Nhà giáo Tây Nam bộ góp ý Dự thảo Luật Giáo dục

GD&TĐ - Để lắng nghe ý kiến trực tiếp góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học và nhà giáo, sáng 14/12, tại TP Cần Thơ, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo
Nhà giáo Tây Nam bộ góp ý Dự thảo Luật Giáo dục ảnh 1Nhà giáo Tây Nam bộ góp ý Dự thảo Luật Giáo dục ảnh 2Nhà giáo Tây Nam bộ góp ý Dự thảo Luật Giáo dục ảnh 3Nhà giáo Tây Nam bộ góp ý Dự thảo Luật Giáo dục ảnh 4Nhà giáo Tây Nam bộ góp ý Dự thảo Luật Giáo dục ảnh 5

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng; lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ GD&ĐT; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện lãnh đạo các Sở GD&ĐT khu vực Tây Nam bộ.

Giúp cơ quan hoạch định chính sách hiểu sát thực tế

Đây là hội thảo cuối cùng trong số 5 hội thảo được Bộ GD&ĐT tổ chức tại 5 địa điểm trong cả nước tháng 11 và tháng 12 để lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, các chuyên gia và đội ngũ nhà giáo…

Hội thảo được tổ chức để lắng nghe ý kiến trực tiếp góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, gồm các Sở GD&ĐT, nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên...

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng đề nghị các đại biểu tích cực, thẳng thắng góp ý cho Dự thảo Luật; trao đổi cởi mở về các vấn đề dự kiến sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo; đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm mục đích cuối cùng là nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục.

Theo Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng: Thông qua hội thảo giúp những người hoạch định chính sách hiểu sát thực tiễn để có được những quy định phù hợp với cuộc sống. Đồng thời, việc lấy ý kiến còn nhằm cung cấp thêm cho Bộ, Ban soạn thảo những thông tin, cách nhìn từ thực tế để từ đó xem xét, cân nhắc và có những điều chỉnh cần thiết đảm bảo cho Dự thảo Luật mang tính cụ thể, sát thực tế và dễ đi vào cuộc sống hơn.

Ý kiến của các nhà chuyên môn, các thầy cô giáo trong ngành rất quan trọng, giúp ích cho Bộ, cho Ban soạn thảo để có cơ sở khoa học và có cách tiếp cận, đánh giá về chuyên môn đối với Dự thảo Luật.

Những kiến nghị tâm huyết

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục như: Mục tiêu giáo dục và cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân; nội dung, phương pháp giáo dục và chương trình giáo dục; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục; giáo dục mầm non; về chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa; giáo dục thường xuyên; trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học; tiền lương của nhà giáo…

Ông Võ Minh Lợi - Phó GĐ Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, đề xuất, Dự thảo Luật cần chú ý về độ tuổi của trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ. Theo đó, cần phải quy định độ tuổi của trẻ nhà trẻ phải đủ 6 tháng tuổi vì thực hiện giữ trẻ đúng độ tuổi này nhằm đảm bảo cho việc nuôi con bằng sữa mẹ - đó là quyền trẻ em. Từ đó sẽ đảm bảo sức khỏe cho trẻ trong hiện tại và tương lai. Thực tế nếu gửi trẻ ở nhà trẻ từ 6 tháng tuổi trẻ cứng cáp hơn, được bú sữa mẹ đầy đủ hơn…

Theo ông Lợi, đội ngũ nhà giáo rất vui mừng khi Chương trình giáo dục phổ thông thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa. Đây là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, Luật cần phải quy định cụ thể, rõ ràng các đơn vị tham gia biên soạn sách giáo khoa phải đảm bảo đủ các điều kiện nhất định mới được biên soạn sách… Về vấn đề tiền lương của nhà giáo, dự thảo Luật cũng cần bổ sung thêm lương nhà giáo phải phù hợp với vị trí việc làm của nhà giáo ở từng cấp học.

Trao đổi về Dự thảo Luật, ông Ninh Thành Viên - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang, cho biết: Vấn đề miễn học phí của HS THCS và nâng chuẩn trình độ đào tạo GV rất được dư luận xã hội quan tâm và đồng tình ủng hộ. Theo ông Viên, Dự thảo Luật cần phải có quy định cụ thể và xem xét về quy trình thành lập, hoạt động của Trung tâm GDTX. Bên cạnh đó còn có các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, hướng nghiệp cũng phải quy định cụ thể…

Tại hội thảo, các đại biểu cũng kiến nghị Ban soạn thảo Luật cần xem xét vai trò của các Trung tâm GDTX và duy trì các trung tâm này ở cấp huyện để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc học tập cho các em bỏ học ở trường phổ thông.

