Tuy nhiên, việc chọn phần mềm nào để giảng dạy, quản lý học sinh? Cách triển khai tiết học thế nào cho hấp dẫn đòi hỏi sự nỗ lực lớn từ các nhà trường, mỗi giáo viên.
Làm chủ các ứng dụng
Trong nhiều phần mềm hỗ trợ học trực tuyến, thầy Nguyễn Văn Trung, giáo viên Trường THCS Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã lựa chọn Zoom để giảng dạy. Dù thông dụng nhưng để làm chủ ứng dụng và tương tác được với học sinh hiệu quả đòi hỏi giáo viên phải hiểu và thường xuyên cập nhật, cũng như đổi mới phương pháp, cách tiếp cận học sinh.
Thầy Nguyễn Văn Trung cho biết: Để có tiết dạy trực tuyến hấp dẫn học sinh, thầy cô giáo phải làm chủ nhiều thứ, từ kiến thức, kinh nghiệm đến công nghệ và cảm xúc. Theo đó, giáo viên không những phải thành thạo về kỹ năng sử dụng máy tính, mà còn cả kỹ năng tìm kiếm thông tin bài học, sử dụng công nghệ thế nào để vừa đủ với các em. Do đó, ngoài việc tham gia các lớp học máy tính, tìm tòi khám phá chức năng của các phần mềm, thầy cô phải trao đổi về kinh nghiệm dạy học.
Việc sử dụng thành thạo phần mềm giảng dạy chỉ là hỗ trợ bởi trong một giờ học trực tuyến, nhiều khi sự cố có thể xảy ra như đường truyền chậm hoặc các em không thể học trọn vẹn tiết dạy. Lúc này, thầy cô giáo phải thể hiện kỹ năng và sự tinh tế của mình. Ví dụ như khi thấy một học sinh bị out khỏi lớp học, thầy cô cần hỏi xem trò gặp vấn đề gì, chưa hiểu ở nội dung nào để giảng lại. Việc ghi lại hình của bài học là cần thiết, giúp học sinh xem lại những kiến thức chưa thể tập trung nghe giảng.
Ngủ gật, không tập trung, thậm chí là mở ứng dụng nhưng không ngồi học, đó là những tình huống đã xảy ra trong tiết học online. Bởi vậy, việc sử dụng các phần mềm ứng dụng để quản lý học sinh trực tuyến trên môi trường mạng hết sức cần thiết, giúp các em tập trung tiếp thu bài giảng một cách trọn vẹn.
Tại Trường THCS Hoàng Mai, để tăng tính tương tác trong mỗi bài học, các giáo viên đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tạo nên những tiết học hấp dẫn. Đó có thể là trò chơi hay phần mềm để học sinh có thể tương tác thường xuyên với thầy cô trong các tiết dạy. Ngoài việc tiếp thu kiến thức, thầy trò thường xuyên tương tác với nhau dễ nắm bắt cảm xúc, tâm tư, xóa bỏ được khoảng cách của lớp học trực tuyến.
Mang cuộc sống vào bài học
Quán triệt tinh thần “Mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống”, hầu hết bài học trong sách giáo khoa Toán 2 của bộ Cánh diều đều được thầy cô giáo Trường Tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thiết kế trên cơ sở hoạt động học lý thuyết gắn liền với thực hành, luyện tập. Bài học được kết nối chặt chẽ giữa kiến thức với vận dụng thực tế.
Ở mỗi bài học, khi cần thiết cô giáo đã đưa thêm các “bóng nói” hoặc các ký hiệu bằng hình vẽ, nhằm gợi ý, hướng dẫn học sinh suy nghĩ giải quyết vấn đề. Cuối mỗi bài học, thông qua một tình huống gần gũi với thực tế đời sống, cô giáo giúp học sinh làm quen với việc vận dụng tổng hợp kiến thức đã học để giải quyết vấn đề.
Khi tạm dừng đến trường, bộ đồ dùng học tập còn chưa đầy đủ, cô Ngọc đã sáng tạo trong việc hướng dẫn học trò tự chuẩn bị đồ dùng học tập là khay 10 và các chấm tròn bằng cách cắt từ tấm bìa vở đã dùng kẻ sẵn 10 ô, giấy màu xanh đỏ cắt hình tròn. Việc này giúp các con hình thành khay 10 trong đầu và từ đó dễ dàng bắt nhịp vào tiết học.
Hướng đến đối tượng học sinh mới lên lớp 2 còn nhỏ, nhiều bỡ ngỡ khi làm quen với cách học ở bộ sách giáo khoa mới, lại là học online, tương tác với giáo viên qua màn hình máy tính, điện thoại... nhiều giáo viên đã lựa chọn các phương pháp và hình thức tổ chức các hoạt động dạy - học linh hoạt, phù hợp với các em.
Cô Nguyễn Thị Bình Minh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thăng Long - khẳng định: Sau hơn một tuần tham gia học trực tuyến, học sinh nhà trường dần làm quen và tự giác hơn trong việc học. Các em tham gia học đầy đủ, những trường hợp nghỉ học đều được phụ huynh gửi lời xin phép tới giáo viên chủ nhiệm.
Để có tiết học hấp dẫn, cuốn hút học sinh, ban giám hiệu đã đồng hành với thầy cô trong sáng tạo, đổi mới phương pháp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng sự kết nối giữa giáo viên với học sinh và gia đình học sinh. Trong tiết học, các con thao tác thành thạo với nút trên màn hình như giơ tay phát biểu và chỉ bật micro khi được cô giáo gọi. Cha mẹ học sinh luôn đồng hành cùng con, giúp đỡ con trong quá trình học tập.