Trong đó, vai trò làm chủ của giáo viên và sự chủ động của học sinh là chìa khóa then chốt để thay đổi và thích ứng với bối cảnh và phương thức học tập mới.
Gỡ khó cho học sinh bị “mắc kẹt”
Qua rà soát của Sở GD&ĐT Điện Biên, toàn tỉnh có gần 400 học sinh đang học ở tỉnh ngoài, thuộc cả 4 cấp học. Số này rải rác ở nhiều địa phương: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Bình, Vĩnh Phúc… Sở GD&ĐT Điện Biên đã gửi công văn tới tất cả địa phương trong toàn quốc đề nghị phối hợp tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh của tỉnh tham gia học tập tại trường học gần nơi “mắc kẹt”.
Việc giải quyết nguyện vọng chuyển trường đến và đi ngoài tỉnh được thực hiện qua Internet nên bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19. Cho đến nay, các trường đã hoàn tất thông tin và hướng dẫn học sinh, phụ huynh để triển khai.
Em Bạc Thị Chung, học sinh lớp 12C4, Trường THPT Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo), đang “mắc kẹt” tại tỉnh Hưng Yên. Từ 10/9, Chung đã được các thầy hướng dẫn, làm thủ tục xin học nhờ Trường THPT Dương Quảng Hàm (huyện Văn Giang) gần nơi em ở.
“Tuần vừa rồi em được phân lớp và tham gia học online cùng các bạn. Trước nay chưa bao giờ em nghĩ sẽ phải học ở môi trường xa nhà như thế này và theo hình thức online. Mới đầu còn bỡ ngỡ, nhưng em thường xuyên hỏi thầy, cô nên giờ đã ổn định rồi”, Chung cho biết.
Theo thầy Nguyễn Văn Huynh - Hiệu trưởng Trường THPT Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa), đối với các tỉnh không thực hiện Chỉ thị 16, hầu hết học sinh đã xin học nhờ tại trường gần nơi mình ở. Nhà trường chưa nhận được phản ánh về việc các em gặp khó khăn hay cản trở gì. Vướng nhất hiện nay là số học sinh “mắc kẹt” ở các tỉnh đang giãn cách, do phải học trực tuyến, trong khi các em đa phần không có thiết bị.
“Tuy nhiên, với quan điểm phải chủ động thích nghi và trách nhiệm với học sinh của mình, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên hỗ trợ, trực tiếp trao đổi thông tin, nội dung kiến thức qua điện thoại cho học sinh”, thầy Huynh chia sẻ.
Tại Trường THPT Mường Ảng (huyện Mường Ảng), hiện còn 56 học sinh chưa thể về tham gia học tập. Nhà trường đã chủ động liên hệ với phụ huynh để nắm bắt và trao đổi phương án hỗ trợ.
“Nhiều em đi làm ở công trường không ra ngoài được hoặc xa trường. Giáo viên chủ nhiệm phải phối hợp với phụ huynh rà soát điện thoại học sinh để có giải pháp học online, gửi bài giảng video hoặc trao đổi thông tin qua điện thoại. Dự kiến, từ giờ đến cuối tháng nhiều em trở về được trường sẽ tổ chức dạy bù”, thầy Nguyễn Thành Chi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Em Lò Văn Di, học sinh lớp 10A5, Trường THPT Mường Ảng, đang mắc kẹt tại “vùng đỏ” thuộc quận Hoàng Mai (Hà Nội). Bước vào năm học mới, Di tìm cách liên hệ để xin học nhờ nhưng do địa bàn bị phong tỏa, không di chuyển được.
“Nắm bắt được tình hình của em, thầy giáo chủ nhiệm đã thường xuyên liên hệ, hỏi thăm và trao đổi bài bằng video. Thầy cũng bảo khó khăn quá thì chờ khi nào về thầy bố trí cho học bù nên em cũng yên tâm”, Di bộc bạch.
Học thích nghi, dạy trách nhiệm
Tại Lễ khai giảng năm học 2021 - 2022, thầy Hoàng Văn Thông - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) có bài phát biểu để lại nhiều ấn tượng. Vỏn vẹn chưa đầy 5 phút, bài phát biểu không đề cập đến bất cứ thành quả, hay những con số khô cứng nào. Thay vào đó, là những lời tâm sự, gửi gắm đến toàn thể học sinh, giáo viên và cả phụ huynh về sự chủ động thích nghi và trách nhiệm trước những đổi thay thực tế.
Ngay sau lễ khai giảng, các trường học trên địa bàn đồng loạt bước vào những ngày tổ chức dạy học trực tiếp. Thông điệp về sự thích nghi đã lan tỏa ở nhiều đơn vị trường học từ địa bàn thuận lợi đến vùng khó.
Trường PTDTBT THCS Pu Nhi (huyện Điện Biên Đông) năm học này có 14 lớp, với gần 500 học sinh, 100% con em đồng bào dân tộc thiểu số. Theo thầy Hoàng Quốc Huy - Hiệu trưởng nhà trường, địa bàn khó khăn, lại chịu những ảnh hưởng nhất định của tình hình dịch bệnh chung, song không học sinh nào phải thiếu sách giáo khoa và đồ dùng học tập cần thiết.
“Học sinh khối 6, do học theo Chương trình, sách giáo khoa mới nên trường bố trí giáo viên có năng lực và yêu cầu thầy cô chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy, chuẩn bị kỹ các phương án dạy học trong nhiều tình huống. Mục tiêu là giúp học sinh nắm bắt tốt phương pháp, chủ động lĩnh hội từng nội dung kiến thức”, thầy Huy chia sẻ.
Cùng với nhiệm vụ chuyên môn, nhà trường cũng yêu cầu giáo viên, học sinh thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch. Đồng thời tổ chức vận động được 3.000 khẩu trang vải, 4.000 khẩu trang y tế để phát cho học sinh.