Sáp nhập trường lớp ở Đắk Lắk: Nâng cao chất lượng dạy học

GD&TĐ - Đắk Lắk có diện tích lớn, dân số đông. Hệ thống trường học rộng lớn, với nhiều điểm lẻ, một số trường xuống cấp không đáp ứng dạy học, đặt ra yêu cầu sáp nhập để nâng cao chất lượng dạy học.

Học sinh xã Cư San, huyện M’ Đrắk đến trường vào mùa mưa.
Học sinh xã Cư San, huyện M’ Đrắk đến trường vào mùa mưa.

Đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

Thực tế, tại một số huyện như Krông Pắc, Krông Năng, Cư Kuin, M’ Đrắk… trong cùng một xã hoặc các xã có khoảng cách địa lí gần nhau (dưới 10km) đang duy trì nhiều trường học, có quy mô rất nhỏ (chưa đến 10 lớp). Số học sinh/lớp cũng rất thấp so với quy định. Thế nhưng, những trường học này vẫn phải “nuôi” một bộ máy quản lý với đầy đủ thành phần. Một số trường mầm non, tiểu học có quá nhiều điểm lẻ, thậm chí một số điểm lẻ phải “mượn” hội trường thôn, buôn để tổ chức dạy học.

Ông Tạ Hồng Diện, Trưởng phòng GD&ĐT huyện M’Đrắk cho hay: “Trên địa bàn huyện có tới 30 điểm trường, trong đó có 4 điểm lẻ chưa có cơ sở vật chất, phải mượn hội trường thôn, buôn để dạy học. Có những trường có số lượng điểm lẻ nhiều, cách xa nhau và cách xa trường chính, như Mầm non Hoa Ban (xã Cư San) với 5 điểm; Mầm non Hoan Lan (xã Ea Trang) 7 điểm. Tỷ lệ tổ chức bán trú của chúng tôi thấp, do hầu hết các điểm trường xa, do tập tục của phụ huynh là mang đồ ăn đến trường cho con”.

Thực tế, nhờ các điểm lẻ này, đã giải được bài toán về huy động trẻ và học sinh ra lớp, góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia về xóa mù chữ, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở trẻ em.

Nhưng thực hiện Chương trình GDPT 2018, trường lớp manh mún, nhỏ lẻ sẽ gây khó khăn trong việc đầu tư nguồn lực cho giáo dục. Trước thực tế này, ngành Giáo dục đã tham mưu với UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện sáp nhập trường, lớp nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Theo đó, mục tiêu của giai đoạn 2018 - 2030 sẽ sáp nhập 115 trường, gồm 13 trường mầm non, 95 trường tiểu học và 7 trường THCS; số điểm trường cần xóa bỏ là 223, gồm 146 điểm mầm non, tiểu học 76 điểm và THCS 1 điểm. Riêng năm 2021 này, sáp nhập 61 trường, gồm 7 trường mầm non, 52 trường tiểu học và 2 trường THCS; xóa bỏ 184 điểm trường, gồm 122 điểm mầm non, 61 điểm tiểu học và 1 điểm THCS.

Một cụm điểm trường mầm non, tiểu học nằm trong khu dân cư bên triền núi của xã Ea Trang, huyện M’ Đrắk, tỉnh Đắk Lắk.
Một cụm điểm trường mầm non, tiểu học nằm trong khu dân cư bên triền núi của xã Ea Trang, huyện M’ Đrắk, tỉnh Đắk Lắk. 

Tạo thuận lợi cho học sinh và người dân

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án, một số địa phương đã triển khai sáng tạo và hiệu quả, tạo sự đồng thuận của nhân dân; giảm bớt gánh nặng ngân sách. Trong đó, huyện Krông Pắc là một trong những đơn vị tiên phong. Đến nay, toàn huyện đã sáp nhập được 15 trường, đạt hơn 42% kế hoạch.

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho biết: “UBND huyện đã chỉ đạo phòng GD&ĐT phối hợp với các phòng, ban khảo sát kỹ về điều kiện thực tế trước khi sáp nhập như khoảng cách địa lý, phong tục tập quán, tâm lý phụ huynh học sinh. Qua đó có cách làm phù hợp, tạo sự đồng thuận của người dân. Chúng tôi xác định làm đến đâu phải mang lại hiệu quả đến đó. Ưu tiên sáp nhập các trường đồng cấp, các trường có quy mô nhỏ và trên cùng địa bàn để học sinh đi học thuận tiện”.

Chị Hạnh (Krông Pắc) có con học tại Trường Tiểu học Hùng Vương, xã Ea Hiu (sáp nhập vào Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh, xã Ea Hiu) tâm sự: “Do được tuyên truyền từ trước, nên chúng tôi hết sức yên tâm khi nghe tin trường con học sáp nhập với trường cùng xã. Các cháu đi học cũng rất thuận lợi chứ không khó khăn gì. Nghe cháu kể, ở trường mới được chơi nhiều trò chơi hơn, được đến thư viện đọc nhiều sách hơn”.

Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh (xã Ea Kuăng, huyện Krông Pắc) cũng sáp nhập với Trường Tiểu học Tô Hiệu, xã Ea Phê. Anh Nông Văn Phú, xã Ea Kuăng hồ hởi nói: “Do nhà tôi ở đầu xã, trước đó con cái ở xã nào học xã đó thì con tôi phải ra trung tâm xã để học. Giờ sáp nhập trường, cháu sang phân hiệu của xã Ea Phê lại gần và thuận tiện hơn. Bạn bè ở trường mới, nhưng đều sinh sống gần nhà chúng tôi, nên cháu đều quen biết và sớm hòa nhập với trường mới mà không bỡ ngỡ”.

Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, ông Phạm Đăng Khoa khẳng định: “Ngành không vì chạy theo thành tích mà tiến hành sáp nhập một cách cơ học, máy móc, mà phải tạo thuận lợi cho các cháu đi học. Sau khi sáp nhập cần hướng dẫn, chỉ đạo các nhà trường nhanh chóng ổn định tình hình dạy học, giáo dục, nhất là công tác tư tưởng để cán bộ, giáo viên, học sinh yên tâm. Cần tính toán kỹ việc rà soát, sắp xếp bộ máy quản lý, giáo viên, nhân viên dôi dư một cách hợp lý; Quản lý, sử dụng cơ sở vật hiệu quả, tránh để lãng phí. Đặc biệt, bảo đảm sáp nhập vào phải nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh”.

Tính đến 5/2021, toàn tỉnh Đắk Lắk đã sáp nhập được 42/61 trường (đạt tỉ lệ 66,67%); xóa bỏ được 143/184 điểm trường (đạt tỉ lệ 77,3%). Đến hết năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh vẫn có hơn 1.200 điểm trường lẻ (mầm non: 723 điểm trường, tiểu học: 442 điểm trường và THCS: 77 điểm trường).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