Sẵn sàng vượt 'vũ môn'

GD&TĐ - Hoạt động ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được các nhà trường lên kế hoạch từ đầu năm học. 

Thí sinh dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: ITN
Thí sinh dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: ITN

Tuy nhiên, sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề tham khảo, việc phân tích đề nhanh chóng được thực hiện để làm căn cứ điều chỉnh, bổ sung kế hoạch dạy học, ôn tập trong thời gian tiếp theo.

Nắm chắc kiến thức cơ bản

“Điều cốt lõi để vượt qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT là các em cần nắm chắc kiến thức cơ bản, kiến thức nền. Theo kinh nghiệm, bám sát đề tham khảo là cần thiết, vì đây là định hướng quan trọng để thầy cô và học sinh chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Tuy nhiên, trong đề thi có một số câu hỏi hoặc câu từ có thể gây cho thí sinh hiểu nhầm, giáo viên cần phân tích và đưa ra lưu ý để học sinh luôn chủ động trong các tình huống”, cô Phan Thị Thúy Hằng cho hay.

Thông qua đề thi tham khảo, Trường THPT Nguyễn Huệ (Châu Thành, Bến Tre) đã định hướng công tác dạy và học cụ thể cho từng môn; có kế hoạch điều chỉnh nội dung dạy học, ôn tập phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm đủ kiến thức, kỹ năng để học sinh có thể làm tốt bài thi.

Cô Hiệu trưởng Phan Thị Thúy Hằng cho biết, ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề tham khảo, các tổ chuyên môn nhanh chóng tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận về cấu trúc đề và trọng số điểm ở các cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Sau đó, thầy cô soạn bài tập, câu hỏi theo cấu trúc đề tham khảo để làm tư liệu dạy học, ôn tập.

Cô Phan Thị Thúy Hằng lưu ý giáo viên dạy học đảm bảo đúng theo chương trình quy định; đồng thời tăng cường ôn tập, củng cố kiến thức liên quan đến dạng bài tập, câu hỏi trong các đề tham khảo. Tuy nhiên, tránh sử dụng đề một cách máy móc trong giảng dạy, ôn tập. Giáo viên không nên tập trung 100% vào các dạng đề tương tự đề tham khảo theo thói quen “thi gì học nấy”; hoặc chủ quan, học tủ sau khi loại trừ đơn vị kiến thức, nội dung có trong đề mà cần đảm bảo đủ kiến thức, nội dung theo quy định của chương trình.

Đến thời điểm này, Trường THPT Minh Châu (Yên Mỹ, Hưng Yên) đã triển khai kế hoạch dạy học đến tuần 28 và dự kiến kết thúc chương trình học với khối 12 vào 30/4. Hoạt động ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm nay được trường triển khai từ đầu học kỳ II. Sau kết thúc chương trình chính khóa, nhà trường tiếp tục cho học sinh ôn tập với thời gian nhiều hơn và kết thúc trước khi thi tốt nghiệp một tuần.

Cô trò Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên) trong giờ học. Ảnh: INT

Cô trò Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên) trong giờ học. Ảnh: INT

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đức Hồng thông tin: Trong quá trình ôn tập, nhà trường yêu cầu giáo viên bám sát các đề thi những năm gần đây. Sau khi có đề tham khảo, ban chuyên môn chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn tổ chức nghiên cứu. Cụ thể, phân tích cấu trúc, xác lập ma trận đề để xác định rõ tỷ lệ phần trăm kiến thức ở các khối lớp; số lượng chủ đề trong đề thi; trọng số điểm ở các cấp độ tư duy; đặc biệt yêu cầu nghiên cứu, rà soát kỹ chương trình giảm tải để xác định rõ kỹ năng, kiến thức cơ bản cần tập trung giảng dạy, hướng dẫn ôn tập cho học sinh.

Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch dạy học và ôn tập cho phù hợp, bám sát nội dung chương trình đã giảm tải, cấu trúc đề tham khảo và chú trọng phương pháp dạy học phân hóa hướng tới 2 đối tượng là xét tốt nghiệp, xét tuyển đại học. Nhà trường cũng dành thời gian tổ chức kiểm tra đánh giá để nắm bắt tình hình, rút kinh nghiệm và điều chỉnh phương pháp dạy học, tổ chức ôn tập cho phù hợp.

