“Sáng kiến” chi tiêu thời Covid-19

GD&TĐ - Trong tiệm phun xăm thẩm mỹ, chị nhắm tịt mắt, nguyện dâng hiến cặp lông mày của mình vào tay cô thợ chuyên nghiệp. 

“Sáng kiến” chi tiêu thời Covid-19

Tiếng chuông điện thoại xé toang bầu không khí yên ắng. Không thấy chị nhúc nhích, cô thợ phun xăm sốt ruột thay: “Chị ơi, hình như anh nhà gọi chị đấy, chị có muốn em bật loa ngoài cho chị nghe không, nhỡ có việc gì quan trọng thì sao ạ?”

Chờ cái gật nhẹ của chị, cô thợ xăm miết nhẹ ngón tay trên màn hình điện thoại, giọng anh xối xả: “Em đang làm gì mà mãi không chịu nghe điện thoại? Em về nhà đi, anh cho em xem cái này hay lắm”. Giọng chị nhấm nhẳng: “Nếu không có việc gì gấp thì anh đừng gọi em nữa, em đang xăm dở, không về ngay được đâu”. 

Nghe đến “xăm”, anh quát ầm lên: “Ôi giời ơi, lại xăm! Vụ xăm môi hỏng em chưa thấy sợ à? Ngày nào anh cũng thấy em kêu khô môi, lúc nào cũng bóc da môi, giờ lại xăm lông mày nữa, ôi, em còn muốn tàn phá nhan sắc của mình đến mức nào nữa. Thôi, em nghe anh, đang xăm dở thì cũng về nhà đi. Người đẹp vì lụa chứ không đẹp vì dăm ba cái phun xăm ấy đâu”.

Quá xấu hổ vì giọng điệu oang oang của anh khiến cả tiệm phun xăm “đứng hình”, chị đành vùng dậy, ngắt cuộc gọi, cười như mếu với cô thợ: “Em thông cảm nhé, chắc chị phải tạt về nhà một lúc, có gì buổi chiều chị quay lại”.

Gạt chân chống xe trước cửa nhà, chị xông thẳng vào phòng khách với thái độ không thể khó chịu hơn: “Anh điên rồi, anh làm em xấu hổ trước bao nhiêu người”. Anh ngơ ngác: “Ơ, anh có làm gì đâu. May quá, cuối cùng em cũng chịu về nhà. Ten ten ten tèn! Em nhìn đi, chiếc áo dài anh sắm cho em có đẹp không? Tại sao em không thử mặc nó ngay lúc này nhỉ?”. 

Chị nhìn theo hướng tay anh chỉ, chiếc áo dài màu lòng tôm đang được treo ngay ngắn trên cánh tủ gần kệ tivi. Chị chưa nói gì, anh đã kịp phân bua một tràng: “Anh thấy cái áo dài màu xanh cổ vịt của em đã cũ rồi, nên anh mua cho em cái mới”.

Cảm nhận được thành ý của anh, bao nhiêu bực dọc trước đó tan biến, giọng chị dịu lại: “Thôi anh ơi, quần áo chỉ là thứ phù phiếm, không quan trọng đâu, vợ chồng mình còn phải để dành tiền cho những việc lớn”. Anh gạt phăng: “Không được! Để em mặc đồ cũ anh không vui, vợ chồng mình vất vả làm việc kiếm tiền là để sống tốt hơn mà”. 

Anh nói thế nào chị vẫn lắc đầu, chị chưa bao giờ thích màu lòng tôm, nhưng không muốn anh tổn thương nên chị phải nói khéo: “Thôi mà anh, anh phải nghe em, chắc cái áo này đắt lắm, mặc nó em cũng không thấy thoải mái, hay mình trả lại cho shop nhé anh”.

Anh ra sức xua tay: “Ối em ơi, nó không đắt như em nghĩ đâu, anh đã tặng thì em cứ vui vẻ đón nhận, sao tự nhiên hôm nay em lại xót tiền thế nhỉ? Trong khi em vung tiền ở tiệm phun xăm thẩm mỹ bao lần làm anh buốt ruột, nhưng anh có nói gì đâu”. 

Chị cãi cố: “Đấy là 2 việc hoàn toàn khác nhau, anh chẳng hiểu phụ nữ gì cả. Bộ mặt của em là thứ trưng ra hàng ngày, còn áo dài mỗi năm em chỉ mặc vài lần, tự nhiên anh đi sắm thêm cái mới làm gì cho phí tiền! Em không mặc đâu, anh đem trả đi”.

Chị ngoan cố đến mức khiến anh không chịu đựng thêm được nữa: “Hàng này đã mua thì không thể mang trả được em ạ, anh lướt facebook, tình cờ thấy người ta bán lại cái áo này với giá cực hấp dẫn, thấy bảo mới mặc vài lần. Thôi thì… cũ người mới ta, anh thấy nó có vẻ hợp với em nên anh mua ngay trong một nốt nhạc”.

Biết được sự thật phũ phàng, chị gào lên: “Anh mua đồ cũ tặng em hả? Giời ơi, tin được không?”. Anh cuống lên giải thích: “Em đừng nóng! Không phải anh tiếc tiền mà vì anh rất thích ý tưởng “cũ người mới ta”, xài đồ second hand thì đã làm sao? Nó rất phù hợp với thời đại Covid đấy chứ, như em nói, chúng ta nên tiết kiệm, với lại, chịu khó xài đồ second hand cũng là một cách hạn chế rác thải để bảo vệ môi trường”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nam Định FC thua đáng tiếc Thể Công Viettel trên sân Hàng Đẫy.

Nam Định thua sốc Thể Công Viettel

GD&TĐ - Xuất sắc đánh bại Nam Định trên sân nhà, Thể Công Viettel cải thiện đáng kể vị trí trên bảng xếp hạng sau vòng đấu thứ 19.