Chủ trì điểm cầu Hà Nội có PGS.TS. Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải – Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội; TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH; PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Chủ trì đầu cầu TP.HCM có: PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT); PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; GS.TSKH Hồ Đắc Lộc - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP. HCM.
Tại đầu cầu Đà Nẵng chủ trì là các đồng chí: TS Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT); PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng; TS Lê Nguyên Bảo - Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân.
Đầu cầu Cần Thơ có các đồng chí: TS Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT); GS.TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ.
Theo kế hoạch, Hội nghị sẽ tổng kết công tác tổ chức tuyển sinh trình độ đại học; trình độ cao đẳng sư phạm năm 2020 và triển khai công tác tuyển sinh năm 2021.
Theo báo cáo của Vụ Giáo dục đại học, tuyển sinh năm 2020 đã hoàn thành và đạt hiệu quả. Cả nước có hơn 900.000 thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT); trong đó hơn 640.000 thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào đại học và cao đẳng sư phạm, đạt hơn 70% số thí sinh ĐKDT.
Cũng trong năm 2020, có trên 58.000 thí sinh đăng ký vào sư phạm. Kết quả thí sinh trúng tuyển, nhập học các ngành đào tạo giáo viên là gần 36.000 thí sinh, bằng 61,58% tổng chỉ tiêu (Năm 2019, con số này là trên 27.300).
Thực tế cho thấy, khi thông tin minh bạch, tự do chọn ngành, tự chủ tuyển sinh thì kết quả tuyển sinh phản ánh rõ nét: sự phân tầng, lợi thế/không lợi thế về ngành và vị trí giữa các ngành.
Đánh giá chung về công tác tuyển sinh 2020 cho thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng công tác thi THPT và tuyển sinh đã được kịp thời điều chỉnh và thực hiện thành công.
Các chính sách về tuyển sinh đã được Bộ GD&ĐT hoàn thiện và triệt để ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm đảm bảo tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch; từ đó giảm tối đa thí sinh ảo và kiểm soát tình trạng vượt chỉ tiêu.
Công tác tuyển sinh đảm bảo quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đào tạo; cung cấp minh bạch thông tin và kết quả tuyển sinh. Hầu hết các cơ sở đào tạo sử dụng kết quả thi THPT 2020; phần mềm tuyển sinh đã giúp thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất; giúp các cơ sở thống kê, dự tính được thí sinh ảo để chủ động trong tuyển sinh; đồng thời ổn định, không có hiện tượng nghẽn mạng.
Về công tác tuyển sinh năm 2021, Bộ GD&ĐT đã thành lập tổ chuyên gia từ các cơ sở giáo dục đại học đại diện các lĩnh vực ngành nghề đào tạo phối hợp với rà soát, sửa đổi bổ sung Quy chế tuyển sinh.
Dự thảo Quy chế tuyển sinh 2021 đã được đăng mạng xin ý kiến toàn xã hội. Dự kiến có một số điểm mới trong tuyển sinh như:
Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển sinh ĐH,CĐ giáo dục mầm non bằng 1 trong 2 hình thức: bằng phiếu hoặc trực tuyến (tại những nơi có điều kiện).
Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần (năm 2020 điều chỉnh nguyện vọng 1 lần).
Quy định cụ thể hơn về việc các địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đặt hàng nguồn nhân lực.
Thí sinh xác nhận nhập học vào cơ sở đào tạo đã trúng tuyển trong thời hạn quy định bằng cách gửi bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi (đối với thí sinh tham dự kì thi THPT của năm tuyển sinh) đến cơ sở đào tạo trực tiếp hoặc bằng hình thức thư chuyển phát nhanh, thí sinh đã xác nhận nhập học thì không được tham gia xét tuyển ở các cơ sở đào tạo khác.
Thống nhất cơ chế phối hợp, hỗ trợ trong quá trình ĐKXT, ĐKNV, xét tuyển/lọc ảo, mức thu và sử dụng lệ phí tuyển sinh.
Bình luận