Hơn nửa thế kỷ qua, ông gắn bó với tranh khắc gỗ và tạo cho mình một chỗ đứng biệt lập, sừng sững như cây đa giữa đồng.
Lặng lẽ trổ tán xum xuê
Tôi phải nói ngay rằng, cái ý ví họa sĩ Trần Nguyên Đán là “cây đa giữa đồng” là của họa sĩ Đỗ Đức. Họa sĩ Đỗ Đức từng nói, cứ mỗi lần nhớ tới họa sĩ Trần Nguyên Đán là ông lại liên tưởng đến cây đa. Một cây đa giữa đồng. “Ông là cây đa to tỏa xum xuê bóng mát mà có tên có tuổi chứ không vô danh.
Cây đa Trần Nguyên Đán không hoa nụ, không hương thơm gì đặc sắc, chỉ có những tán lá to dày và quả đa chín bình dị cho đàn chim nua, chỉ có bóng mát gần gũi với tất cả những ai đi qua dưới bóng rợp đó.
Cây đa Trần Nguyên Đán vừa gần vừa xa, vừa lạ vừa quen, cứ tồn tại sừng sững giữa đời, ai đến thì đến, ai đi thì đi, không vồn vã chầm bập nhưng cũng không rẻ rúng lảng tránh ai, xa gần đều thân thiện”, họa sĩ Đỗ Đức nhận xét.
Tôi nghĩ đây là những lời nhận xét thân tình và xác đáng.
Ai đã từng gặp họa sĩ Trần Nguyên Đán, ngồi uống trà với ông ở căn nhà nhỏ trên phố Khương Trung (Hà Nội), cũng sẽ rất đồng cảm với những lời nhận xét tinh tế của họa sĩ Đỗ Đức. Ở Trần Nguyên Đán toát lên một tính cách làm nghệ thuật khác biệt, hay ít ra cũng không phổ quát như nhiều họa sĩ đương đại bây giờ.
Sinh năm 1941, quê gốc ở Bắc Ninh, họa sĩ Trần Nguyên Đán kể, ông đến với cái nghiệp tranh khắc cũng có phần tình cờ. Ấy là năm 1966, khi tốt nghiệp Khoa Nghệ thuật hoành tráng Trường CĐ Mỹ thuật Công nghiệp (nay là ĐH Mỹ thuật Công nghiệp), ông lại không đi theo ngành học, mà như một duyên nghiệp, ông tìm đến tranh khắc.
Vì mê nên ban đầu cứ lân la “học mót” nghề của các họa sĩ đi trước, rồi mày mò thử, rồi thất bại. Nhưng không nản, Trần Nguyên Đán tiếp tục tìm tòi, học hỏi và cuối cùng tạo ra phong cách riêng của mình. “Trong nghệ thuật phải biết giấu dốt, và cũng phải biết giấu cả sự khôn ngoan”, họa sĩ Trần Nguyên Đán hóm hỉnh nói.
Kể chuyện danh thắng Việt Nam qua tranh khắc
Xem tranh khắc gỗ của Trần Nguyên Đán có thể thấy lại phong cảnh đất nước. Đó là Tây Bắc, nơi ấy có những sắc màu của núi, của chợ, của người, của những con ngựa thồ hàng, của tiếng khèn gọi bạn tình… Đó là Hội An (Quảng Nam), với những góc phố mờ rêu, những người đàn bà bán đồ lưu niệm cho du khách bên chùa Cầu nổi tiếng… Và đó là xứ Kinh Bắc, với những liền anh, liền chị thướt tha áo dài, nón quai thao hát quan họ giao duyên…
Trần Nguyên Đán đã bền bỉ kể chuyện những phong cảnh Việt Nam cùng những phong tục, tập quán của người Việt Nam ở nhiều vùng miền của đất nước. Tranh ông, như những ký họa mang tính lịch sử để bất cứ ai cũng có thể cảm nhận vẻ đẹp hồn hậu, nhưng không kém phần sâu sắc về bản sắc văn hóa Việt.
Trong những đề tài đã vẽ, một mảng tranh làm nên dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp của Trần Nguyên Đán, đó là về Thăng Long - Hà Nội.
Ông cho tôi xem những bản tranh khắc còn lưu lại, và những bản tranh ông chỉ còn lưu ở dạng bức ảnh. Xem và thấy một Thăng Long - Hà Nội hiện ra với nhiều di tích lịch sử, những thắng cảnh nổi tiếng. Tác phẩm “Dấu ấn Hà Nội” ông sáng tác năm 1989 là một ví dụ.
Chỉ trong một bức tranh khắc gỗ, Trần Nguyên Đán đã tái hiện hầu hết những công trình kiến trúc nổi tiếng như Khuê Văn Các, Tháp Rùa, Chợ Đồng Xuân, Nhà thờ Lớn… Rồi cả dãy phố cổ trầm mặc hiện ra thấp thoáng, đặc biệt là Hồ Gươm xanh ngắt hiện ra như hút tầm mắt người xem. Hay như bức “Hà Nội trong mắt tôi” ông vẽ phố cổ, vẽ bóng ô Quan Chưởng và những thiếu nữ Hà Nội duyên dáng trên phố.
