Sáng tạo với giờ dạy Tiếng Việt lớp 3 Chương trình mới

GD&TĐ - Cô giáo Hải Phòng áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy sáng tạo, tích hợp liên môn đem lại giờ học đầy hứng khởi với học sinh lớp 3A2.

Cô giáo Nguyễn Thị Ánh Tuyết hướng dẫn trò học Bài 10 (Tiết 3): Luyện tập: Từ chỉ đặc điểm; Câu nêu đặc điểm.
Cô giáo Nguyễn Thị Ánh Tuyết hướng dẫn trò học Bài 10 (Tiết 3): Luyện tập: Từ chỉ đặc điểm; Câu nêu đặc điểm.

Chuyên đề môn Tiếng Việt lớp 3 đã được cô giáo Nguyễn Thị Ánh Tuyết, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Kiến An, TP Hải Phòng) thực hiện thành công.

Bắt nhịp sáng tạo

Với mục tiêu xây dựng những tiết dạy thực nghiệm để cán bộ, giáo viên toàn ngành cùng nhau trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và điều chỉnh, Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã tham mưu trình lãnh đạo Sở về kế hoạch tổ chức chuyên đề cấp thành phố. Từ đầu năm học, nhiều chuyên đề dạy học môn Tiếng Việt, Công nghệ, Tin học… đã được tổ chức thành công.

Chuyên đề chuyên môn cấp thành phố do cô giáo Nguyễn Thị Ánh Tuyết và học sinh lớp 3A2 Trường Tiểu học Nguyễn Du, quận Kiến An lên lớp được Chủ biên môn Tiếng Việt và lãnh đạo ngành Giáo dục thành phố đánh giá cao.

Cô Tuyết cùng học sinh lên lớp Bài 10 (Tiết 3): Luyện tập: Từ chỉ đặc điểm; Câu nêu đặc điểm. Không khí giờ học sôi động, tràn đầy năng lượng tích cực khi cô trò cùng khởi động múa hát bài “Đường và Chân”. Bài Luyện tập là phần “khô, khó, khổ” vì khi trò phải hiểu lý thuyết thì làm bài mới hiệu quả. Cô Tuyết đã sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, tự làm đồ dùng dạy học đơn giản nhằm phát huy năng lực tự học, tự giải quyết vấn đề của trò.

So với chương trình 2006, bài Luyện tập “Từ chỉ đặc điểm; Câu nêu đặc điểm” trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3 của chương trình mới học sinh cũng được học về từ và câu. Từ là gì? Từ chỉ đặc điểm; Câu là gì? Câu nêu đặc điểm. Nhưng ở sách giáo khoa chương trình mới, học sinh được trang bị kiến thức về từ và câu qua sự kết nối với bài tập đọc “Con đường đến trường”. Trong bài tập đọc này có rất nhiều từ chỉ đặc điểm của con đường như: Mấp mô, lầy lội, trơn trượt nên học sinh có thể dựa vào để tìm từ chỉ đặc điểm về con đường.

Bài học với mục tiêu củng cố và mở rộng vốn từ về từ chỉ đặc điểm: Hình dáng, kích thước, màu sắc, âm thanh, hương vị để hoàn thiện câu… Từ đó, phát triển năng lực tự chủ, tự học, tự giải quyết vấn đề, làm việc nhóm. Khi được giao việc, các trò đều hào hứng chuẩn bị bài làm của mình trên nền cô giáo gợi ý.

Không chỉ cung cấp kiến thức từ vựng, mà cô Tuyết còn rèn cho học sinh thói quen giữ vệ sinh môi trường bằng trình chiếu video về những con đường xanh, sạch, đẹp của thành phố và đề nghị học sinh nêu cảm nhận khi xem video. Qua những ý kiến tham gia đóng góp vào bài học của học sinh giúp các em xây dựng ý thức giữ gìn cảnh quan đường phố, không xả rác bừa bãi…

Đổi mới phương pháp giáo dục, cô Tuyết đã giao dự án cho học sinh thực hiện với mong muốn giúp các em tự ý thức cũng như phát triển được vốn từ chỉ đặc điểm, câu nêu đặc điểm cùng các kỹ năng bản thân thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ xuyên suốt trong chủ điểm “Cổng trường rộng mở”. Cô đã áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy sáng tạo, tích hợp kỹ năng của một số môn học như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh vào bài dạy chuyên đề.

