Từ những ông hổ trừu tượng của họa sĩ Phạm An Hải

GD&TĐ - Mừng Xuân Nhâm Dần 2022 họa sĩ Phạm An Hải vẽ được 10 bức tranh hổ.

Và các tác phẩm, trong đó có tranh đưa vào SGK Mĩ thuật.
Và các tác phẩm, trong đó có tranh đưa vào SGK Mĩ thuật.

Ông hổ nào của họa sĩ cũng trừu tượng -  “không sao chép mô phỏng cái vỏ bên ngoài của sự vật hiện tượng mà đi vào sự vận động hoặc cấu trúc bên trong”. 

Tranh hổ của Phạm An Hải hiện ra cái thần hùng hồn nhưng mềm mại trong hòa sắc đen vàng rất hổ. Kiên trì và thành công với lối vẽ này, bức tranh “Dưới mặt nước” của Phạm An Hải được sách “Mĩ thuật 6” bộ “Chân trời sáng tạo” chọn giới thiệu khi học sinh “tìm hiểu tranh trừu tượng của họa sĩ” trong bài học có chủ đề “Biểu cảm của sắc màu”.

Về bức “Dưới mặt nước” vẽ bằng acrylic và sơn dầu của mình, họa sĩ Phạm An Hải cho biết: “Đó là bức vẽ với kỹ thuật như vẽ màu nước, tức là sử dụng tối đa sự loang chảy và giao thoa của các mảng màu để tạo sự chuyển động mềm mại, tuy không cố tình sao chép hiện thực (không là một hình ảnh cụ thể nào đó dưới mặt nước) nhưng các hiệu ứng về kỹ thuật và màu cũng gợi ý cho người xem về cảm xúc của một mặt nước và có hình ảnh bên dưới nó tuy không có gì cụ thể.

Cảm hứng sáng tác bức này đến với tôi khi suy nghĩ về tự nhiên, cuộc sống và mặt nước như một tấm gương phản chiếu, qua đó nhìn nhận ra sự hiển hiện của cái đẹp mà ta vốn không để ý đến trong cuộc sống thường ngày. Tuy là bức vẽ khổ lớn (100x200 cm) nhưng được hoàn thành khá nhanh trong khoảng 10 ngày”.

Khuyến khích làm quen với mĩ thuật trừu tượng

Họa sĩ Phạm An Hải.

Họa sĩ Phạm An Hải.

Ở bài đầu tiên sách “Mĩ thuật 6” bài “Tranh vẽ theo giai điệu âm nhạc”, bức “Dưới mặt nước” được in bên bức “Hội tụ” của Jackson Polock họa sĩ trừu tượng Mỹ vẽ năm 1952 kèm theo câu hỏi: “Em tưởng tượng thấy hình ảnh gì trong tranh?”.

Được biết trong các tiết thực nghiệm bài học này, với câu hỏi trên, học sinh đã trả lời thật đa dạng, mỗi em hình dung và tưởng tượng một khác, có em hình dung là rừng cây, có em tưởng tượng cây soi bóng nước, lại có em cho là tranh vẽ một mùa gặt…

Trong sách này, các em được khuyến khích vẽ thử theo cách trên với các chấm, nét, màu được đưa ra giới thiệu để làm quen với hội họa trừu tượng. Sách có gợi ý ngay trong bài: “Hình và màu trong tranh trừu tượng là biểu cảm chủ quan của tác giả, ít lệ thuộc vào yếu tố khách quan” và rồi được định nghĩa ở trang cuối sách: “Tranh trừu tượng là hình thức biểu đạt các yếu tố, nguyên lí mĩ thuật về một sự vật, hiện thực khách quan chủ yếu bằng ý tưởng, cảm xúc chủ quan và trạng thái tinh thần của tác giả, không chú trọng về vẻ ngoài của đối tượng phản ánh”.

Sách “Mĩ thuật 6” dùng cho giáo viên, bình luận về tranh của Phạm An Hải: “Tác phẩm “Dưới mặt nước” được họa sĩ Phạm An Hải sáng tác năm 2016. Có thể thấy hòa sắc chủ đạo của bức tranh là màu vàng, xanh kết hợp sự chuyển động với nhiều sắc thái của các chấm, nét màu trắng, ghi, đen. Với bức tranh này, tác giả đã thể hiện được sự biến chuyển trong vẻ đẹp của thiên nhiên ẩn sâu dưới mặt nước hay cũng chính là những bí ẩn trong cảm xúc con người”.

