”.

Trước đó, thực hiện Đề án quy hoạch, sắp xếp mạng lưới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, gắn với xây dựng trường chuẩn quốc gia, UBND huyện Thanh Chương tiến hành sáp nhập 3 điểm trường. Bao gồm nhập điểm trường Thanh Nam về điểm chính Trường Tiểu học Ngọc Sơn; nhập điểm Liên Hồng về điểm chính Trường Tiểu học Thanh Liên và nhập điểm Thanh Hưng về điểm chính Trường THCS Đại Đồng.

Tuy nhiên, trong khi Trường Tiểu học Thanh Liên và THCS Đại Đồng đã ổn định, thì việc sáp nhập tại Trường Tiểu học Ngọc Sơn lại vướng mắc. Buổi học đầu tiên chỉ có 34/159 em ở điểm trường lẻ Thanh Nam đến trường chính. Sau đó, số lượng học sinh đến trường tăng lên nhưng không nhiều. Trong các cuộc họp dân với chính quyền, bà con vẫn bày tỏ ý kiến không đồng tình với việc sáp nhập, kể cả người không phải là phụ huynh. Nguyên nhân người dân đưa ra là điểm trường Thanh Nam có nhiều thế hệ con em học hành giỏi giang, làm cán bộ cấp cao hoặc doanh nhân thành đạt. Bà con muốn giữ lại điểm trường truyền thống này. Ngoài ra, nếu di chuyển đến điểm chính, học sinh phải đi xa thêm 2km.

Theo lãnh đạo nhà trường, điểm lẻ Thanh Nam đã xây dựng hơn 20 năm, cơ sở vật chất hư hỏng, xuống cấp, ảnh hưởng đến công tác dạy học. Trong khi giao thông từ điểm lẻ đến điểm chính đã được bê tông hóa. Vấn đề bất cập là quyết định sáp nhập được đưa ra ngày 20/8. Từ đó đến thời gian trực tiếp dạy học, nhà trường, chính quyền địa phương chỉ có 1 tháng chuẩn bị. Trong khi thời điểm này dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, địa phương thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến sáp nhập trường lớp vội vàng, chưa tuyên truyền, giải thích thấu đáo để người dân đồng thuận, ủng hộ với sự thay đổi. Để đảm bảo quyền lợi học sinh, điểm lẻ Thanh Nam vẫn duy trì và dừng đưa các em về trường chính.

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Ngọc Sơn (huyện Thanh Chương, Nghệ An).
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Ngọc Sơn (huyện Thanh Chương, Nghệ An).

Không vội vàng trong sáp nhập

Cách đây 4 năm, Trường Tiểu học Thanh Dương (huyện Thanh Chương, Nghệ An) cũng tiến hành sáp nhập điểm lẻ về trường chính. Kế hoạch được xây dựng từ năm học 2016 - 2017, sau đó 1 năm mới triển khai khi cơ sở vật chất được đầu tư bổ sung, xây dựng khang sang, đẹp đẽ. Nhà trường cũng hoàn thành xây dựng chuẩn quốc gia mức độ 2 và chất lượng dạy học nằm tốp đầu của huyện.

Thầy Bùi Xuân Sỹ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “So với trước khi sáp nhập, Trường Tiểu học Thanh Dương có chuyển biến rõ rệt. Đây cũng là cơ sở để thuyết phục người dân, phụ huynh tin vào chủ trương của xã, huyện. Chúng tôi cho rằng, việc chuyển học sinh cần tới địa điểm tốt hơn trường cũ cả về cơ sở vật chất và chất lượng dạy học, thì phụ huynh mới yên tâm, ủng hộ”.

Cuối tháng 10, sau thời gian nỗ lực vận động, Trường Tiểu học Thạch Thị (huyện Anh Sơn, Nghệ An) đã đón đầy đủ học sinh về điểm chính. Trước đó, Trường Tiểu học Thạch Sơn có quyết định sáp nhập với Trường Tiểu học thị trấn Anh Sơn thành Trường Tiểu học Thạch Thị. Cùng với quyết định này, điểm trường tại xã Thạch Sơn xóa bỏ, học sinh sẽ chuyển đến cơ sở vật chất tại thị trấn. Nhưng không đồng tình với sự sắp xếp trên của chính quyền, phụ huynh Thạch Sơn cũng cho con nghỉ học. Lý do đưa ra vì đường đi học ra thị trấn qua Quốc lộ 7 giao thông phức tạp, nguy hiểm.

