Sáng tạo biến tiết học trực tuyến trở nên hấp dẫn, thú vị

GD&TĐ - Thực hiện phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, ngành Giáo dục đã tích cực triển khai dạy học trực tuyến để đảm bảo hoàn thành chương trình năm học 2021 - 2022.

Học sinh Trường Tiểu học Khương Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) tham gia lớp học trực tuyến.
Học sinh Trường Tiểu học Khương Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) tham gia lớp học trực tuyến.

Trong quá trình dạy học, các thầy cô giáo đã không ngừng sáng tạo ra những tiết học trực tuyến hấp dẫn, thú vị.

Đa dạng phần mềm phục vụ dạy học

Trong giờ học trực tuyến môn Lịch sử và Địa lý của cô Nguyễn Khánh Phượng – giáo viên Trường THCS Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội), học sinh hăng hái phát biểu xây dựng bài, được tìm hiểu kiến thức thông qua bài giảng điện tử chất lượng, đồng thời tham gia các trò chơi trong mỗi tiết học.

Cô Phượng chia sẻ: Khi dạy học trực tuyến, nếu chỉ cung cấp kiến thức, học sinh dễ nhàm chán, thậm chí có thể không tham gia vào buổi học. Để khắc phục, giáo viên khi soạn bài phải áp dụng công nghệ thông tin (CNTT), tạo ra những slide đẹp, trò chơi để lôi cuốn, hấp dẫn học sinh.

Cô đã áp dụng nhiều phần mềm hỗ trợ cho bài giảng của mình như Google Meet với ứng dụng điểm danh tự động, nắm được chính xác thời gian các em tham gia để phối hợp với phụ huynh quản lý học sinh. Google Meet còn có các ứng dụng: Giơ tay, tương tác trong cửa sổ chat, giúp các con tham gia tích cực vào giờ học.

Ngoài ra, cô còn sử dụng các phần mềm Wordwall để tạo trò chơi khởi động hoặc củng cố bài học; Padlet tạo hoạt động thảo luận nhóm; Quizizz để giao bài tập trắc nghiệm trực tuyến; Azota để kiểm tra vở ghi, giao bài tập hoặc kiểm tra trực tuyến dạng bài trắc nghiệm hoặc tự luận; Canva để thiết kế phiếu học tập.

Lê Hải Anh - học sinh lớp 6A1 Trường THCS Đại Kim - cho biết, rất thích tiết học vì ngoài kiến thức, em còn được tham gia trò chơi hấp dẫn liên quan đến bài học. Những điểm thưởng qua trò chơi ô chữ giúp em hứng thú hơn. Ngoài ra, những hình ảnh, clip minh họa sinh động do cô giáo trình chiếu giúp em hiểu hơn về bài học, có thêm động lực để tìm hiểu thêm kiến thức.

Mở đầu, giờ học trực tuyến môn Tiếng Anh lớp 4 của cô Vũ Bích Hồng – giáo viên Trường Tiểu học Khương Mai (quận Thanh Xuân), học sinh được hát và múa theo bài hát Days of the Week. Tiếp đến, cô ứng dụng giáo án điện tử kết hợp âm thanh trong phần hội thoại các hoạt động Look, listen and repeat. Ở phần giới thiệu từ vựng, giáo viên sử dụng các hình thức dạy học tích cực để dạy các ngày trong tuần theo sơ đồ tư duy giúp học sinh ghi nhớ tốt hơn.

“Cô giáo đã áp dụng thành công thế mạnh của công nghệ trong tổ chức lớp học. Việc lồng ghép nội dung môn học bằng các ứng dụng công nghệ mang lại hiệu quả tích cực, giảm áp lực, căng thẳng cho học sinh cũng như làm tăng sự hài lòng của phụ huynh với chương trình dạy trực tuyến của nhà trường” - chị Nguyễn Thu Hương, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Khương Mai chia sẻ.

Giáo viên Trường THCS Tân Châu (Khoái Châu, Hưng Yên) dạy học trực tuyến.
Giáo viên Trường THCS Tân Châu (Khoái Châu, Hưng Yên) dạy học trực tuyến.

Không còn là điểm yếu

Đa dạng hóa phần mềm dạy học trực tuyến không chỉ là “đặc sản” của các trường thành phố mà đã lan tỏa đến nhiều trường, ở nhiều địa phương khác.

Trong tiết học trực tuyến môn Ngữ văn của cô Trần Thị Tứ – giáo viên Trường THCS Hồng Vân (huyện Ân Thi, Hưng Yên), nhiều phần mềm dạy học hiện đại được áp dụng giúp bài học trở nên sinh động, hấp dẫn hơn.

Cô Tứ chia sẻ: Phương thức dạy học trực tuyến mà cô áp dụng là dạy học trên Teams, K12 Online, kết hợp với Zalo, Azota để thực hiện giao và chấm bài online. Đây là cách học cá thể hóa, theo nhu cầu, cho phép học sinh lựa chọn và xem lại nội dung, kết quả học tập như mong muốn. Học sinh học tập có thể độc lập về thời gian, không gian và trong mọi giai đoạn học trực tuyến.

Theo thầy Nguyễn Hữu Hiệp - Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Vân, để dạy học trực tuyến hiệu quả, các tổ bộ môn của trường biên soạn bài và giảng dạy theo lịch của trường. Giáo viên giảng bài và giao nhiệm vụ học tập, kiểm tra đánh giá trên phần mềm Microsoft Team; sử dụng 2 ứng dụng Zoom Meeting và Google Meet để dự phòng; ứng dụng Zalo để hỗ trợ.

Hiện, tất cả giáo viên trong trường sử dụng thành thạo các phần mềm, hoàn thiện kỹ năng dạy học qua các phần mềm, có kỹ năng xây dựng thời khóa biểu và lịch học, triển khai dạy học theo đúng yêu cầu. Đặc biệt, nhiều thầy cô còn thành thạo trong việc tổ chức lớp học trực tuyến, có kỹ năng kết hợp nhiều ứng dụng khác nhau để bài học thêm phong phú.

Tại Trường THCS Tân Châu (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) sân trường vắng bóng học sinh nhưng trong các lớp học, thầy cô vẫn thực hiện giảng bài. Năm nay, nhà trường thống nhất sử dụng phần mềm Teams để giảng dạy với nhiều chức năng chuyên nghiệp hơn. Các thầy cô giáo cũng áp dụng  phần mềm hỗ trợ khác vào trong giảng dạy.

Thầy Lê Văn Bảy - Hiệu trưởng Trường THCS Tân Châu - chia sẻ: Để nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến, nhà trường yêu cầu các tổ bộ môn linh hoạt xây dựng chương trình, kiến thức phù hợp. Qua kiểm tra tại các lớp học trực tuyến, hệ thống đường truyền phục vụ cho việc dạy và học trực tuyến ổn định, không khí học tập diễn ra khá sôi nổi.

Chị Nguyễn Thị Hoa, phụ huynh học sinh Trường THCS Tân Châu, cho biết: Nhờ sự đổi mới của các thầy cô, giờ học trực tuyến đã trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều. Trước kia, học trực tuyến bằng phần mềm Zoom, các con chỉ đơn thuần nghe cô giảng bài thì phần mềm Teams có nhiều chức năng, ổn định hơn, không có tình trạng bị “đẩy” ra khỏi lớp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.