Họa sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền khiến công chúng bất ngờ với hàng trăm tác phẩm đang trưng bày trong triển lãm “Nắng nghiêng lưng trời” tại Hội Mỹ thuật TPHCM.
Sáng tác bằng bản năng người mẹ
“Nắng nghiêng lưng trời” do họa sĩ Thu Hiền tổ chức trong khoảng thời gian khá ngắn ngủi - chưa đầy một tuần lễ và sẽ kết thúc vào ngày 9/5. Có lẽ vì thời gian quá eo hẹp nên công chúng yêu tranh phải vội vã hơn so với các triển lãm nghệ thuật khác.
Người yêu hội họa thưởng lãm từng tác phẩm và rồi dừng lại ở một căn phòng đầy lạ lẫm. Đó là không gian mà họa sĩ đã dành riêng để tái hiện một phần không gian gia đình - nơi cô sinh sống, sáng tác với sự hiện diện của bé Cám (sinh 2019), con gái - một phần thiết yếu của cảm hứng sáng tạo.
Nữ nghệ sĩ nói rằng: “Có nhiều họa sĩ tìm cảm hứng sáng tác ở những chủ đề tiêu cực để thu hút sự quan tâm. Đó là cách sáng tạo, lựa chọn của họ. Tôi thì không muốn đưa những nhọc nhằn, tăm tối của cuộc sống lên tranh bởi đời thực vốn đã đủ nặng nề, áp lực”.
Dù là triển lãm đầu tay, nhưng Thu Hiền không chỉ đem đến số lượng lớn tác phẩm (hơn 60 tranh và gần 30 tượng gốm lớn nhỏ), mà còn khiến người xem bung tỏa cảm xúc. Vốn có thế mạnh ở sơn mài và sơn dầu, nhưng vì lúc mang thai và nuôi con nhỏ, cô đã chuyển sang tranh lụa, giấy dó hoặc dùng acrylic để an toàn hơn với bé Cám.
Khi bé Cám biết đi, việc làm gốm được họa sĩ áp dụng như cách để chơi với con và cả các đứa trẻ trong khu chung cư. Điều này giải thích vì sao triển lãm “Nắng nghiêng lưng trời” lại đa vật liệu, cũng như nhiều tác phẩm trong triển lãm được đặt tên là Cám.
Những bức họa cho thấy một mái ấm, những đứa con thơ, tình mẫu tử… Tất cả xuất hiện quá đỗi dễ thương, như dòng suối mát chảy qua huyết mạch tâm hồn, chạm vào bản năng tình thương vốn có và vô tận bên trong người mẹ.
Càng thưởng thức các nét vẽ, người xem càng có cảm giác Thu Hiền đã sáng tác bằng tất cả bản năng của một người mẹ. Nếu người mẹ quan tâm, âu yếm, thương yêu, lo lắng cho đứa con ra sao, thì sáng tác của cô cũng y hệt vậy - ấy là sự tỉ mẩn nhẹ nhàng.
Dù là thể loại chất liệu nào, cũng có rất nhiều dấu ấn của niềm hạnh phúc lớn đến từ cô con gái nhỏ. Rất nhiều tác phẩm ghi lại vẻ đẹp tròn trĩnh của em bé đang say ngủ, đang khám phá thế giới với đôi mắt long lanh.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi nhận định: “Dù không có chủ đích theo đuổi một trường phái nào. Tuy nhiên, sự lãng mạn, vẻ huyền thoại và chất thơ đã mang lại cho nhiều tác phẩm của Thu Hiền chất huyền thoại cổ điển (classical mythology) một cách tự nhiên”.
Tinh thần trẻ thơ
Sinh năm 1990, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật - chuyên ngành sơn mài năm 2015 và sau đó Thu Hiền kết hôn với họa sĩ Đinh Văn Sơn. Năm 2018, chính vào thời điểm mang bầu đứa con đầu lòng, dù đối mặt nhiều khó khăn, phải nằm im ở nhà cả tháng trời để giữ thai, nhưng đây lại là thời điểm mang tính dấu mốc đáng nhớ.
Hiền vẽ bằng chất liệu acrylic, sau đó phủ một lớp giấy dó lên, chờ đợi một thời gian ngắn trước khi hoàn thiện bằng lớp sơn acrylic khác sao cho phù hợp với cảm quan bên trong.
Chính các loại giấy dó này tạo ấn tượng thị giác về việc tranh như đã qua “sự thử thách của thời gian”. Thế nhưng, vì nội dung tranh là phóng khoáng, đương đại nên tính nhị nguyên giữa lớp màu và hồn tranh nghiễm nhiên mang đến sự thân thuộc lẫn mới lạ.
Về tranh lụa, sự dí dỏm trong sáng tác của Hiền nằm ở chỗ cô đã thổi vào tác phẩm một tinh thần tự do về mặt thị giác lẫn ý niệm. Những lớp viền bằng vải do cô tự may với hình tượng mẹ con, lột tả vẻ đẹp lao động tỉ mẩn đáng yêu hay khung trời nên thơ mà hết mực an trú trong vòng tay mẹ hiền.
Đối với gốm, hai vợ chồng Hiền đã “cõng” khoảng 3 tấn đất theo thang bộ lên tầng để nhào nặn. Sau khi hoàn thành tác phẩm thì lại phải mang xuống tầng trệt, thuê xe vận chuyển đi nung. Khi thành phẩm, hai vợ chồng tiếp tục khênh nhiều tấn tác phẩm lên căn hộ trên tầng áp mái.
Mỗi tác phẩm đem đến cho nữ họa sĩ sự hồi hộp và cảm giác bất ngờ. Trong quá trình hỏa biến, nghệ sĩ không thể kiểm soát tác phẩm – giống như sơn mài khi ủ. Việc không thể thấy hình hài, sắc độ ấy lại rất giống cảm giác của phụ nữ khi mang thai. Cô không biết con mình thế nào, và hồi hộp chờ đợi cho tới ngày lâm bồn.
Tượng gốm của Hiền là sự phóng chiếu của tranh. Điểm nổi bật nhất trong tạo hình của cô là tính sinh động mang tinh thần tự do và phóng khoáng của trẻ thơ. Chính cách tư duy giản đơn ngẫu hứng này tạo ra thẩm mỹ dí dỏm, ngộ nghĩnh. Cũng chính sự ngộ nghĩnh ấy dễ chạm vào suối nguồn tình thương của một người làm mẹ.
Chủ đề mẹ con trong nghệ thuật vốn không mới, nhưng không dễ thể hiện. Họa sĩ Thu Hiền chia sẻ, cô sẽ vẫn theo đuổi chủ đề này và tìm cách khai thác sâu hơn: “Nếu quan sát kỹ sẽ thấy các tranh mẹ và bé có sự khác biệt.
Với những bức tôi vẽ trong giai đoạn 2020 - 2021, đó là cuộc sống hiện tại của hai mẹ con trong căn chung cư nhỏ... Còn với các bức vẽ gần đây, tôi đưa vào các yếu tố dân tộc, văn hóa Việt Nam”.