Theo ông Nguyễn Minh Chí - Phó Trưởng Phòng GD Trung học, Sở GD&ĐT Bến Tre: Không nên bỏ các Trung tâm GDTX cấp huyện vì nhu cầu học tập suốt đời của người dân rất lớn. Nếu chỉ còn duy trì TT GDTX ở cấp tỉnh thì người dân ở các huyện sẽ gặp khó trong việc học tập vì đường xa; không khéo người học GDTX sẽ bỏ học.

Bên cạnh đó, các đại biểu kiến nghị sáp nhập các Trung tâm học tập cộng đồng vào các trung tâm văn hóa cấp xã. Việc sáp nhập này vừa đảm bảo các thiết chế văn hóa trong vệc xây dựng nông thôn mới và đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân...

Cần chính sách tiền lương phù hợp

Vấn đề lương của nhà giáo được nhiều đại biểu quan tâm tại hội thảo, theo ông Nguyễn Bá Long - đại diện Sở GD&ĐT Bạc Liêu: Khái niệm “nhà giáo” hiện nay nghĩa là những người trực tiếp tham gia giảng dạy; còn những người công tác ở Phòng GD, Sở GD không phải nhà giáo. Vậy theo Dự thảo Luật, vấn đề lương nhà giáo được xếp cao nhất khung bậc lương, vậy lương của những cán bộ công tác ở phòng GD, sở GD có được xếp vào luật hay không?

"Thực tế có nhiều giáo viên giỏi, có uy tín nhưng khi rút về phòng, sở họ không chịu về. Vì khi về họ bị mất phụ cấp thâm niên, mất phụ cấp đứng lớp và cả việc xét danh hiệu nhà giáo ưu tú cũng bị vướng! Do đó, Ban soạn thảo Luật cần xem xét lại định nghĩa nhà giáo, nếu không những nhà giáo công tác ở phòng, sở bị thiệt thòi rất nhiều", ông Long kiến nghị.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Minh Chí - Phó Trưởng Phòng GD Trung học, Sở GD&ĐT Bến Tre, cho biết: Ban soạn thảo Luật cần phải xem xét lại định nghĩa “nhà giáo”. Nếu tăng lương cho nhà giáo - những người trực tiếp đứng lớp thì những người làm ở phòng GD, sở GD sẽ bị thiệt thòi. Ông Chí dẫn chứng: Lương GV được cho là thấp, còn những người làm ở phòng GD, sở GD còn thấp hơn. Bản thân tôi có gần 20 năm công tác trong ngành giáo dục, nếu hiện nay tôi công tác ở trường chuyên lương khoảng 10 triệu đồng, nếu ở trường phổ thông lương khoảng 8 triệu, nhưng tôi về Sở công tác thì lương hiện chỉ còn 5,8 triệu đồng…

Cùng trao đổi về vấn đề khái niệm nhà giáo, ông Bùi Quang Viễn - đại diện Sở GD Cà Mau, kiến nghị: Khái niệm “nhà giáo” nên được thay bằng cụm từ “những người đang công tác trong ngành giáo dục". Như vậy, khái niệm này sẽ bao gồm những nhà giáo đang đứng lớp và cả những người làm ở phòng, sở. Theo đó, lương của “những người đang công tác trong ngành giáo dục” được xếp cao nhất trong hệ thống bậc lương… như thế sẽ rõ ràng và cụ thể hơn.

Đánh giá lại các ý kiến góp ý, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng ghi nhận và đánh giá cao tâm huyết, những ý kiến chia sẻ, góp ý của các đại biểu cho Ban soạn thảo.

Thứ trưởng đề nghị thường trực Ban soạn thảo lắng nghe, ghi chép và tiếp thu tất cả các ý kiến góp ý của các đại biểu phát biểu tại hội thảo để nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo Luật. Sao cho Dự thảo Luật khi gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ, Quốc hội có tính khả thi cao, đảm bảo phản ánh đầy đủ nguyện vọng và ý chí của đối tượng trực tiếp chịu sự điều chỉnh của Luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.