Miễn học phí cấp học phổ cập phù hợp với xu hướng của thế giới
Trên thế giới hầu hết các nước đã thực hiện giáo dục bắt buộc (GDBB) và miễn học phí. Trong một nghiên cứu năm 2016 của Viện Nghiên cứu Giáo dục - Trường Đại học Sư phạm TPHCM về giáo dục bắt buộc, miễn phí trên thế giới áp dụng cho Việt Nam cho thấy: Trong số 66 nước (ở tất cả các châu lục) được khảo cứu, tìm hiểu, có 6,1% (4 nước) áp dụng GDBB dưới 7 năm, trong đó có Việt Nam (GDBB 5 năm). 93,9% thực hiện GDBB miễn phí từ cấp THCS trở lên (62 nước), trong đó có 28,8% (19 nước) thực hiện GDBB và miễn phí hoàn toàn hết cấp THPT.
Như vậy, GDBB và miễn phí là xu hướng chung của thế giới. Và đây cũng chính là chủ trương của Nhà nước Việt Nam. Trước năm 1975, giáo dục miền Bắc hoàn toàn miễn phí từ giáo dục mầm non cho đến giáo dục đại học. Hiến pháp năm 1959, 1980 đều quy định giáo dục phổ thông là GDBB và miễn học phí. Hiến pháp năm 2013 cũng thể hiện tinh thần này. Qua đó, có thể khẳng định việc miễn học phí đối với giáo dục phổ thông là tâm nguyện, ý chí của người dân đã được hiến định.
Tuy nhiên, do nguồn lực kinh tế Việt Nam còn thấp, mới thoát nhóm quốc gia nghèo từ năm 2010, trong khi nhu cầu được đi học và được tiếp cận giáo dục chất lượng cao gia tăng đáng kể (theo thống kê của Tổng cục Thống kê có khoảng 25% dân số Việt Nam đi học, từ mầm non đến đại học - cao bằng một số quốc gia phát triển), vì vậy, ngân sách Nhà nước không đảm bảo nỗi, nên phải thực hiện giáo dục có học phí (chỉ miễn phí cấp tiểu học) và thực hiện xã hội hóa giáo dục bằng cách cho phép thành lập các trường tư thục và trường quốc tế.
Mặc dù, cho đến nay Việt Nam đã đạt phổ cập giáo dục THCS, nhưng theo kết quả Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ (01/4/2014) thì tỷ lệ biết chữ của người dân từ 15 tuổi trở lên toàn quốc đạt 94,7%, trong đó vùng Trung du và miền núi phía Bắc đạt 89%. Tỷ lệ tốt nghiệp THCS, tỷ lệ tốt nghiệp THPT trong tổng số người dân từ 15 tuổi trở lên toàn quốc là 29,5% và 13,5%, trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt thấp nhất là 19,1% và 7,1%. Số người dân có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở lên, trong số người dân từ 15 tuổi trở lên đạt 17,2%. Như vậy, có thể khẳng định rằng, trong số người dân từ 15 tuổi trở lên, vẫn còn nhiều người chưa học hết cấp THCS. Điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là cấp học THCS chưa thực hiện miễn học phí, do đó, một bộ phận người dân nghèo, nhóm người dễ bị tổn thương chưa được đi học đến cấp THCS.
Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đã khẳng định: “Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và triển khai GDBB 9 năm sau năm 2020”. Đồng thời tại Nghị quyết này cũng xác định mục tiêu đối với giáo dục mầm non là: “Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và miễn học phí trước năm 2020”.
Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, nếu thực hiện miễn phí đối với THCS, một năm mất khoảng 2.000 tỷ đồng, nếu thực hiện miễn phí luôn giáo dục mầm non mất thêm 1.000 tỷ đồng nữa. Trong bối cảnh ngân sách bị bội chi, nợ công ngày càng tăng cao, bù thêm một khoản chi hằng năm là 3.000 tỷ đồng là một vấn đề nan giải cho tài chính quốc gia.
Lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp
Việc đề xuất xếp lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp lần này không phải là mới, vấn đề này đã được khẳng định trong các văn bản, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta hàng chục năm nay. Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI khẳng định: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”. Như vậy, điều mới ở đây là Bộ GD&ĐT đã đề xuất luật hóa việc này để đảm bảo tính khả thi. Bởi vì, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục là lực lượng quyết định sự thành bại của đổi mới giáo dục.
