Sẵn sàng tâm lý vượt "vũ môn"

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần. Bên cạnh việc chuẩn bị kĩ kiến thức, học sinh cần tâm lý vững vàng để làm tốt bài thi và sẵn sàng đón nhận kết quả.

Học sinh cần chuẩn bị cả kiến thức và tâm lý khi bước vào các kỳ thi.
Học sinh cần chuẩn bị cả kiến thức và tâm lý khi bước vào các kỳ thi.

Nhiều lối vào đời

Vẫn còn không ít phụ huynh quan niệm đại học là con đường duy nhất bước vào đời, không đỗ đại học thì cánh cửa cuộc đời sẽ khép lại hoặc chệch hướng với mỗi người; trượt Đại học đồng nghĩa công việc sau này chỉ làm công nhân, lao động chân tay.

Và đặc biệt là nỗi “xấu hổ” của gia đình, cha mẹ với bạn bè, đồng nghiệp… Điều đó tạo nên sức ép lớn đối với học sinh về tinh thần trước và sau kỳ thi. Thậm chí nhiều em vì tâm lý yếu, không chịu được những áp lực mà dẫn tới hành động tiêu cực cho bản thân.

TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành công (Hà Nội) khẳng định đây là quan điểm “lỗi thời” trong giai đoạn hiện nay với những thay đổi trong công tác tuyển sinh, hướng nghiệp, sự lựa chọn của học sinh với học tập và công việc…

Theo TS Vũ Việt Anh, trường hợp học sinh chỉ dừng lại ở tốt nghiệp THPT, điểm không đủ để xét tuyển đại học thì các em vẫn có sự chuyển hướng nghề nghiệp với tham khảo lý thuyết “Con Nhím” hoặc Lý thuyết Ikigai của người Nhật. Cần xác định được: Điều bạn thích; Điều thế giới cần; Điều bạn được trả tiền; Điều bạn giỏi.

Tìm được điểm này, học sinh hoàn toàn có thể tìm được một công việc có vị trí trong xã hội, phù hợp với đam mê và khả năng của bản thân. Đây là bí quyết tạo nên một cuộc sống viên mãn. Không nhất thiết phải học Đại học để có được 4 yếu tố trên. Thay vào đó có thể lựa chọn học một ngành nghề yêu thích, hoặc ngành nghề dự kiến phát triển mạnh mẽ trong tương lai để chuẩn bị cho mình.

Học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình). Ảnh: Đức Hạnh

Học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình). Ảnh: Đức Hạnh

Trên thực tế, học sinh đang có nhiều lựa chọn học tập, nghề nghiệp phù hợp khác như: Du học tại chỗ-lựa chọn của nhiều bạn trẻ để tiếp cận được với những ngành nghề “hot” mà thế giới đang cần.

Học nghề cũng không thừa trong nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ. Rất nhiều ngành nghề học thời gian ngắn nhưng ra trường luôn có việc làm và thu nhập cao.

Khởi nghiệp với định hướng quốc gia khởi nghiệp của chính phủ trong 6 nhóm lĩnh vực: Giáo dục, Y tế, Du lịch, Công nghệ, Nông nghiệp chất lượng cao, Fintech.. vô vàn các cơ hội để các bạn trẻ có thể lập thân, lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp của riêng mình để thành công.

Du học, du học nghề có nhiều quốc gia có chính sách ưu đãi rất tốt cho du học sinh học nghề, hãy tìm kiếm lĩnh vực phù hợp, quốc gia phù hợp.

Cha mẹ đồng hành vượt “vũ môn”

Sự đồng hành của cha mẹ với con cái về tâm lý, tinh thần trước trong và sau kỳ thi vô cùng cần thiết và không thể xem nhẹ. Thiếu đi sự quan tâm này là học sinh thiếu đi sự động viên, chia sẻ, thấu hiểu để ổn định tâm lý, vững vàng với thi cử và kết quả sau thi.

TS Vũ Việt Anh lưu ý, khi bố mẹ thấy những biểu hiện bất thường của con như thường xuyên trong tình trạng lơ mơ, hay cáu gắt, lo âu, nghiêm trọng hơn có biểu hiện loạn thần nói năng lung tung, dễ khóc, dễ cười, hoảng sợ, ngại tiếp xúc với mọi người... thì cần động viên, quan tâm, khích lệ con, đưa con đi khám thay vì chỉ trích, trách mắng. Giai đoạn này cha mẹ cần đặc biệt gần gũi, chia sẻ, đồng hành cùng con.

Quá trình ôn tập và sau thi cử cha mẹ có thể cùng con tham gia những hoat động chung, cùng con chơi một môn thể thao, đi du lịch dã ngoại tìm hiểu cuộc sống xung quanh, kiếm cho con một việc làm thêm, tổ chức một chương trình thiện nguyện... Đây chính là cách chuyển hóa sự tập trung tâm lý sang một hướng tích cực, tốt đẹp hơn, giúp các bạn trẻ tự tin vào bản thân và thấy mình là người có ích cho cộng đồng, xã hội..

Về phía học sinh sau các kỳ thi, TS Vũ Việt Anh chỉ ra không có thất bại, chỉ có thêm bài học kinh nghiệm. Mỗi thử thách đến với mỗi người chính là dịp để nhìn nhận lại bản thân, thay đổi thói quen, lối sống để phù hợp với thực tế.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nếu chưa đạt được kết quả sau thi cử, các em cần điều chỉnh phương pháp học tập, đặt lại mục tiêu phù hợp, có kế hoạch hành động chi tiết, cam kết với bản thân, kiên trì hành động thì nhất định sẽ có kết quả thay đổi đáng kể. Một năm sẽ trôi qua nhanh, những điều tốt đẹp đang còn ở phía trước. Biến đây thành cơ hội để trang bị thêm những kỹ năng, kiến thức, thái độ sống và rèn luyện thói quen, nhân cách.

TS Vũ Việt Anh khẳng định, thành công là đạt được những điều mà mình thực sự mong muốn, là dịp để chúng ta đúc kết những bài học cho bản thân. Nhưng thất bại cũng mang lại bài học đáng giá.

“Edison thừa nhận ông đã có tới hơn “10 nghìn bài học thất bại” trước khi cho ra đời 1 chiếc bóng đèn có thể chiếu sáng như ngày hôm nay. Như vậy mỗi lần thất bại giúp chúng ta loại bỏ được 1 phương pháp mà không giúp chúng ta thành công. Cần thay đổi và bước tiếp...”, TS Vũ Việt Anh trao đổi.

Chuẩn bị sẵn sàng tâm lý thi cử không chỉ quyết định đến sự thành bại trong cuộc thi mà còn cho cả “hậu” thi. Thành công là điều tất cả học sinh, gia đình đều mong muốn. Song nếu thất bại thì hãy biến đó thành bệ phóng giúp học sinh điều chỉnh bản thân để đi đến thành công. Đừng biến thất bại tạm thời thành điểm dừng vĩnh viễn, mỗi học sinh là người có quyền quyết định thành công, thất bại bản thân khi các em có thể ổn định và sẵn sàng tâm lý thi cử.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...