Sáng tạo với những mô hình giáo dục tích cực

GD&TĐ - Thực hiện Chỉ thị số 3031/CT-BGDĐT ngày 26/8/2016 của Bộ GD&ĐT về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2016 - 2017, ngành GD&ĐT Lào Cai đã nghiêm túc, sáng tạo trong việc triển khai 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản vào thực tiễn giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục dân tộc nói riêng. 

Học sinh Lào Cai tích cực trong các giờ học
Học sinh Lào Cai tích cực trong các giờ học

Đặc biệt việc trao quyền chủ động tự chủ tại các cơ sở giáo dục chính là chìa khóa để đổi mới cách dạy và học tại các nhà trường.

Nhiều khởi sắc mới

“Việc triển khai những giải pháp tích cực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm học đã góp phần đổi mới công tác giáo dục tại tỉnh Lào Cai. Chất lượng giáo dục đã có nhiều chuyển biến tích cực đồng bộ từ vùng thấp đến vùng cao; công tác giáo dục dân tộc được chú trọng chỉ đạo” - Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai về những đổi thay trong giáo dục.

Cụ thể ngành Giáo dục đã có nhiều giải pháp chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt từ cấp Sở, Phòng đến các cơ sở giáo dục với tinh thần: Đổi mới, quyết tâm cao, sâu sát, cụ thể và hướng về cơ sở với nhiều giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng dạy và học nên đã tạo được sự chuyển biến khá rõ nét về chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học ở vùng thấp và vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lao Cai cũng cho biết: Lào Cai là một tỉnh miền núi nên học sinh dân tộc chiếm số lượng lớn, vì vậy công tác giáo dục dân tộc luôn được chú trọng và quan tâm. Vấn đề phát triển mạng lưới trường, lớp ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số cũng như việc củng cố hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú phù hợp điều kiện thực tế vùng cao trở thành hệ thống trụ cột của sự nghiệp giáo dục dân tộc Lào Cai.

Những mô hình điểm sáng tạo

Để nâng cao chất lượng dạy và học tại địa phương, đại diện lãnh đạo tỉnh Lào Cai cho biết: Ngành GD&ĐT Lào Cai đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và mô hình giáo dục mới ở cả 3 cấp học. Quá trình triển khai Mô hình Trường học mới đã tạo sự thay đổi quan trọng ở các trường tiểu học, trường THCS.

Học sinh được phát triển toàn diện hơn, tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp, có kĩ năng làm việc nhóm; biết quan tâm và tôn trọng người khác, có trách nhiệm với nhiệm vụ học tập và các hoạt động của lớp; đặc biệt, biết tự học, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tự đánh giá, làm chủ quá trình học tập.

Điểm sáng của ngành GD&ĐT tỉnh Lao Cai là việc xây dựng thành công mô hình trường học gắn với thực tiễn. Góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 8, khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, mô hình này nhằm giúp học sinh “học đi đôi với hành”, “nhà trường gắn liền với xã hội”, vận dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn đời sống, lao động sản xuất, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần thúc đẩy đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học đặc biệt là hoạt động nghiên cứu khoa học kĩ thuật của học sinh.

Mô hình trường học gắn với thực tiễn được chỉ đạo triển khai từ năm học 2014 - 2015 đến nay, từ những ngày đầu được thực hiện thí điểm ở các cấp học, hiện nay đã nhân rộng ra 100% các đơn vị trường học.

Các mô hình tiêu biểu được áp dụng tại tỉnh Lào Cai bao gồm: Trường học gắn với trồng trọt, chăn nuôi - Thực hiện linh hoạt có sự liên kết chặt chẽ với các hộ chăn nuôi, cơ sở sản xuất nông nghiệp của địa phương tổ chức giảng dạy, giáo dục cho học sinh; Trường học đa văn hóa gắn với cộng đồng - Đã hội tụ các sắc màu văn hóa của nhà trường, của học sinh các dân tộc theo học và giao lưu, bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương tạo môi trường đa văn hóa; Trường học gắn với du lịch, kinh doanh - Trang bị cho học sinh hiểu hơn về vẻ đẹp thiên nhiên, con người Lào Cai, vận dụng kiến thức được học để tham gia vào trải nghiệm sản xuất, kinh doanh; Trường học gắn với xây dựng môi trường sinh thái - Nhằm cải tạo môi trường sống, giáo dục cho học sinh lòng yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Ngoài ra còn nhiều mô hình sáng tạo khác như: Trường học thông minh, trường học năng động, trường học an toàn giao thông, trường học tự quản...

Chất lượng giáo dục toàn diện và hiệu quả giáo dục đã có nhiều chuyển biến tích cực đồng bộ từ vùng thấp đến vùng cao, đặc biệt ở các xã khó khăn nhất về giáo dục đã có sự chuyển biến rõ rệt (giảm từ 41 xã năm 2012 xuống còn 14 xã, đến tháng 12/2016 không còn xã yếu về giáo dục). Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS học lên THPT và GDTX hằng năm đều tăng, năm học 2016 - 2017 đạt 76,5%, tăng 6,1% so với năm học 2015 - 2016.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