Jayden Trịnh, cậu bé 12 tuổi mang hai dòng máu Việt Nam – Singapore, sinh ra và lớn lên tại New Zealand, là một trong hai nhân tố đáng chú ý nhất Thần tượng âm nhạc nhí Việt Nam – Vietnam Idol Kids 2016, bên cạnh quán quân Hồ Văn Cường. Cậu bé lai gây ấn tượng mạnh với lối chơi ghita xuất thần, chơi thạo 14 loại nhạc cụ.
Đằng sau những thành công này là những bí quyết nho nhỏ nhưng có tác dụng rất lớn của mẹ Jayden – chị Trịnh Liên. VietNamNet đã có buổi trò chuyện với chị Liên về phương pháp kích hoạt và phát triển tài năng cho con.
12 tuổi thạo 14 nhạc cụ
Chị phát hiện ra niềm đam mê âm nhạc, khả năng chơi nhạc cụ của Jayden từ khi nào?
Jayden từ khi còn trong bụng mẹ đã được mẹ hát ru những câu hát ru Bắc Bộ, khi 3 tuổi rưỡi 4 tuổi thì được bố mẹ đưa đến học một lớp cảm thụ âm nhạc dành cho trẻ em mẫu giáo, tuy nhiên cho tới lúc này đam mê âm nhạc của con vẫn chưa được bộc lộ rõ rệt.
Đến lúc 5 tuổi Jayden bắt đầu đi học đàn ghita do thày hiệu trưởng trường tiểu học dạy. Khi Jayden bắt đầu học đàn, con không bao giờ rời đàn ra, khi rảnh rỗi lúc nào là chơi đàn và hát lúc đó. Đến khi con 5 tuổi rưỡi, con đã biểu diễn trước công chúng lần đầu tiên, và lúc 6 tuổi rưỡi được mời vào chơi trong ban nhạc của trường, là thành viên ban nhạc nhỏ tuổi nhất.
Khi Jayden bắt đầu tập đàn ghi ta, và 2 tháng sau đó học sáo recorder thì gia đình bắt đầu hát hiện ra tình yêu âm nhạc của con. Người có công lớn nhất trong việc phát hiện và nuôi dưỡng đam mê học nhạc cụ của con là thày hiệu trưởng Rod Galloway (cũng là một người chơi đa nhạc cụ).
Chúng tôi cũng nghĩ rằng những câu ru con từ lúc con chưa sinh ra cho tới khi con lớn là yếu tố lớn trong việc hình thành mầm yêu nhạc của con.
Cha mẹ là người nuôi dưỡng niềm đam mê âm nhạc cho Jayden. |
Được biết, Jayden mới 12 tuổi nhưng có thể chơi đến 14 loại nhạc cụ khác nhau. Con dành thời gian học như thế nào, thưa chị?
Ghita, ghita bass, ukulele, sáo recorder, sáo flute, saxophone, violin, piano & keyboard, melodica, trống là những nhạc cụ con đã chơi giỏi. Hiện tại con vẫn đang học kèn clarinet, kèn oboa, harmonica và đàn nhị.
Hai nhạc cụ bố mẹ hướng cho em học là recorder và ghita, còn tất cả các học cụ còn lại là do Jayden chọn. Gần đây nhất là kèn oboa và đàn nhị. Mỗi năm con học thêm hai nhạc cụ mới, và vẫn duy trì học những nhạc cụ còn lại.
Có một số nhạc cụ Jayden tự học, còn những nhạc cụ cổ điển thì Jayden vẫn theo học thầy cô. Jayden rất đam mê âm nhạc, và rất chuyên cần trong tập nhạc, nên việc tiếp thu và học khá nhanh. Mỗi một lần con xin học thêm một nhạc cụ là một lần con giải thích và thuyết phục bố mẹ bằng những lý lẽ mang tính phản biện, nên bố mẹ thường bị thuyết phục (cười).
Ngoài tài năng về âm nhạc, Jayden còn có năng khiếu trong lĩnh vực gì khác?
Có lẽ ngoài năng khiếu âm nhạc ra thì Jayden có năng khiếu về ngôn ngữ, tiếp thu các môn văn hóa nhanh, có trí nhớ khá tốt. Jayden cũng khá hoạt ngôn (phát thanh/ biên tập viên chương trình đài phát thanh).
“Chúng tôi cũng luôn nói với con rằng tính cách con người quan trọng hơn rất nhiều so với tài năng và sự nổi tiếng, và nỗ lực phấn đấu quan trọng hơn thành công” |
Cha mẹ là người gieo mầm
Đằng sau một thiên tài nhí luôn có bóng dáng của những người cha, người mẹ. Gia đình chị đã hỗ trợ, phát triển tài năng của con như thế nào?
Tôi luôn nghĩ rằng nhiệm vụ của 2 bố mẹ là gieo mầm. Khi mình gieo hạt thì sẽ không thể biết hạt nào lép hạt nào nẩy. Khi mầm mọc lên thì nhiệm vụ của bố mẹ là tưới tắm chăm sóc. Tài năng cũng như vậy.
Có thể con mình không giỏi về nghệ thuật, mà các lĩnh vực khác như ngôn ngữ, toán, văn, thể thao, hội họa v.v… Bố mẹ khi phát hiện ra mầm non tài năng thì sẽ chăm sóc cho mầm non lớn thành cây. Jayden từ khi bộc lộ đam mê âm nhạc đã được cả hai bố mẹ nuôi dưỡng niềm đam mê này.
