Học sinh hứng thú luyện tập
Tuy mới làm quen với cây sáo Recorder chưa lâu nhưng các em học sinh Trường Tiểu học Ngôi Sao, Trường Tiểu học Thành Công A, THCS Thực nghiệm (Hà Nội)... đã nhanh chóng yêu thích loại nhạc cụ này.
“Từ ngày được học sáo Recorder, giờ học âm nhạc sôi nổi hẳn lên. Các bạn trong lớp rất hào hứng học thổi sáo. Những giờ tập luyện thêm ở CLB các bạn đều cảm thấy vui và phấn chấn khi cùng nhau chơi một loại nhạc cụ, thể hiện những bài biểu diễn mà mình yêu thích” - em Mai Phương Linh - Lớp 7C - Trường THCS Thực nghiệm cho biết.
“Ban đầu em tưởng là học thổi sáo Recorder khó nên hơi căng thẳng. Nhưng khi tập và được tham gia biểu diễn thì em thấy thích và rất vui. Khi nào có thể chơi tốt nhạc cụ này em sẽ thể hiện khả năng của mình nhiều hơn” - Trần Khánh An lớp 4G Trường Tiểu học Đặng Trần Côn phấn khởi khoe.
Recorder là cây sáo dọc, một loại sáo trong bộ nhạc cụ hơi nhưng lại dễ sử dụng nhất. Trong dạy học âm nhạc, sáo Recorder giúp HS được trải nghiệm, thực hành và phát triển những kĩ năng về chơi tiết tấu, giai điệu và hòa âm.
Năm học 2017 - 2018, chương trình đã triển khai ở 45 trường tiểu học, THCS thuộc các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Năm học 2018 - 2019, chương trình tiếp tục triển khai ở 10 tỉnh, thành: Phú Thọ, Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TPHCM, Cần Thơ, Bình Dương và Thanh Hóa.
Cây sáo Recorder nhỏ gọn nhưng có âm thanh chuẩn xác, dễ hòa tấu với nhau cũng như hòa tấu được với piano, vilon và nhiều loại nhạc cụ khác. Thuận tiện trong di chuyển mà giá thành lại rẻ (130 nghìn đồng/cây) nên phụ huynh cũng dễ dàng mua cho con.
“Chúng tôi rất muốn dạy sử dụng nhạc cụ trong môn Âm nhạc và đây đang là các bước thử nghiệm tại một số trường. Trong chương trình mới thì nhạc cụ sẽ được đưa vào tất cả các lớp nhưng tùy theo từng giai đoạn với những loại nhạc cụ khác nhau. Theo dự kiến, nếu việc giáo dục âm nhạc thông qua các nhạc cụ như cây sáo Recorder đạt hiệu quả tốt, chương trình sẽ được triển khai mở rộng, góp phần thực hiện mục tiêu thay đổi chương trình giảng dạy âm nhạc theo hệ thống sách giáo khoa mới từ năm 2018” - ông Lê Anh Tuấn - Trưởng phòng NC giáo dục Nghệ thuật - Viện KH Giáo dục Việt Nam cho biết.
Dạy học sinh thổi sáo bắt đầu từng nốt, kết hợp từng bài cho đến lúc nắm được các kỹ năng cơ bản, quan trọng nhất của nhạc lý là các em đã có thể tự tin biểu diễn trước đám đông. Tham dự các lớp tập huấn mà Công ty Âm nhạc YAMAHA tổ chức, tất cả giáo viên âm nhạc đều nắm bắt được các kỹ thuật cơ bản, thế tay và các kỹ năng sử dụng 5 nốt: Son, la, si, đô, rê trên Recorder. “Chúng tôi đều thực hiện tốt phần truyền dạy cho học sinh ở trường mình. Tuy nhiên, việc phát triển mô hình CLB sáo Recorder ở từng trường lại có những thuận lợi, khó khăn riêng, đòi hỏi giáo viên chuyên môn phải năng động sáng tạo mới tìm ra cách thức tổ chức hoạt động phù hợp nhất” - thầy Nguyễn Ngọc Tân - GV Trường Tiểu học Thành Công A cho biết.
Học sinh Trường Tiểu học Ngôi Sao học thổi sáo Recorder |
Cần mở rộng hoạt động giao lưu
“Hiệu quả giáo dục âm nhạc nằm ở khâu tổ chức hoạt động CLB thế nào cho hợp lý và lôi cuốn nhiều học sinh tham gia nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Giờ học âm nhạc chỉ có một tiết /tuần với mỗi lớp, số lượng học sinh đông nên giáo viên khó chỉ bảo, uốn nắn chi tiết cho từng em được. Chính vì thế, sinh hoạt CLB sau tiết 7 buổi chiều khá phù hợp để cô trò cùng nhau tập luyện. Lứa học sinh lớp 9 ra trường chúng tôi lại tiếp tục đào tạo các em lớp 6 mới duy trì được sức sống cho CLB. Học đi đôi với hành, các trường có CLB Recorder cần phối hợp tổ chức sân chơi giao lưu để giữ nhiệt, khơi nguồn cảm hứng cho học sinh và giáo viên - cô Lưu Thanh Mai Lan, GV âm nhạc - Trường THCS Thực nghiệm (Hà Nội) đề xuất.
Việc duy trì CLB sáo Recorder đòi hỏi sự tận tâm và trách nhiệm của GV âm nhạc. Không chỉ dạy các em sử dụng nhạc cụ, giúp các em nắm được kỹ năng thổi sáo mà còn phải liên kết tổ chức cho các em được biểu diễn trên sân khấu. Công sức, thời gian, tâm huyết của giáo viên - chủ nhiệm CLB không hề nhỏ.
Trong quá trình giảng dạy, người giáo viên dạy âm nhạc thường nắm bắt được học sinh nào có năng khiếu, biết chơi các loại nhạc cụ khác sẽ kết hợp các em tập luyện phối bè, tập bài diễn phù hợp. Nếu CLB sáo Recorder hoạt động độc lập thì cũng không hiệu quả và khó tạo được sự khởi sắc cho nhà trường.
Tham gia triển khai mô hình thử nghiệm ngay từ những ngày đầu, bà Lê Thị Mai Hương - Phó Hiệu trưởng phụ trách trường THCS Thực nghiệm (Hà Nội) nhận xét: “Các em hào hứng tham gia, phụ huynh sẵn sàng mua nhạc cụ cho con tập luyện đã là thuận lợi lớn khi chúng tôi tổ chức loại hình CLB sáo Recorder. Hai năm qua, các thành viên CLB đã được mời giao lưu biểu diễn ở nhiều chương trình do Đài Truyền hình Việt Nam, do Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức. Tháng 6 vừa qua CLB lại tham gia Festival quốc tế thiếu nhi tại TP Nha Trang”…
Những hoạt động giao lưu như vậy cực kỳ cần thiết trong chương trình giáo dục âm nhạc. Với bất kỳ loại nhạc cụ nào, đã được học thì các em phải được “chơi” một cách đúng nghĩa nhất. Học sinh rất cần có những sân chơi ngoài lớp học, ngoài không gian phòng tập CLB để biểu diễn, giao lưu và học hỏi nhiều hơn. Có như vậy việc duy trì và phát triển CLB mới thuận lợi trong các nhà trường.