Các nhà khoa học ở NASA, Phòng Thí nghiệm quốc gia Los Alamos và Trung tâm Phát triển Nghiên cứu thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã phát triển mô phỏng điện toán nhằm mục đích tính khoảng cách trung bình đến Trái đất từ 3 hành tinh gần nhất, là sao Hỏa, sao Kim và sao Thủy, trong khoảng thời gian 10.000 năm.
Dựa trên cách các hành tinh di chuyển trên quỹ đạo của chúng, mô hình đã chỉ ra hành tinh gần Trái đất nhất chính là sao Thủy!
Các kết quả dựa trên kỹ thuật gọi là điều biến PCM (point-circle method), tức là phương trình toán học, thừa nhận các quỹ đạo của hai hành tinh là tròn, đồng tâm và đa chiều. Nhờ kỹ thuật điều biến này, các nhà khoa học có thể tính được khoảng cách giữa 2 hành tinh trong quá trình chúng di chuyển xung quanh Mặt trời.
“Sử dụng PCM, chúng tôi thấy rằng khoảng cách giữa 2 hành tinh quay xung quanh Mặt trời là nhỏ nhất khi quỹ đạo bên trong nhỏ nhất.
Quan sát này giúp đưa ra kết luận: Trong trường hợp hai thiên thể có các quỹ đạo tròn, đồng tâm và chung mặt phẳng quay, khoảng cách trung bình giữa hai thiên thể giảm đi cùng với sự giảm bán kính quỹ đạo bên trong.
Từ đó có thể thấy rằng sao Thủy, chứ không phải sao Kim, là hành tinh gần Trái đất nhất”. Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.
Để kiểm tra giả thuyết của mình, các nhà khoa học đã xây dựng chương trình mô phỏng trên máy tính, có thể theo dõi vị trí của tất cả 4 hành tinh trong khoảng thời gian 10.000 năm và tính khoảng cách trung bình giữa chúng.
Kết quả mô phỏng khác với các tính toán truyền thống khoảng 300%; khác với tính toán bằng phương pháp PCM chỉ khoảng 1%.
Hóa ra, khoảng cách trung bình giữa Trái đất và sao Kim là 1,136 đơn vị thiên văn (1 đơn vị thiên văn là khoảng cách trung bình giữa Trái đất và Mặt trời); trong khi đó, khoảng cách trung bình Trái đất - sao Thủy là 1,039 đơn vị thiên văn!
Giả thuyết nói trên vẫn chưa được khẳng định, còn các nhà khoa học đang có kế hoạch tiếp tục nghiên cứu.