Như vậy là, so với sách cũ - bộ hiện hành, thì ở “Mĩ thuật 6” bộ “Chân trời sáng tạo”, việc giới thiệu mĩ thuật hiện đại được tiến hành sớm hơn. Ở sách cũ, tới năm lớp 8 mới giới thiệu “trào lưu mĩ thuật hiện đại” và cũng chỉ giới thiệu các trào lưu Ấn tượng, Dã thú và Lập thể.

Được hỏi, có nhận xét gì về cách hướng dẫn học sinh cảm nhận họa phẩm vẽ lối trừu tượng của mình, in phía dưới bức tranh, họa sĩ Phạm An Hải góp ý: “…Cũng cần có vài tiết giới thiệu các định nghĩa, khái niệm và sơ bộ các định dạng chứ ở mức độ giới thiệu như hiện nay thì rất hạn chế và chưa thể đầy đủ được”.

Thể hiện đời chung trong riêng biệt cá nhân

Từ những ông hổ trừu tượng của họa sĩ Phạm An Hải ảnh 2
Họa sĩ Phạm An Hải sinh năm 1967 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp đại học và cao học tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Tranh của họa sĩ Pham An Hải được bày trong Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam từ 2006 - bức “Dấu tích”, từ 2007 bức “Sớm lạnh” và đều là tranh trừu tượng.

Họa sĩ Phạm An Hải sinh năm 1967 tại Hà Nội, là cháu đời thứ 5 của tác giả “Vũ trung tùy bút”, Phạm Đình Hổ (1768 - 1839). Ông tốt nghiệp đại học và cao học tại Trường Đại học Mĩ thuật Hà Nội (nay là Trường Đại học Mĩ thuật Việt Nam). Từng có 2 năm dạy mĩ thuật ở trường THCS, Phạm An Hải kiên trì theo đuổi mĩ thuật trừu tượng gần 30 năm qua.

Tranh của ông dung hòa giữa thực và ảo, giữa vật thể và hình dung trong tâm tưởng để thể hiện cảm xúc của người vẽ. Với một đề tài, Phạm An Hải thường thể hiện bằng nhiều họa phẩm, phản ánh những góc nhìn trừu tượng của mình: Dấu thời gian, Dòng thời gian, Màu thời gian... là lắng đọng của thời khắc; Mùa thu vàng, Thu xưa... là liên tưởng về nhịp điệu thời tiết; Ô cửa xanh, Ngày xanh, Vệt nắng của ngày xanh... là ánh xạ về một ngày đẹp trời; Chiều hoang, Sau cơn mưa chiều, Chiều muộn, Cơn giông chiều... là những chiêm nghiệm hoàng hôn.

Đấy là những khách quan trong chủ quan Phạm An Hải, là đời chung với những không gian ước lệ cao, trong riêng biệt một Phạm An Hải cá nhân.

Trong bài viết về một đồng nghiệp cũng trừu tượng như mình, người “dám dứt bỏ các cái khác để theo đuổi trừu tượng một cách triệt để”, ông hào hứng: “Trừu tượng là nghệ thuật không hình thể, không sao chép mô phỏng cái vỏ bên ngoài của sự vật hiện tượng, mà đi vào sự vận động hoặc cấu trúc bên trong, lúc này nó cũng vẫn tuân theo một logic tự nhiên nhưng đó là một dạng logic hiện thực khác (logic của nội tâm người hoạ sĩ)[…]

Nó là nghệ thuật độc lập do chính họa sĩ gợi ý ra, thực hiện để các bạn suy đoán và tưởng tượng, việc các bạn có cảm xúc trùng hay khác xa với điều tác giả gợi ý ban đầu cũng là cái thú vị mà nghệ thuật trừu tượng đem lại. Họa sĩ được thỏa sức sáng tạo theo nội lực có thể và công việc của người họa sĩ chỉ là đánh thức tàng thức đang ngủ của các bạn mà thôi!”.

