Sao không quy định miễn học phí cấp THCS ở cả trường ngoài công lập ?

GD&TĐ - Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành. Trong đó, có đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí khi bổ sung quy định miễn học phí tới cấp trung học cơ sở (THCS) ở trường công lập.

Ảnh minh họa. Báo GD&TĐ
Ảnh minh họa. Báo GD&TĐ

Quy định này với mục đích là thực hiện Hiến pháp 2013 và các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phổ cập giáo dục; căn cứ thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn hiện nay cũng như yêu cầu phát triển nền giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh phổ cập giáo dục THCS và phân luồng.

Vì vậy, phải có cơ chế chính sách thích hợp để thực hiện phổ cập giáo dục. Trên cơ sở đó, dự thảo đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí đến học sinh cấp THCS trường công lập.

Góp ý vào nội dung trên, nhiều ý kiến cho rằng miễn học phí tới cấp THCS ở trường công lập là cần thiết trong bối cảnh điều kiện kinh tế xã hội của đất nước ngày càng phát triển, đảm bảo các nguồn lực để đầu tư cho giáo dục, đồng thời, tạo điều kiện cho học sinh được tiếp tục học tập và không phải nghỉ vì lý do học phí, cũng như giảm bớt một phần chi phí cho phụ huynh học sinh….

Nhưng có ý kiến khác lại lo ngại rằng, việc miễn học phí có nguy cơ sẽ đẻ ra nhiều khoản thu khác của nhà trường mà nhà nước và phụ huynh khó có thể kiểm soát, nhất là các khoản đóng góp tự nguyện…Và nhiều ý kiến cũng đánh giá việc miễn học phí tới cấp THCS ở trường công lập chưa mang lại nhiều ý nghĩa tích cực.

Việc miễn học phí đến cấp THCS trường công lập là cần thiết và phải duy trì thường xuyên, nhằm tạo điều kiện cho học sinh có nhiều hoàn cảnh khác nhau được phổ cập giáo dục THCS. Nhưng vấn đề đặt ra là, tại sao học sinh tại các trường THCS công lập lại được miễn học phí, còn học sinh ở các trường THCS ngoài công lập lại không được miễn học phí; liệu rằng vấn đề này có làm ảnh hưởng đến tính công bằng và quyền lợi chính đáng của học sinh cùng cấp với nhau hay không?

Việc xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng, cần phải áp dụng thống nhất, xuyên suốt nhưng Nhà nước cần phải có chính sách tác động, điều chỉnh, kiểm tra, giám sát trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, cũng như mục đích hoạt động phải phi lợi nhuận của các trường THCS ngoài công lập.

Các trường THCS ngoài công lập hoạt động chủ yếu từ nguồn thu học phí của học sinh; việc tuyển sinh đa số là các học sinh không có hộ khẩu thường trú tại địa phương hoặc học sinh thi không trúng tuyển vào các trường THCS công lập. Khi học sinh theo học tại các trường THCS ngoài công lập, mặc dù điều kiện rất khó khăn nhưng phải đóng các chi phí học tập đắt đỏ hơn so với các trường công lập.

Khi chính sách miễn học phí tới cấp THCS ở trường công lập được triển khai thì tình trạng phân biệt giữa trường công lập và trường ngoài công lập ngày càng sâu sắc hơn; học sinh trường ngoài công lập sẽ thiệt thòi hơn nhiều so với trường công lập và không loại trừ sẽ phát sinh tiêu cực như phụ huynh “chạy” cho con mình được vào học ở trường công lập để khỏi đóng học phí.

Nếu vẫn áp dụng miễn học phí tới cấp THCS ở trường công lập thì nên áp dụng luôn đối với các trường THCS ngoài công lập để đảm bảo sự công bằng, hạn chế sự phân biệt giữa trường công lập và trường ngoài công lập... Đồng thời, nhà nước cũng cần phải sửa đổi, bổ sung các cơ chế và chính sách hỗ trợ đối với các trường THCS ngoài công lập, để các trường này duy trì sự hoạt động ổn định, tránh xáo trộn do chính sách miễn học phí gây ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