Sáp nhập phường, xã và các vấn đề liên quan đến GD: Cơ hội nâng cao chất lượng giáo dục

GD&TĐ - Sáp nhập các trường học là cơ hội để nâng cao chất lượng giáo dục và cơ sở vật chất mạng lưới trường, lớp.

Những năm qua quận Ba Đình (Hà Nội) chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, nâng chuẩn tại các nhà trường.
Những năm qua quận Ba Đình (Hà Nội) chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, nâng chuẩn tại các nhà trường.

Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TƯ tại TP Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó có những điểm sáng.

Tăng trường chuẩn quốc gia

Trong những năm qua, các cấp, ngành của Hà Nội đã tích cực triển khai chủ trương của Đảng về đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Giáo dục Thủ đô liên tiếp giữ vững vị thế tốp đầu về chất lượng.

Theo TS Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình thì chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường trên địa bàn quận được thực hiện có bài bản, đúng lộ trình. Do đó, việc sáp nhập các trường học là cơ hội để nâng cao chất lượng cơ sở vật chất mạng lưới trường lớp.

Với lộ trình được xây dựng phù hợp điều kiện thực tế, quận Ba Đình phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm kỳ, đến năm 2025, 100% các trường trên địa bàn quận đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó điều kiện cơ sở vật chất khang trang, hiện đại đã và đang góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại các trường công lập...

TS Lê Đức Thuận nhấn mạnh tới Kế hoạch 193 của quận Ba Đình về việc cải tạo, sửa chữa, xây mới, sáp nhập và chia tách các trường (mầm non, tiểu học, THCS) thuộc quận để phấn đấu, hướng đến mục tiêu 100% trường đạt chuẩn quốc gia. Quận Ba Đình đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng để thực hiện kế hoạch cho 47/50 trường học và tiếp tục thực hiện nốt 3 trường còn lại.

“Hiện còn 3 trường: Mẫu giáo số 8, THCS Phúc Xá và Mầm non Chim Non còn khó khăn về pháp lý nên chưa thể tiến hành triển khai cải tạo, sửa chữa, xây mới. Trong đó, THCS Phúc Xá và Mẫu giáo số 8 dù có quỹ đất mới song bị vướng về quy hoạch hệ thống đê điều, thoát lũ.

Quận đang chờ được sự chấp thuận của cấp trên để xây dựng ở địa chỉ 15 đường Hồng Hà với tổng diện tích của hai trường này dự kiến khoảng 10.000m2. Với Trường Mầm non Chim Non, hiện còn đang vướng ở khâu giải phóng mặt bằng...”, TS Lê Đức Thuận thông tin thêm.

Được biết, UBND quận Ba Đình đã và đang thực hiện sáp nhập nhiều trường mầm non, trong đó đã thực hiện sáp nhập Trường Mẫu giáo Sơn Ca vào Trường Mẫu giáo Mầm non A và Trường Mầm non 1/6 từ năm 2020.

Theo UBND quận Ba Đình, Trường Mầm non Sơn Ca trước khi được sáp nhập có diện tích nhỏ hẹp và khó khăn trong công tác phát triển giáo dục và xây dựng trường chuẩn quốc gia. Việc sáp nhập vào 2 trường khác vừa giảm đầu mối cơ sở lại tăng tính hiệu lực, hiệu quả quản lý gắn với đó là đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị.

Quận Ba Đình đánh giá, đây là việc mới, việc khó của nhiệm kỳ, tuy nhiên với cách làm thận trọng có lộ trình cụ thể, đặc biệt là công tác thông tin tuyên truyền về giá trị, lợi ích và cách làm tới cán bộ giáo viên, chính quyền phường và người dân nên đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ.

co hoi nang cao chat luong giao duc (2).JPG
Cô trò Trường Mẫu giáo số 2 (quận Ba Đình) sáp nhập trường vào tháng 10/2024.

