Sẵn sàng thích ứng

GD&TĐ - Nhiều cơ sở giáo dục đã và đang tận dụng tối đa thời gian “vàng” để tổ chức dạy - học trực tiếp cho học sinh, đồng thời sẵn sàng thích ứng chuyển đổi sang phương thức trực tuyến khi cần.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Dạy học trực tuyến đang là giải pháp chính đối với nhiều cơ sở giáo dục trong tình thế học sinh không đến trường nhưng không thể ngừng học. Từ năm 2020 đến nay, dạy – học diễn ra trong bối cảnh cả nước chịu ảnh hưởng của nhiều đợt dịch Covid-19, giáo viên, học sinh phải chuyển trạng thái từ trực tiếp sang trực tuyến và linh hoạt áp dụng các hình thức khác, phù hợp với từng nhà trường, từng địa phương.

Trước những thách thức đặt ra, nhiều giáo viên, cơ sở giáo dục đã chủ động, sáng tạo, linh hoạt thích ứng với các phương pháp dạy – học trong bối cảnh vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm nhiệm vụ giáo dục, đào tạo. Vì thế, câu chuyện sáng dạy - học trực tiếp, chiều chuyển sang trực tuyến không còn xa lạ, mà được nhiều cơ sở giáo dục vận dụng linh loạt.

Ai cũng hiểu, lý tưởng nhất vẫn là ổn định phương thức việc dạy – học truyền thống. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải chấp nhận “sống chung” với dịch bệnh Covid-19. Đó là điều không ai mong muốn, nhưng chúng ta phải chấp nhận chủ động chung sống an toàn với dịch bệnh.

Khi đã chấp nhận, việc các trường luôn trong tâm thế sẵn sàng thay đổi phương thức dạy học bất cứ lúc nào khi được “kích hoạt” là điều cần thiết. Cùng với đó, việc ổn định tâm lý, chuẩn bị tinh thần cho thầy – trò vô cùng quan trọng, để thầy – trò phải nhanh chóng nhập cuộc, thích ứng.

Căng thẳng hoặc cảm thấy bất tiện khi liên tục phải thay đổi hình thức học là điều dễ xảy ra với trẻ em. Vì thế, cần làm tốt công tác tư tưởng, ổn định tâm lý để các em đón nhận trong tâm thế tự tin, tích cực tham gia học tập, dù là hình thức dạy – học trực tiếp hay trực tuyến hoặc kết hợp cả hai.

Theo đó, cần hỗ trợ và khích lệ học sinh, tạo cho các em năng lượng tích cực. Muốn vậy, phụ huynh, giáo viên có vai trò quan trọng và trở thành nhà tư vấn tâm lý. Nói cách khác trang bị cho các em tâm thế sẵn sàng đón nhận những thay đổi do khách quan mang lại. Đó cũng là kỹ năng sống, kỹ năng quản lý cảm xúc mà nhà trường, gia đình cần cung cấp cho con em mình.

Nói như một vị đại biểu Quốc hội, đây là thời điểm phát huy mối quan hệ “kiềng 3 chân”: Gia đình, nhà trường và xã hội. Bởi, khi học sinh học trực tuyến ở nhà, phụ huynh cần tham gia, hỗ trợ đắc lực cho con em mình trong học tập, đồng thời làm tốt công tác tư tưởng đối với việc học trực tuyến để học sinh hiểu rõ, chuẩn bị tâm thế tiếp cận phương pháp này. Khi học sinh trở lại trường học tập trung, giáo viên cần truyền cảm hứng trong học tập, để các em thấy rằng, dù là học theo hình thức nào thì trò luôn là nhân vật trung tâm của lớp học và sẽ không có một ai bị bỏ lại phía sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