Huy động tổng lực

Các trường THPT tại Phú Thọ đang thực hiện đúng tiến độ dạy học, tổ chức ôn tập và sẽ hoàn thành chương trình vào 25/5. Thông tin từ Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phùng Quốc Lập, đơn vị đều tổ chức cho giáo viên bộ môn nghiên cứu, phân tích kỹ đề thi tham khảo. Chỉ đạo tổ/nhóm chuyên môn thảo luận làm rõ cấu trúc, tỷ lệ phần trăm, mức độ yêu cầu của từng nội dung, đơn vị kiến thức trong chương trình và xây dựng ma trận đề thi tham khảo để làm căn cứ điều chỉnh, bổ sung kế hoạch dạy ôn tập.

Thí sinh thi ngoại ngữ Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 (điểm thi Trường THPT Trần Khai Nguyên, TPHCM). Ảnh: INT

Thí sinh thi ngoại ngữ Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 (điểm thi Trường THPT Trần Khai Nguyên, TPHCM). Ảnh: INT

Giáo viên dạy ôn thi tốt nghiệp THPT bám sát đề tham khảo để xây dựng bài giảng, bộ đề ôn tập phục vụ công tác ôn thi chất lượng, hiệu quả. Với nhà trường, sở GD&ĐT nhấn mạnh cần tăng cường công tác quản lý giờ học chính khóa và giờ học ôn tập; đồng thời phối hợp với phụ huynh để quản lý, động viên, hỗ trợ, giúp đỡ học sinh trong quá trình ôn tập.

Lưu ý không được cắt giảm số tiết, số môn học được quy định trong chương trình, ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long, cho rằng: Để tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2023 hiệu quả, căn cứ kế hoạch dạy học, các trường cần chủ động xây dựng kế hoạch, huy động toàn lực cho công tác ôn thi tốt nghiệp THPT.

Kế hoạch phải phân công lãnh đạo phụ trách (theo môn hoặc theo lớp); kịp thời động viên, khen thưởng đối với cá nhân, tổ chức tích cực, làm tốt, đồng thời nhắc nhở, phê bình cá nhân, tập thể lơ là, thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện kế hoạch ôn tập. Cử giáo viên tham gia dạy ôn tập tham dự đầy đủ buổi tập huấn ôn thi tốt nghiệp THPT do sở GD&ĐT tổ chức.

Riêng với đề tham khảo, tổ chuyên môn cần phân tích, thảo luận đề thi; trong đó chú ý xây dựng ma trận từ đề thi, phân tích điểm khác nhau giữa đề thi tham khảo năm 2023 với đề thi chính thức năm 2022 để định hướng ôn tập phù hợp, hiệu quả. Biên soạn ít nhất một đề thi tham khảo/môn học (có ma trận, hướng dẫn chấm) bám sát cấu trúc, ma trận đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT để làm nguồn tư liệu chung cho cả tỉnh.

Đồng thời, biên soạn tài liệu, lựa chọn nội dung và phương pháp ôn tập, hướng dẫn tự học phù hợp, tránh gây áp lực cho học sinh, cần thiết có thể xếp lớp học theo hướng phân hóa. Đối với những học sinh có học lực yếu, kém, cần tăng cường ôn tập kiến thức cơ bản, trọng tâm của chương trình, bám sát cấu trúc đề tham khảo của Bộ GD&ĐT. Riêng học sinh có học lực khá giỏi, có thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi, cần được ôn tập các dạng đề nâng cao phù hợp với năng lực.

“Trong quá trình ôn tập, việc tăng cường kiểm tra, đánh giá kết quả ôn tập cũng cần lưu ý để kịp thời điều chỉnh nội dung, phương pháp ôn tập cho phù hợp. Tăng cường phối hợp với gia đình tư vấn tâm lý, sức khỏe để học sinh học có động cơ, thái độ ôn tập tốt. Ghi nhận tinh thần, thái độ làm việc của giáo viên trong đợt ôn thi để làm cơ sở bình xét thi đua và đánh giá viên chức cuối năm. Sở GD&ĐT Vĩnh Long sẽ thành lập các đoàn kiểm tra công tác ôn thi tốt nghiệp THPT của cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh”, ông Trịnh Văn Ngoãn cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