Theo lãnh đạo nhà trường, việc sáp nhập có quyết định từ năm 2019. Tuy nhiên, thời gian đầu, Trường Tiểu học thị trấn cũ chưa đảm bảo về quy mô, số lớp, nên chỉ mới chuyển khối 5 của Thạch Sơn về trước. Những năm sau, khi cơ sở vật chất đảm bảo, cùng với nhiều lần đối thoại, vận động, phụ huynh đồng ý cho con em các khối lớp nhỏ hơn về thị trấn. Quãng đường từ điểm Thạch Sơn về trường mới chỉ cách nhau gần 1,5km. Ngoài trường tiểu học, việc sáp nhập cũng hoàn thành với trường mầm non và THCS của 2 xã, thị trấn.

Ông Đoàn Văn Thanh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Anh Sơn thông tin: Từ năm 2018 - 2021, huyện sáp nhập được 9 trường, giảm từ 63 trường xuống còn 58 trường và đưa được 5 điểm lẻ về trường chính. Nhờ đó, địa phương giảm được 10 cán bộ quản lý, 10 tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, 5 tổng phụ trách đội và 10 nhân viên. Về số lớp cũng giảm được 10 lớp với 12 giáo viên. Tiết kiệm ngân sách trả lương cho tổng 47 người, tương đương hơn 3,3 tỷ đồng/năm.

Việc sáp nhập trên thực hiện đề án “Sắp xếp lại mạng lưới, quy mô trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Anh Sơn giai đoạn 2019 - 2021”. Đề án này xuất phát từ thực trạng còn nhiều điểm lẻ mầm non, tiểu học và một số trường THCS quy mô nhỏ, có trường dưới 8 lớp. Cùng với đó là vấn đề thừa thiếu “cục bộ” giáo viên gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục toàn diện.... Vì vậy, địa phương phấn đấu để có mạng lưới cơ sở giáo dục vừa đáp ứng tốt yêu cầu trước mắt, vừa đảm bảo ổn định và phát triển lâu dài.

Hiện, Nghệ An vẫn còn khoảng 1.000 điểm trường lẻ. Nhiều trường học quy mô học sinh giảm, số lớp co lại. Điều này khiến cho việc sắp xếp, bố trí, sử dụng đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên khó khăn. Trên thực tế, chủ trương sáp nhập, quy hoạch mạng lưới trường lớp gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế, tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cao hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước, cơ sở vật chất. Đây cũng là cơ sở chuẩn hóa trường học vùng khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định: Việc rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông phải căn cứ quy chuẩn đảm bảo chất lượng do Bộ GD&ĐT ban hành và có lộ trình, cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trong giai đoạn 2021 - 2030, sở tiến hành rà soát, khảo sát để xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục hàng năm, gắn với chủ trương sáp nhập địa bàn hành chính. Việc sáp nhập sẽ được thực hiện sớm hơn ở các trường tiểu học, điểm trường lẻ để thực hiện Chương trình GDPT 2018. Quá trình sáp nhập tiến hành song song với việc xây dựng mô hình trường bán trú ở các cấp học để học sinh thuận lợi khi đến trường.

Giai đoạn 2015 - 2020, huyện Thanh Chương sáp nhập 7 điểm trường lẻ. Theo ông Trần Xuân Hà – Trưởng phòng GD&ĐT huyện, quy mô trường lớp trên địa bàn còn manh mún. Nếu tiếp tục duy trì điểm lẻ sẽ không tập trung nguồn lực nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm các thiết bị dạy học triển khai chương trình mới. Đặc biệt học sinh điểm lẻ sẽ khó có điều kiện thực hành Tin học, Ngoại ngữ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đây là lần thứ hai NHNN hủy đấu thầu vàng miếng.

Tiếp tục huỷ phiên đấu thầu vàng

GD&TĐ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa gửi đi thông báo hủy bỏ cuộc đấu thầu vàng miếng ngày 25/4 đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.