Sang sông, hãy nhớ con đò

Sang sông, hãy nhớ con đò

(GD&TĐ) - Ngày ấy, tôi – học sinh lớp 9 và cô giáo – giáo viên phụ trách môn Toán lớp tôi, làm sao tôi quên bóng dáng ấy, tiếng nói ấy: Cô giáo kính yêu Đỗ Thị Thanh.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Sau khi cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi chuyển công tác về thành phố, cô Thanh được phân công phụ trách môn Toán thay cô dạy chúng tôi. Những buổi đầu chưa quen phương pháp dạy của cô, cả lớp chúng tôi thấy chán nản và đôi lúc còn rủ nhau bỏ cả tiết của cô đi chơi. Cô lên lớp không có một học sinh nào. Cô buồn lắm nhưng không báo lại Ban giám hiệu. Chúng tôi làm thế để mong nhà trường chuyển cô không dạy lớp tôi nữa. Nhưng đến giờ học hôm sau cô lên lớp với vẻ mặt vẫn tươi vui nhìn chúng tôi cô chỉ nói: “Các em ạ, cô hy vọng rằng sau này mỗi tiết học cô sẽ mang đến cho các em những nguồn cảm hứng học văn riêng và các em sẽ tự học và tự lĩnh hội tri thức chứ không phải là ép buộc các em.

Và dường như mỗi chúng tôi cũng tự nhận thức được điều đó qua mỗi tiết học của cô, từ đó chúng tôi không bao giờ dám bỏ tiết nữa. Các giờ học của cô, chúng tôi không phải học thuộc lòng như trước đây nữa mà thay vào đó chúng tôi chỉ nắm các ý chính, đại ý của bài thôi. Dần dần, chúng tôi cảm thấy thích học tiết học của cô hơn. Và cứ thế ngày này qua tháng nọ, mọi việc đều êm đềm trôi qua cho đến một ngày cuối năm, khi nhận được số báo điểm môn Toán, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy điểm tổng kết của mình ngày một khá lên rất nhiều. Và tôi lại càng quyết tâm lao vào học, học ngày học đêm. Tôi vẫn đến lớp và cô vẫn dạy. Dường như tôi chẳng còn để ý đến chuyện mấy bữa trước nữa. Ngày thi tốt nghiệp đến, tôi hoàn thành rất tốt môn Toán mà không có một sai sót. Tôi nhận được điểm mười tốt nghiệp. Lạ thay, người tôi muốn chạy ngay tới khoe chính là cô. Tôi tự hỏi: “Mình đến nhà cô khoe điểm, cô sẽ thế nào nhỉ?”.

Thời gian nhanh trôi, rồi tôi thi vào đại học, giờ đây khi đã là một giáo viên, tôi mới thấy rằng là người thầy để học sinh tin yêu thì không phải dễ chút nào. Đứng trên bục giảng nhìn xuống lại nhớ đến hình ảnh của mình khi xưa còn ngồi quậy phá dưới lớp, nhất là nhiều khi còn ngồi bình luận về cô, tôi mới thấy mình cần phải trau dồi nhiều kiến thức hơn để dạy dỗ các thế hệ học sinh tốt hơn.

Bài học của cô vẫn theo chúng tôi ngần ấy năm, và có lẽ suốt cuộc đời. Năm nào cũng vậy, cứ đến 20-11, không chỉ riêng chúng tôi mà có đủ cả các thế hệ học trò nữa, rủ nhau chúc mừng cô. Điều ấy đủ nói lên tất cả. Cô lúc nào cũng vậy, ân cần, giản dị, đầy yêu mến và không quên đãi chúng tôi món khế vườn nhà cô đã bao năm mà vẫn ngon đến vậy. Chút quà đó là biểu hiện của sự vui vẻ, khăng  khít  và thật thân tình.

Cô đã về hưu. Thỉnh thoảng chúng tôi đến thăm cô, cô vẫn như ngày nào, chỉ khác một điểm tóc đã điểm sương, dáng người hao gầy hơn xưa, lưng cũng còng hơn, duy chỉ có ánh mắt vẫn rạng ngời trìu mến. Cô vẫn căn dặn chúng tôi “Người thầy là những người chở đò sang sông, hãy tận tụy với nghề mà mình đã lựa chọn em ạ, chỉ mong sao khách sang sông hãy nhớ tới con đò”.n

Mã số: 661

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