Điều này nhằm tạo điều kiện cho trẻ đến trường, đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, sĩ số/lớp.
Chăm lo cho sự nghiệp Giáo dục
Ngày 23/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Quốc hội khóa 15 đã ban hành Nghị quyết số 1104/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Nam Định, có hiệu lực từ ngày 1/9/2024.
Theo đó, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Mỹ Lộc vào TP Nam Định. Sau sáp nhập, TP Nam Định có diện tích tự nhiên là 120,9 km2 và dân số 364.181 người. Tại huyện Hải Hậu, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã Hải Triều, Hải Cường vào xã Hải Xuân. Sau khi nhập, xã Hải Xuân có diện tích tự nhiên là 15,12 km2 với dân số là 23.263 người.
Tương tự, việc sắp xếp lại các xã/phường thuộc TP Nam Định và các huyện còn lại cũng được thực hiện. Như vậy, tỉnh Nam Định sẽ có 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 8 huyện và 1 thành phố (giảm 1 huyện); 175 đơn vị hành chính cấp xã gồm 146 xã, 14 phường và 15 thị trấn (giảm 51 đơn vị hành chính cấp xã). Trước mắt, việc sáp nhập chưa áp dụng cho các trường học trên địa bàn tỉnh.
Theo bà Nguyễn Thị Mây - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hải Hậu (Nam Định), trong năm học vừa qua, UBND huyện đã quan tâm, chỉ đạo sát sao về công tác củng cố, nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống cơ sở vật chất trường học trên địa bàn. Các xã, thị trấn đã đầu tư tổng kinh phí 83 tỷ đồng cho các nhà trường để cải thiện cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học.
Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng như các nhà hảo tâm nên cơ sở vật chất của Trường THCS Hải Xuân, huyện Hải Hậu ngày càng nâng cao. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hải Sơn, trong năm học này, trường đưa vào sử dụng sân cỏ nhân tạo, bể bơi thông minh, bổ sung trang thiết bị phòng học, phòng bộ môn, sơn lại tường lớp… để thầy trò có điều kiện giảng dạy và học tập tốt nhất.
Sắp xếp các đơn vị hành chính là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách Nhà nước; phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương.
Đồng thời giúp giữ vững quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Việc này được cấp uỷ, chính quyền các cấp cùng các ban, ngành đoàn thể, cán bộ đảng viên và tầng lớp nhân dân tại địa phương đồng thuận, thực hiện một cách đồng bộ, bài bản, hiệu quả. Trong đó, vấn đề đầu tư cho Giáo dục được chú trọng và quan tâm hàng đầu.
“UBND xã Hải Xuân đã đầu tư sửa chữa, tu bổ cơ sở vật chất cho Trường Mầm non Hải Xuân ở cả 3 khu với kinh phí là 1,434 tỷ đồng; trong đó các nhà hảo tâm tài trợ 240 triệu đồng. Đầu tư cải tạo, nâng cấp Trường THCS xã Hải Xuân 991 triệu đồng.
Xã đang hoàn thiện nhà đa năng, chuẩn bị lát lại sân và một số công trình khác cho Trường Tiểu học Hải Xuân với số vốn khoảng 1,5 tỷ đồng”, ông Hoàng Minh Giang - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hải Xuân (Hải Hậu, Nam Định) thông tin thêm.
Nâng chất để đạt chuẩn
Tại Hà Nội, ông Phùng Ngọc Oanh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì trao đổi, dù nằm ở cách xa trung tâm thành phố, ngành Giáo dục huyện luôn nhận được sự quan tâm, ưu tiên của chính quyền địa phương. Theo chủ trương của cấp trên, tầm nhìn đến năm 2025, huyện Ba Vì sẽ sáp nhập các xã Phú Phương, Châu Sơn và Tản Hồng thành xã mới lấy tên là Phú Hồng, giảm 2 xã so với hiện tại.
Cơ sở vật chất là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trong giai đoạn đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay là đặc biệt quan trọng; gắn liền với nhiệm vụ chính trị của địa phương nhằm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao. Làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục sẽ giúp việc xây dựng cơ sở vật chất các trường gặp nhiều thuận lợi.
“Tính đến thời điểm hiện tại, các trường mầm non, tiểu học, THCS tại ba xã Phú Phương, Châu Sơn và Tản Hồng đều đạt danh hiệu trường chuẩn quốc gia. Chính quyền các xã cũng như nhà hảo tâm, nhân dân đoàn kết, chung tay xây dựng môi trường học tập thân thiện, hiện đại cho học sinh trên địa bàn. Đây là lợi điểm rất lớn trước khi triển khai sáp nhập xã”, ông Phùng Ngọc Oanh khẳng định.
Huyện Ứng Hòa (Hà Nội) sau khi được cấp trên phê duyệt để sắp xếp lại còn 20 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 9 xã so với hiện tại là 29 xã/thị trấn.
Cụ thể, nhập xã Viên Nội, Viên An, Hoa Sơn thành xã Hoa Viên; nhập xã Cao Thành, Sơn Công, Đồng Tiến thành xã Cao Sơn Tiến; nhập xã Hoà Xá, Vạn Thái, Hoà Nam thành xã Thái Hoà; nhập xã Lưu Hoàng, Hồng Quang, Đội Bình thành xã Bình Lưu Quang; nhập xã Trầm Lộng, Hoà Lâm thành xã Trầm Lộng.
Theo ông Nguyễn Đức Thắng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ứng Hòa, thời gian qua, phòng GD&ĐT đã chủ động tham mưu cho UBND huyện rà soát các trường, đối chiếu tiêu chuẩn từ đó xác định lộ trình thực hiện công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia theo từng giai đoạn.
Sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước kết hợp các nguồn huy động hợp pháp khác từ công tác xã hội hóa giáo dục để tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị dạy học, sửa chữa, bổ sung một số hạng mục công trình.
“Khi được cấp trên phê duyệt, huyện sẽ tiến hành sáp nhập các xã như dự kiến. Về phía các trường cơ bản vẫn giữ nguyên như hiện tại để thuận tiện trong công tác quản lý. Bởi nếu sáp nhập, có trường sẽ vi phạm quy định về tổng số lớp học nên việc sáp nhập trường khó khả thi.
Chính quyền và ngành Giáo dục huyện luôn chú trọng, ưu tiên đầu tư cho giáo dục trong khả năng cho phép để dần cải thiện cơ sở vật chất cho các trường học”, ông Nguyễn Đức Thắng trao đổi thêm.