Sáp nhập trường, lớp học: Tín hiệu tích cực ở Lạng Sơn

GD&TĐ - Thực hiện đề án sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường, lớp học giai đoạn 2016 - 2021 đối với các cấp học trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác GD trên địa bàn.

Số HS rất ít tại một lớp học Trường PTDTBT THCS xã Song Giang, huyện Văn Quan (Lạng Sơn)
Số HS rất ít tại một lớp học Trường PTDTBT THCS xã Song Giang, huyện Văn Quan (Lạng Sơn)

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn, từ năm 2016 đến nay toàn tỉnh có 41 cặp trường và 143 điểm trường được sáp nhập; thực hiện luân chuyển 204 cán bộ, giáo viên, nhân viên; tinh giản biên chế được 36 giáo viên, lao động theo Nghị định 108. Sau sáp nhập, các trường cơ bản ổn định về tổ chức bộ máy quản lý, đội ngũ giáo viên, nhân viên. Chất lượng hai mặt GD có thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Năm học 2016 - 2017, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học xã Song Giang và Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS xã Song Giang được sáp nhập thành trường liên cấp với tên gọi là Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học - THCS xã Song Giang. Đây là trường thực hiện việc sáp nhập đầu tiên trên địa bàn huyện Văn Quan.

Cô Lương Thị Oanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc sáp nhập đã thể hiện rõ những mặt tích cực như: Tinh giản được biên chế (giảm 1 cán bộ quản lý); giáo viên không phải đến các điểm trường xa để dạy, trang thiết bị tập trung, đầy đủ hơn.

Các hoạt động phong trào của nhà trường được nâng lên. Cùng đó, đối với HS ở điểm trường lẻ khi dồn về điểm trường chính, HS được hưởng lợi vì được học đầy đủ các môn học (điểm trường lẻ không có môn Tiếng Anh), nhiều em được hưởng chế độ bán trú.

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn cho biết: Những điểm trường sáp nhập phần lớn đều có quy mô nhỏ, ít HS, sau khi sáp nhập giúp các trường tận dụng, khai thác, phát huy tối đa hiệu quả việc sử dụng trang thiết bị, đồ dùng dạy học hiện có, từ đó khắc phục tình trạng thừa, thiếu phòng học giữa các cấp học trong cùng một địa bàn. Theo đó, thời gian tới, ngành tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học; phấn đấu từ nay đến năm 2020 sáp nhập thêm gần 40 cặp trường. 

Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, đến nay, huyện đã sắp xếp lại 8 trường tiểu học và 8 trường THCS, sáp nhập lại thành 8 cặp trường tiểu học - THCS và dồn 2 trường tiểu học lại thành 1 trường tiểu học (giảm được 9 trường học). Ngoài ra, còn giảm được 10 điểm trường lẻ cấp mầm non, tiểu học về học tại điểm trường chính, tạo thuận lợi cho công tác giảng dạy, học tập của giáo viên và HS. Đồng thời, tinh giản được 26 biên chế.

Ông Chu Mạnh Dũng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Năm 2016, toàn huyện có 93 trường mầm non, tiểu học, THCS. Sau 2 năm tiến hành sắp xếp, sáp nhập các đơn vị trường, đến nay, toàn huyện còn 87 trường, giảm 6 trường. Không chỉ giảm đầu mối, toàn huyện còn giảm cơ số biên chế cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Cụ thể, huyện đã bố trí 12 cán bộ quản lý, 8 – 10 giáo viên các môn: Mỹ thuật, Âm nhạc, Tiếng Anh, Thể dục và 12 nhân viên (kế toán, thư viện, thiết bị trường học) dôi dư đến các trường khác. Trong thời gian tới, huyện đang phấn đấu sáp nhập thêm 4 cặp trường để số trường chỉ còn 83 đơn vị vào năm 2020.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các xạ thủ phòng không Ukraine thuộc Lữ đoàn cơ giới 93.

Tham nhũng khiến binh sĩ vỡ trận?

GD&TĐ - Theo chuyên gia Vadim Kozyulin, nạn tham nhũng đang đẩy nhanh cuộc rút lui của quân đội Ukraine hơn là tình trạng thiếu vũ khí hiện nay.