Không xáo trộn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên

Lý giải vấn đề này, đại diện lãnh đạo UBND quận Ba Đình cho biết, khi sáp nhập trường, đối với giáo viên thì chỉ là thay đổi chỗ làm việc chứ không có xáo trộn. Với cán bộ quản lý thì gắn với giai đoạn có hiệu trưởng nghỉ hưu, chuyển giao công việc nên việc sáp nhập thuận lợi hơn. Đặc biệt, người dân có tâm lý phấn khởi khi con em được học trong ngôi trường khang trang, hiện đại hơn sau đầu tư và sáp nhập.

Với chủ trương sáp nhập 2 phường Trúc Bạch và Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình) thành 1 phường, ngành GD-ĐT quận Ba Đình tham mưu với quận để sáp nhập một số trường học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đạt chuẩn quốc gia.

Từ những thành công sáp nhập trước đó, tháng 10/2024 tới đây quận Ba Đình tiếp tục làm công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, sáp nhập Trường Mầm non Hoa Mai với Trường Mẫu giáo số 2 (đều thuộc phường Trúc Bạch) và Trường Mầm non Hoa Đào với Trường Mẫu giáo Hoa Hồng (thuộc phường Quán Thánh).

Trong khi đó, Trường Mẫu giáo số 2 hiện đã đạt chuẩn quốc gia khi tiếp nhận thêm Trường Mầm non Hoa Mai sẽ được quận đầu tư thêm cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng chuẩn quốc gia. Nếu cứ giữ nguyên không sáp nhập, Trường Mầm non Hoa Mai sẽ khó đạt chuẩn quốc gia bởi khó khăn về diện tích, quy mô nhà trường. Tương tự, với Trường Mầm non Hoa Đào chưa đạt chuẩn quốc gia sẽ sáp nhập với Trường Mầm non Hoa Hồng đã chuẩn quốc gia.

“Cả 2 trường sau sáp nhập (4 trường thành 2) thì lại gắn với từ 1/10/2024 có 2 hiệu trưởng nghỉ hưu, như vậy “trưởng không bị xuống phó”. Bên cạnh đó, 4 trường hiện chỉ có 4 hiệu phó. Khi sáp nhập thì bộ máy mỗi trường là một hiệu trưởng, hai hiệu phó, giáo viên với số lớp cũ không bị thay đổi và học sinh vẫn đi học cơ sở cũ nhưng được đầu tư khang trang, hiện đại hơn...”, TS Lê Đức Thuận thông tin.

Quy trình và cách làm việc của UBND quận là đầu tư cơ sở vật chất đi trước một bước và gắn với cơ sở vật chất là các văn bản về đề án, kế hoạch. Trong đó chia rõ lộ trình chi tiết về thời gian khởi công, hạng mục và tiến độ hoàn thành và luôn luôn được cập nhật theo thực tiễn.

Theo tinh thần của Nghị quyết, thời gian sắp tới phường Nguyễn Trung Trực sáp nhập phường Trúc Bạch. Hiện địa bàn phường Trúc Bạch có các trường: THCS Mạc Đĩnh Chi, Tiểu học Việt Nam - Cu Ba, Mầm non Hoa Mai và Mẫu giáo số 2. Đối với phường Nguyễn Trung Trực có các trường: THCS Nguyễn Công Trứ, Tiểu học Nguyễn Trung Trực và Mẫu giáo số 3.

Hai phường (Nguyễn Trung Trực, Trúc Bạch) dự kiến sáp nhập sẽ lấy tên là phường Trúc Bạch thì các trường trên địa bàn vẫn giữ nguyên với 2 trường THCS, 2 trường tiểu học và 2 trường mầm non. Quy mô mạng lưới trường học của quận Ba Đình, phấn đấu mỗi một đơn vị cấp xã sẽ có tối thiểu một trường mầm non, một trường tiểu học, một trường THCS thì Ba Đình gần như đã hoàn thành.