Là họa sĩ có tranh bán được ở thị trường mĩ thuật trong và ngoài nước Phạm An Hải có điều kiện tài chính để nuôi say mê mĩ thuật trừu tượng của mình bằng các cuộc du lịch ngay một sâu xa hơn, ngoài đời và trong tâm tưởng. Ông đã đến mấy chục quốc gia trên thế giới để trải nghiêm. Ông chơi với thời gian bằng bộ sưu tập cả chục đồng hồ cổ để cùng lúc chúng ngân nga trong xưởng vẽ bên bờ sông Hồng của mình.

Những chuyện đời phi trừu tượng

Khi dịch Covid-19 tái bùng phát ở TPHCM, biết tin Bệnh viện dã chiến số 5 (Thuận Kiều Plaza) đang cần giường chuyên dụng để hồi sức bệnh nhân, nhà sưu tập Lý Đợi - phóng viên Thể thao - Văn hóa, lên tiếng kêu gọi các họa sĩ cùng góp tranh để đấu giá làm từ thiện, mua giường tặng bệnh viện, ngay lập tức họa sĩ Pham An Hải đã từ Hà Nội góp bức “Phố vắng” với hòa sắc đen trắng u buồn và một đốm lửa hi vọng. Bức tranh bán được 40 triệu đồng.

Là người sống khỏe bằng thu nhập từ các tranh trừu tượng, nhưng Phạm An Hải sẵn sàng đầu tư thời gian hiện thực của mình, trong các chân dung bạn bè, đồng nghiệp. Ông đã vẽ cả chục chân dung mừng sinh nhật họa sĩ đàn anh Thành Chương, nhà văn Nguyễn Văn Thọ…

Theo nhà văn Nguyễn Văn Thọ: “Phạm An Hải là một họa sĩ rất có tài. Ông trực họa, vẽ tôi nhiều ngày. Tôi rất vui. Ông vẽ nhiều dạng thức. Dòng tranh trừu tượng của ông là tầng tầng lớp lớp, cảm xúc hiện thực của tâm hồn nghệ sĩ, rất đáng kính trọng. Tôi nhận ra nhiều điều ở các tác phẩm ấy. Chúng là các tác phẩm trừu tượng đương đại của hội họa nước ta và dù họa sĩ đưa bút theo trào lưu mĩ thuật hiện đại nhất, tôi vẫn thấy ở đấy một tâm hồn Việt”.

Nhà thơ Vi Thùy Linh thì kể chuyện phi trừu tượng sau các bức trừu tượng của Phạm An Hải, chuyện “hậu cứ” trong pháo đài nghệ thuật nhà ấy:

Họa sĩ, cô giáo Nguyễn Minh Thu (1969) - vợ Phạm An Hải là đồng môn học sau chồng 2 năm, đã nghỉ dạy mĩ thuật ở một trường THCS để quán xuyến việc nhà, thường chọn hàng thật cho bữa ăn thường nhật nhà mình. Dưa, cà bà muối lấy, nước uống tự ngâm, sấu, mơ, dâu, chanh, quất…

Tết thì đứng bếp nấu thịt đông, bò kho… và cùng ngâm thơ hoa đào của thi sĩ người nhà Phạm Đình Hổ: Năm ngoái hoa đào nở / Cô gái học cài trâm / Năm nay hoa đào nở / Cô đã đi lấy chồng // Năm ngoái hoa đào nở / Gió xuân sao lạnh lùng / Cô gái nhìn hoa khóc / Sà mi, lòng não nùng // Năm nay hoa đào nở / Cỏ xuân xanh lạ lùng / Cô gái nhìn hoa cười / Đề thơ tả nỗi lòng. (Khương Hữu Dụng chuyển ngữ)

Trong fan club Phạm An Hải trên mạng xã hội đã có hàng nghìn hội viên. Bài dạy về vẻ đẹp của bức “Dưới mặt nước” trong giáo khoa “Mĩ thuật 6” sẽ mời gọi thêm nhiều fan nữa, cùng tìm hiểu và thưởng ngoạn vẻ đẹp mĩ thuật trừu tượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.