Sinh viên trước thách thức làm việc trái ngành

Sinh viên trước thách thức làm việc trái ngành

(GD&TĐ)-Với khoảng 60% sinh viên ra trường hiện đang làm trái ngành theo như thống kê của Bộ Lao động – Thương binh – xã hội, các bạn trẻ cần chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng khi ra trường mình sẽ đối mặt với nghề hoàn toàn không được đào tạo trên ghế nhà trường.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lê Trâm – SV trường ĐH Kinh tế quốc dân bày tỏ, bạn bè cô hiện đang học năm thứ 4, thứ 5 trường đại học, không ít người đã tỏ ra chán nản với ngành nghề mình đang được đào tạo. Thường đó là những người không dám lựa chọn ngành nghề theo đúng mong muốn sợ năng lực không đủ để thi đỗ. Theo Trâm, việc thiếu định hướng về ngành nghề tương lai cho bản thân mình khi đăng ký dự thi là nguyên nhân chính dẫn đến phải tạm gác ngành nghề đào tạo. Các bạn thiếu các thông tin về ngành nghề, thiếu cơ hội để khám phá năng lực bản thân, thiếu quyền và thời gian lựa chọn.

Do việc thiếu định hướng và lòng kiên trì, không ít sinh viên rơi vào tình trạng chán nản với “mê cung” trái ngành. Liên tục thay đổi công việc, thời gian bị lãng phí, kinh nghiệm không tích lũy được, đó là câu chuyện của không ít sinh viên đang gặp phải.

Một sinh viên tốt nghiệp ĐH Văn Lang “kêu cứu” trên diễn đàn: Em vừa mới tốt nghiệp khoa quản trị nhân lực nhưng lại không thể tìm được việc bên lĩnh vực nhân sự mà toàn làm kinh doanh - bán hàng. Qua một tháng làm việc, em cảm thấy nghề kinh doanh bán hàng hay là tư vấn không phù hợp với chính mình. Hay nói cách khác em không có duyên bán hàng. Em đang đâu đầu vì không biết mình có nên bỏ việc bán hàng hiện tại không bởi vì em chưa có thành tích gì khi vào công ty. Bỏ việc thì không tìm được việc làm, ở lại thì không làm được bán hàng, không có thành tích thì lương không đủ sống...

Thu Hằng, sinh viên tốt nghiệp khoa Lịch sử Đảng Học viện Báo chí và tuyên truyền tâm sự cay đắng: 4 năm say mê học tập, cầm tấm bằng khá trên tay hào hứng đi xin việc, em như bị gội gáo nước lạnh khi một nhà tuyển dụng tuyên bố: Em hãy quên tấm bằng này đi, với tôi nó không có ý nghĩa gì trong hồ sơ xin việc của em. Cồ gắng trụ lại ở thành phố, suốt 2 năm Hằng không xin được việc làm, sau phải ngậm ngùi cất tấm bằng cử nhân sâu trong tủ và giúp chị bán quần áo trong 1 năm. Hiện cô may mắn được người quen giới thiệu làm việc trong 1 công ty truyền thông, công việc không hề liên quan gì đến chuyên ngành cô được đào tạo trong trường ĐH.

Tuy nhiên, không phải câu chuyện trái ngành nào cũng buồn như của Hằng. Không ít doanh nhân thành đạt hiện nay tiến lên nhờ dám đi trái với dòng chữ in trên tấm bằng ĐH. Lê Hùng, giám đốc một công ty phần mềm khá thành đạt, không ai ngờ lại tốt nghiệp khoa Hóa – Lý ĐH Bách khoa Hà Nội. Anh Hùng chia sẻ, cái cốt lõi là niềm đam mê, dám nghĩ, dám làm.

Trong điều kiện thị trường lao động việc làm nhiều cạnh tranh như hiện nay, cơ hội tìm được một công việc đúng chuyên ngành là điều không dễ dàng. Tất nhiên, không ai muốn mình học đại học 4-5 năm rồi lại bỏ để chuyển sang ngành khác. Nhưng cũng không nên khư khư chỉ muốn làm công việc đúng ngành đào tạo để mất đi các cơ hội khác. Dù bạn làm việc đúng hay trái ngành, hãy luôn cởi mở tư tưởng để tiếp thu kiến thức mới, phải luôn có ý thức phát triển bản thân, luôn tin vào mình ngay cả khi người khác không tin ở bạn.

Nếu có tâm lý chấp nhận làm trái ngành, có thể bạn cũng phải chấp nhận bỏ phí những kiến thức chuyên môn mình học ngày trước. Nhưng, khi đam mê không trùng khớp với chuyên ngành mình đang theo đuổi, việc sẽ phải đứng trước những sự lựa chọn khó khăn là không thể tránh khỏi. Vì vậy, hãy có một định hướng sớm và thực sự nghiêm túc. Nhưng, cách tốt nhất có lẽ vẫn là rèn luyện thái độ và hướng suy nghĩ tích cực để có thể biến thách thức thành cơ hội trên con đường lập nghiệp.

Đan Thảo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