Đáng chú ý, trong số những tác phẩm của Trần Nguyên Đán về Hà Nội có bức “Nghệ nhân tranh Hàng Trống” và “Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội”. Đây là 2 trong số 5 tác phẩm đã đưa ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 2 (2007).
“Tôi vẽ Hà Nội bằng con mắt của riêng mình. Không phải là người chụp ảnh, rằng phải đúng, phải thật. Nghệ thuật có thật có hư, vừa có lý, vừa phải có tình”, ông tâm sự đồng thời khẳng định, luôn dùng nghệ thuật đồ họa để biểu hiện tình cảm của mình, chứ không nệ theo sách vở hay những nguyên tắc máy móc.
Đậm đà tinh thần dân tộc
Trong giới họa sĩ Việt Nam, số người lao tâm khổ tứ với tranh khắc không nhiều. Người ta thường theo đuổi nhiều chất liệu như sơn dầu, sơn mài… Không theo tranh khắc, về lý do có nhiều, trong đó có chuyện vừa khó vừa bán được ít tiền.
Vậy mà họa sĩ Trần Nguyên Đán vẫn cứ nặng lòng, vẫn cứ bền bỉ dấn thân cả sự nghiệp vào tranh khắc. Ông dường như đứng bên ngoài những thị trường nghệ thuật nhiều lúc xôn xao, nhiều lúc ồn áo, nhiều trò PR tráo trở. Ngay cả triển lãm các tác phẩm của mình, ông cũng không mấy quan tâm. Mãi 13 năm sau ngày nghỉ hưu, ông mới bày một triển lãm cá nhân cho mình.
Họa sĩ Đỗ Đức còn có nhận xét rất tinh về họa sĩ Trần Nguyên Đán: “Trong những họa sĩ đồ họa, có nhẽ ông là người duy nhất có kĩ thuật đi móng, sục vê cần cù nhất và ít dùng dao trổ, khi in không mấy khi để tâm đến những ma-che, những cái sót của nét khắc. Ông hầu như không thay đổi gì về kĩ thuật dùng dao, vê, móng trong suốt một đời sáng tác.
Đôi khi thấy ông không có cả những téc-ních, một thủ thuật của riêng mỗi người hình thành trong quá trình sáng tác. Vậy mà những câu chuyện thủ thỉ của ông phơi bày trên tranh cứ dắt người ta đi trong hồn hậu yêu thương. Tôi nói rằng, tranh ông như người kể chuyện quê hương.
Con trâu, đứa trẻ, thôn nữ, gái hội và những phong cảnh miền quê ấm áp yêu thương cứ dần dà hiện ra trên từng nhát xúc trên gỗ của ông. Ông cứ lặng lẽ mải miết với ván gỗ và tờ in suốt những thời gian rảnh rỗi như con kiến tha mồi, và hôm nay, ông có cả một cơ ngơi Trần Nguyên Đán sang trọng và độc đáo”.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật dân gian Nguyễn Đức Hòa, trong khi đa số thể loại hội họa và đồ họa nước ta có xuất xứ phương Tây và mới chỉ được định hình từ đầu thế kỷ XX thì tranh khắc gỗ có truyền thống lâu đời với các dòng tranh dân gian nổi tiếng như Đông Hồ, Hàng Trống… từ 300 - 400 năm nay.
“Trần Nguyên Đán có quyền tự hào là một trong số không nhiều họa sĩ đồ họa tiêu biểu của mỹ thuật Việt Nam suốt từ nửa cuối thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI. Tranh ông đáng chú ý ở chỗ, bao giờ cũng nổi bật tinh thần dân tộc Việt từ bố cục, mảng đậm nhạt đến đường nét, màu sắc… thậm chí cả cái duyên dáng làm điệu cũng có hồn dân tộc”, nhà nghiên cứu Đức Hòa nhận xét.
Còn họa sĩ Hứa Thanh Bình nói rằng: “Trong kho tàng tranh khắc gỗ của họa sĩ Trần Nguyên Đán, càng về sau, các sáng tác của ông càng mặn mà, tinh tế hơn, cách truyền tải tâm tư, tình cảm thông qua từng nét khắc cũng ý nhị hơn, xứng đáng là người giữ gìn những nét khắc từ truyền thống đến hiện đại”.
Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng từng nhận xét: “Tranh khắc gỗ của Trần Nguyên Đán luôn gợi lên một cách không rõ ràng về một truyền thống nghệ thuật từ quá khứ.
Nó làm chúng ta nhớ đến những bản in kinh Phật trang trọng hay những bản nhạc vui tươi của dòng tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống. Nhưng có một vẻ riêng của bút pháp hiện đại với tính súc tích và đa dạng của đường nét”.
Dành tất cả tình yêu và tâm huyết với nghề, Trần Nguyên Đán đã có những kinh nghiệm riêng, những “ngón võ” riêng mà không sách vở nào dạy. Điều đó, tạo cho tác phẩm của ông có nhiều điểm khác, mà những người sành nghề mới nhận ra.
Nhưng dù vẽ ở mảng đề tài nào, ông cũng luôn có ý thức để tôn vinh các giá trị văn hóa và con người. Đó là những giá trị trường tồn, góp phần làm nên căn cốt của văn hóa Việt.