Học sinh thảo luận làm việc nhóm.

Học sinh thảo luận làm việc nhóm.

Mong muốn đổi mới

Cô Tuyết chia sẻ: Bài dạy lên lớp Chuyên đề là bài học chủ điểm tuần 5 của nội dung chương trình năm học 2022 - 2023. Trước khi lên lớp Chuyên đề, Tổ khối chuyên môn lớp 3 của Trường Tiểu học Nguyễn Du đã có những buổi sinh hoạt, tìm hiểu kiến thức, kế thừa của năm học lớp 1, 2 để soạn nội dung tương ứng với bài dạy sao cho phù hợp. Thành viên trong tổ chuyên môn đã thiết kế đồ dùng dạy STEM và mong muốn bộ dụng cụ học tập này không chỉ phục vụ cho lên lớp Chuyên đề, mà còn thực hiện xuyên suốt, có hiệu quả ở những dạng bài khác, các môn học khác trong Chương trình GDPT 2018.

Để dạy thành công, cô Tuyết xác định rõ yêu cầu của bài, tìm các tình huống của bài đưa ra, chọn cho mình phương pháp tốt nhất truyền tải bài học đến cho học sinh, giúp các em tiếp thu kiến thức một cách chủ động. Cô mong muốn các cấp ngành tổ chức thêm những buổi sinh hoạt chuyên môn để mỗi thầy cô đều có thể học tập, trau dồi thêm kiến thức và áp dụng cùng kinh nghiệm của bản thân để truyền tải bài dạy đến học sinh một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.

PGS.TS Trần Thị Hiền Lương - Chủ biên môn Tiếng Việt, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống - đánh giá: Tiết dạy học Chuyên đề của cô Tuyết có tính trực quan cao và rất thông minh. Với học sinh tiểu học thì tính trực quan rất quan trọng, nếu cứ nói mấp mô, gồ ghề hay trơn trượt chung chung như thế học sinh quên đi rất nhanh. Trong tiết dạy, cô giáo đã đưa vào hình ảnh một con đường và cho học sinh có sự quan sát, đánh giá và tìm từ chỉ đặc điểm. Từ đó, sẽ làm cho các em nhớ rất lâu và mở rộng vốn từ một cách tích cực cho học sinh.

TS Hiền Lương cũng cho rằng, đây là tiết học thông minh vì học sinh được chia theo nhóm. Mỗi nhóm sẽ tự tìm ra các từ chỉ đặc điểm sau đó xếp vào trong các giỏ về màu sắc, âm thanh hay hương vị. Như vậy, các em không chỉ tìm được từ chỉ đặc điểm, mà còn biết từ mình tìm là màu sắc, âm thanh hay hương vị. Tiếp đó, học sinh sẽ tự dán hình lên cây mà cô giáo chuẩn bị và đọc to trước lớp những từ chỉ đặc điểm mà nhóm tìm được, các bạn ngồi nghe sẽ nhận xét và bổ sung thêm từ chỉ đặc điểm. Thông qua đó, mở rộng vốn từ tích cực cho học sinh.

Bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” được xây dựng dựa trên ý tưởng, mục tiêu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, phát huy tính tích cực của học sinh, chú trọng dạy học tích hợp và phân hóa. Nội dung các bài học trong sách rất gần gũi, phát huy được tính sáng tạo của học sinh. Sách có điểm ưu việt là các hoạt động đọc, viết, nói, nghe được quyện lại, kết nối với nhau nên bài học sẽ khắc sâu cho học sinh, giúp học sinh từng bước phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học một cách hiệu quả. - PGS.TS Trần Thị Hiền Lương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Dốc sức từ trường sư phạm

GD&TĐ - Theo dự thảo Luật Nhà giáo, việc tuyển dụng nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập sẽ thực hiện theo quy định về tuyển dụng viên chức.