Tuy nhiên, theo Thống kê của Bộ GD&ĐT, đến ngày 21/8/2017, toàn quốc có 1.246.188 giáo viên, 272.318 nhân viên và 154.000 cán bộ quản lý giáo dục. Nếu tăng lương cho giáo viên (bao gồm cán bộ quản lý cơ sở giáo dục) có hơn 1,4 triệu người. Đây là một khoản ngân sách không hề nhỏ. Nếu xếp lương cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp thì sẽ gần bằng với mức lương của Công an, Quân đội. Vì vậy, Nhà nước và bản thân Ngành giáo dục phải tìm những giải pháp phù hợp.
Giải pháp tạo nguồn cho miễn học phí và tăng lương nhà giáo
Như đã phân tích ở trên, nếu cùng một lúc miễn học phí, mỗi năm ngân sách Nhà nước phải chi thêm cho giáo dục và đào tạo hàng chục ngàn tỷ đồng. Theo số liệu thống kê của Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), năm 2015 thì tổng nguồn ngân sách Nhà nước dành cho lĩnh vực giáo dục đào tạo là 224.826 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Tỷ lệ chi này đảm bảo theo Nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời, theo các số liệu thống kê quốc tế và Việt Nam, tổng chi cho giáo dục và đào tạo của Việt Nam chiếm 8,3% GDP, thuộc vào những nước cao của thế giới, trong đó chi từ ngân sách là 5% (60% tổng chi) và chi từ đóng góp của người dân là 3,3% GDP (40% tổng chi). Nếu tăng thêm hàng chục ngàn tỷ đồng nữa thì ngân sách Nhà nước khó có thể đảm đương, vì vậy phải có sự chia sẻ của người dân.
Theo chúng tôi cần có một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, cần sắp xếp lại trường, lớp một cách hợp lý. Trong điều kiện, kinh tế xã hội phát triển, nhiều vùng nông thôn đã đạt chuẩn nông thôn mới, giao thông đi lại thuận lợi, internet phát triển, những vùng này nên sáp nhập những trường quy mô nhỏ lại thành trường có quy mô lớn, hoặc ghép trường tiểu học, THCS hoặc trường THCS với trường THPT thành trường phổ thông đa cấp để giảm số cán bộ quản lý và nhân viên (hiện nay một số địa phương trong cả nước như Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế,… đã thực hiện việc này). Song song đó, việc bồi dưỡng hiệu trưởng theo hướng cán bộ quản lý có thể quản lý trường đa cấp. Các trường tư thục hiện nay có xu hướng phổ thông đa cấp.
Thứ hai, kiên quyết thực hiện tinh giản biên chế, có cơ chế miễn nhiệm, bố trí công việc khác hoặc kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Cần thay đổi quy định thi đua: là đơn vị vẫn có thể đạt danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” khi có một tỷ lệ nhỏ số người nào đó bị xếp loại “Không hoàn thành nhiệm vụ”. Đồng thời, cần thực hiện tăng lương theo lộ trình, từng bước từ giáo viên mầm non, đến tiểu học, THCS, THPT,… và từ vùng khó khăn đến vùng thuận lợi. Bên cạnh đó, cho phép đột phá ở các địa phương có khả năng về ngân sách (như TPHCM) thí điểm trước để đánh giá tác động và rút kinh nghiệm cho cả nước.
Thứ ba, Nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi nhất như ưu đãi về thuê đất, thuế thu nhập,… để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thành lập các trường tư thục chất lượng cao từ giáo dục mầm non cho đến giáo dục đại học để giảm gánh nặng cho ngân sách. Đồng thời thực hiện sự công bằng giữa người học trường công lập và ngoài công lập.
Thứ tư, bản thân người giáo viên cần thay đổi tư duy, nhận thức, đó là: lương và tất cả các khoản chi cho giáo dục là rất lớn, tất cả đều do thuế của doanh nghiệp và người dân đóng góp, người giáo viên cần phải có trách nhiệm với từng đồng thuế của nhân dân, từ đó, cần nâng cao trình độ, năng lực để hoàn thành nhiệm vụ cao cả là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.