Bộ sách giáo khoa lớp 2 Cánh Diều được thực hiện thống nhất, xuyên suốt tư tưởng biên soạn: “Mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống”. Đó là tinh thần cốt lõi giúp cho học sinh có điều kiện tốt hơn để phát triển năng lực và phẩm chất theo các yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mọi bài học trong sách đều gắn liền với cuộc sống giúp các em dễ dàng tiếp thu hơn.
Bộ sách giáo khoa lớp 2 Cánh Diều gồm: Toán lớp 2, Tiếng Việt lớp 2, Tự nhiên và xã hội lớp 2 Tiếng Anh lớp 2, Hoạt động trải nghiệm lớp 2, Giáo dục thể chất lớp 2, Đạo đức lớp 2, Âm nhạc lớp 2, Mỹ thuật lớp 2.
Những tiết đọc sách, báo được quy định trong sách Tiếng Việt Cánh Diều lớp 2
Học sinh lớp 2 năm học 2021-2022 có 350 tiết tiếng Việt/năm học, nghĩa là có 10 tiết tiếng Việt/tuần học. Để đạt được mục tiêu của môn học, sách tiếng Việt Cánh Diều đã có rất nhiều dạng bài tập nhằm rèn những kỹ năng cơ bản (kỹ năng đọc, viết, nghe và nói) cho học sinh.
Ấn tượng nhất là những tiết đọc sách, báo được quy định trong bộ sách này. Có thể nói, đây là điều đặc biệt khi lần đầu tiên học sinh, đặc biệt là các em ở bậc tiểu học lại có được tiết đọc sách, báo trong chương trình chính khóa.
Cứ 2 tuần một lần, học sinh sẽ có 2 tiết tự đọc sách, báo. Các em sẽ mang sách báo ở nhà đến đọc. Ngay trong sách giáo khoa cũng đã cung cấp sẵn một bài đọc để những em không có sách, báo mang đến lớp có tư liệu thực hành.
Trong khi, kỹ năng đọc của học sinh lớp 2 chưa tốt, văn hóa đọc của các em ngày một yếu. Vì thế, việc sau 2 tuần học sẽ có 2 tiết đọc sách báo bắt buộc như thế, không chỉ giúp cho các em đọc mỗi ngày tốt hơn mà còn góp phần vun đắp cho tình yêu sách báo trong mỗi học sinh.
Tuy nhiên, để những tiết đọc sách báo thật sự có chất lượng và đạt hiệu quả thì vai trò của nhà trường, của phụ huynh là vô cùng quan trọng.
Vai trò của nhà trường
Trong chương trình đã có tiết đọc sách báo, vì thế thư viện trường học cần bổ sung thêm một số lượng sách, báo hay là điều rất cần thiết.
Hiện không ít trường học, thư viện sách thì nghèo nàn, nhiều cuốn sách cũ mèm, bong tróc, nội dung những cuốn sách này lại không hay. Các loại báo nhi đồng, thiếu niên quá ít. Vì thế, học sinh vốn lười đọc lại không có gì hấp dẫn chúng nên thư viện nhiều khi vắng tanh.
Nếu như có nhiều sách báo hay, mỗi giờ đọc sách ngoài những học sinh mang sách báo ở nhà đến lớp, giáo viên sẽ lấy thêm sách báo tại thư viện để cùng tổ chức cho các em đọc sách báo thì chắc chắn tiết đọc sách sẽ vô cùng phong phú.
Vai trò của phụ huynh
Từ kinh nghiệm giảng dạy của mình, chúng tôi khẳng định rằng hiện nay có không nhiều phụ huynh chăm lo cho văn hóa đọc của các con. Không nhiều phụ huynh mua sách truyện, đặt báo hay để con đọc ở nhà mà chỉ thường đưa điện thoại, máy tính cho các con tự do chơi.
Vì thế, nói rằng học sinh mang sách báo ở nhà đến lớp để đọc chắc một lớp cũng chỉ được vài em, nhiều thì dăm hoặc mươi em là cùng. Mặc dù, không có sách, báo vẫn có bài đọc dự phòng trong sách giáo khoa nhưng như thế tiết học sẽ kém đi phần hấp dẫn.
Tuy nhiên, để tiết tự đọc sách báo đạt kết quả thì trách nhiệm không chỉ thuộc giáo viên. Mong rằng, phụ huynh, nhà trường sẽ cùng hợp tác, đừng bắt thầy cô giáo phải tự bơi trong bể bơi cạn nước.