Jayden có thể hát tiếng Việt, vậy bình thường con có hay dùng tiếng Việt để giao tiếp trong gia đình không? Chị có trú trọng việc dạy con tiếng Việt?
Tại thành phố Dunedin, New Zealand nơi gia đình hiện sinh sống, cộng đồng người Việt khá nhỏ, nên thường chỉ có hai mẹ con nói tiếng Việt với nhau. Việc duy trì tiếng Việt cho con phải nói khá là thử thách, bởi dùng tiếng Anh trong nhà rất tiện lợi, vì bố Jayden nói tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày.
Vì Jayden rất yêu thích Việt Nam nên việc dạy tiếng Việt cho con rất quan trọng. Thêm vào đó nếu con biết tiếng Việt tốt thì việc cảm thụ bài hát Việt sẽ tốt hơn. Chính vì vậy nên tôi cũng khá chú trọng việc dạy con nói, đọc và viết tiếng Việt. Ngoài ra, gia đình cũng cố gắng về Việt Nam thường xuyên để con có khả năng trau dồi vốn tiếng Việt của mình.
Ở Việt Nam, cha mẹ thường có xu hướng áp đặt suy nghĩ của mình đối với con cái nên con cái rất khó thân thiết, chia sẻ với cha mẹ như những người bạn. Nhìn hình ảnh quấn quýt của hai mẹ con có thể thấy mối quan hệ giữa chị và Jayden rất gắn bó, chị có thể chia sẻ về nguyên tắc dạy con của của mình?
Gia đình mình có 3 nguyên tắc: trung thực, không so sánh mình/con mình với người khác, và đối thoại cởi mở. Ngoài ra, tình thương yêu nhau cũng là sự kết nối các thành viên trong nhà. Jayden có thể tâm sự bất cứ chuyện gì cho mẹ hoặc bố nghe.
Có những câu chuyện đối nhân xử thế, hay thậm chí tâm sinh lý tuổi mới lớn, Jayden đều cảm thấy có thể tâm sự với bố mẹ. Jayden cũng là một em bé sống khá tình cảm, và vẫn còn theo mẹ.
Mỗi năm Jayden học thêm 2 nhạc cụ mới và vẫn duy trì học các nhạc cụ khác. |
Tránh cho con những cám dỗ
Sau cuộc thi Vietnam Idol Nhí, Jayden đã có rất nhiều người hâm mộ ở Việt Nam. Gia đình chị định hướng con đường phát triển cho Jayden thời gian tới như thế nào? Chị có dự định về Việt Nam để Jayden phát triển con đường âm nhạc?
Trước mắt gia đình vẫn về New Zealand để con học nốt hai kỳ học văn hóa cho năm nay. Cuối năm, nếu có điều kiện, có thể gia đình sẽ lại về Việt Nam trong thời gian Jayden được nghỉ hè (tháng 12 và 1). Bố mẹ Jayden cũng đang bàn bạc định hướng cho con về việc theo đuổi nghệ thuật.
Nếu con thấy yêu thích hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam thì vợ chồng mình cũng sẽ rất ủng hộ con. Nhưng cũng có thể gia đình sẽ chia quỹ thời gian sao cho Jayden có thể vẫn tham gia hoạc động nghệ thuật ở cả hai nước.
Jayden đang mê mẩn tìm hiểu về Đàn nhị - nét độc đáo của nhạc cụ dân tộc Việt. |
Sự nổi tiếng gắn liền với tai tiếng và cám dỗ. Thực tế đã cho thấy nhiều bé sau khi rời các cuộc thi đã xao nhãng việc học, mải váy áo, đi diễn. Chị nghĩ sao về tình trạng này, chị sẽ làm gì để con mình không rơi vào tình trạng đó?
Tôi nghĩ là việc đưa con trở lại New Zealand để học tiếp văn hóa sẽ lấy lại thăng bằng trong cuộc sống của con, 1 đứa bé 12 tuổi. Việc các cháu nhỏ khi thi những cuộc thi tài năng rồi sau đó có nhiều lời mời đi diễn cũng là một việc hết sức bình thường.
Nếu các cháu lao động nghệ thuật và được đãi ngộ một cách tương xứng thì việc đó hoàn toàn hợp lý. Tôi nghĩ rằng nếu các bé có thể định hướng hoạt động nghệ thuật ngay từ nhỏ, và được cha mẹ hỗ trợ tích cực thì sẽ rất thuận lợi cho sự nghiệp về sau.
Điều quan trọng là phải có được sự thăng bằng giữa việc đi diễn và đảm bảo học văn hóa, cũng như các hoạt động ngoại khóa khác mà đứa trẻ đó thích như thể thao, hội họa, nấu nướng v.v…
Có nhiều trẻ em ở Việt Nam hiện tại không phải đi diễn, tập tành nghệ thuật nhưng lại cắm mặt vào máy tính, ipad, điện thoại hàng giờ liền, không có thời gian nói chuyện với gia đình- cám dỗ đó theo mình còn nguy hiểm gấp bội so với việc các em đi trình diễn nghệ thuật.
Tai tiếng là thứ không thể tránh được khi con người nổi tiếng. Vì vậy bố mẹ cần có được sự tỉnh táo để có thể giúp con và đồng hành cùng con.
Vợ chồng tôi luôn dành ít nhất 1 tiếng vào buổi sáng nói chuyện cùng con về rất nhiều chủ đề khác nhau trước khi bắt đầu một ngày mới. Chúng tôi cũng luôn nói với con rằng tính cách con người quan trọng hơn rất nhiều so với tài năng và sự nổi tiếng, và nỗ lực phấn đấu quan trọng hơn thành công.