Bên cạnh đó, mục tiêu đối với những phường đang thiếu quỹ đất với chỉ tiêu mỗi cấp học là một trường thì thực hiện phân tuyến tuyển sinh. Sau đó là chia theo tổ dân phố để việc đi lại, học tập của học sinh thuận tiện giữa các phường.

co hoi nang cao chat luong giao duc (3).JPG
Việc sáp nhập các trường góp phần bảo đảm tinh gọn, nâng cao chất lượng giáo dục.

Cần có quyết tâm cao

Là đơn vị dự kiến sẽ sáp nhập trong tháng 10/2024, Trường Mẫu giáo số 2 đã sẵn sàng cho việc chuyển đổi. “Với 28 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cùng hơn 200 trẻ, nhà trường làm tốt công tác tuyên truyền, nhận được sự đồng thuận cao để thực hiện sáp nhập. Cô trò đều hân hoan chờ mong việc sáp nhập sớm hoàn tất để phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường…”, cô Trần Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo số 2 bày tỏ.

Theo ông Cồ Như Dũng - Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình (TP Hà Nội), năm 2015, quận Ba Đình có 59 đơn vị sự nghiệp công lập, đến năm 2024 còn 55 đơn vị, giảm 4 đơn vị. Tổ chức bộ máy được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối; chức năng, nhiệm vụ được rà soát, điều chỉnh đảm bảo hợp lý, khắc phục được tình trạng trùng lặp, chồng chéo.

Đại diện lãnh đạo UBND quận Ba Đình cho rằng, việc triển khai đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ là công việc hệ trọng, phức tạp, nhạy cảm, vì vậy, cần nêu cao quyết tâm, tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng, khách quan, khoa học và phát huy dân chủ trong nội bộ.

Thời điểm hợp nhất các cơ quan, tổ chức phải nghiên cứu kỹ, chọn khi có đủ điều kiện hợp nhất. Trong đó, có tính đến điều kiện của địa phương; ý chí người đứng đầu; năng lực đội ngũ; thực hiện bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng chuẩn ngạch bậc, đáp ứng vị trí việc làm mới. Việc hợp nhất được triển khai thận trọng, tiến hành thí điểm trước, sau đó rút kinh nghiệm rồi mới triển khai ra diện rộng.

Còn tại huyện Phúc Thọ, ông Hoàng Mạnh Cường - Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết, Phúc Thọ có chủ trương sáp nhập nhiều xã như: Thọ Lộc, Tích Giang, Thượng Cốc, Long Xuyên, Vân Hà, Vân Nam, Phúc Hòa… tuy nhiên hiện tại, chưa thực hiện phương án sáp nhập trường học.

“Nếu có sáp nhập trường học, chỉ sáp nhập Trường Tiểu học Vân Hà với Trường Tiểu học Vân Nam, Trường THCS Vân Hà với Trường THCS Vân Nam. Và khi sáp nhập cũng không dôi dư cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên vì toàn huyện Phúc Thọ đang thiếu chỉ tiêu biên chế, cần tuyển dụng tiếp...”, ông Cường thông tin.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thì việc sáp nhập các trường góp phần bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lặp, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động ngành GD-ĐT. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức, người lao động trong đơn vị.

Tại Hà Nội, năm 2015 thành phố có 2.787 đơn vị sự nghiệp công lập, đến hết năm 2023 giảm còn 2.685 đơn vị. Như vậy, từ 2015 đến hết năm 2023, thành phố chỉ giảm 102 đơn vị, chưa đạt chỉ tiêu 10%. Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Thị Liễu, qua nhiều lần rà soát sắp xếp, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố được tổ chức theo hướng toàn diện, đồng bộ, cơ cấu hợp lý; giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải.

Tuy nhiên, thành phố còn gặp phải khó khăn do quy định của pháp luật đối với quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực chưa được ban hành đồng bộ, dẫn đến việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố có ngành, lĩnh vực còn chưa gắn với định hướng quy hoạch của Trung ương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.