Sẵn sàng đón nhận chính sách tự chủ đại học

GD&TĐ - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Luật được Quốc hội thông qua đáp ứng mong mỏi của các trường đại học, trong đó có chính sách về tự chủ. Hiện, các trường cũng đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón nhận về chính sách tự chủ ngay sau khi Luật này có hiệu lực thi hành.

Các trường phải phát huy sự năng động trong môi trường tự chủ đại học
Các trường phải phát huy sự năng động trong môi trường tự chủ đại học

Tự chủ: Con đường phát triển đại học

Là một trong những trường của địa phương, Trường Đại học An Giang cũng sẽ là đối tượng chịu tác động của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Theo PGS.TS Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng nhà trường, hiện trường đã có tâm thế sẵn sàng để đón nhận tinh thần tự chủ. PGS nhận định, trong tương lai tự chủ là con đường phát triển, chỉ có tự chủ mới đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục và đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo Luật, các trường sẽ được tự chủ về tổ chức, nhân sự; tự chủ học thuật; tự chủ về tài chính. Riêng về tự chủ tài chính không có nghĩa là Nhà nước sẽ “bỏ rơi” không cấp kinh phí cho các trường. Cơ chế cấp kinh phí từ “bao cấp” sang phương thức “đặt hàng” là hướng đi đúng và mở, không phân biệt công - tư, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Võ Văn Thắng, chủ trương thì tốt, vấn đề còn lại là áp dụng triển khai vào thực tiễn, làm sao phải thực sự minh bạch, công tâm, không có tiêu cực; lúc đó chính sách mới thực sự có sức sống và phát huy được tác dụng. Qua đó mới kích thích được các trường phát triển.

 

Vì thế Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học sẽ giúp cho các cơ sở giáo dục đại học phát huy quyền tự chủ của mình. Theo đó, các trường sẽ được liên doanh, liên kết, được cho thuê tài sản đất đai và khai thác đúng mục đích, nhằm phục vụ cho chiến lược phát triển của nhà trường.

GS.TS Nguyễn Thị Lan

Cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được Quốc hội thông qua sẽ tháo gỡ được nhiều khó khăn vướng mắc trong tự chủ đại học, GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận định: Cơ chế phân bổ ngân sách của Nhà nước theo phương thức “đặt hàng” rất là cần thiết và phù hợp với thực tiễn khách quan. Tự chủ phải song song với đặt hàng các nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học. Đồng thời cần có các chương trình nghiên cứu cho sinh viên, cho cán bộ, giảng viên.

Trên cơ sở đó, GS.TS Nguyễn Thị Lan cho rằng, quy định trong Luật về việc thí điểm đặt hàng đào tạo và nghiên cứu khoa học là phù hợp. Qua đó, tạo động lực cho các trường đại học tự chủ phát triển. Đồng thời kích thích cạnh tranh lành mạnh giữa các trường đại học với nhau.

Ảnh minh hoạ
 Ảnh minh hoạ

 Lấy ví dụ từ thực tiễn trường mình, GS.TS Nguyễn Thị Lan cho biết, Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một trong những đơn vị được giao thí điểm tự chủ. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn về chính sách, cơ chế trong quá trình thực hiện tự chủ, song cũng phải thừa nhận rằng, từ cơ chế này mà trong thời gian qua, nhà trường đã thực hiện được rất nhiều đổi mới trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, một trong những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đó là giao các quyền tự chủ cho các trường đại học và giao vốn, tài sản cho các trường. Theo đó các trường được khai thác sử dụng đất đai.

Tự chủ, các trường sẽ năng động hơn

Còn theo PGS.TS Đặng Quang Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), các trường đều sẵn sàng tiếp nhận tinh thần tự chủ. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học sẽ giải quyết các “điểm nghẽn” về tự chủ đại học. Vì thế chính sách về tự chủ đại học được quy định trong Luật sẽ tạo điều kiện và động lực để các trường nâng cao chất lượng đào tạo.

Cũng theo PGS. TS Đặng Quang Việt, tự chủ không có nghĩa là để các trường “tự bơi” và sẽ không có trường nào bị bỏ rơi. Tuy nhiên, cách thức phân bổ ngân sách sẽ khác, Nhà nước sẽ không “bao cấp” mà chuyển sang cơ chế đặt hàng. Khi đó các trường (không phân biệt trường công hay trường tư), sẽ phải cạnh tranh nhau lành mạnh với nhau. Tức là, nếu các trường ngoài công lập đủ điều kiện vẫn được Nhà nước đặt hàng và đầu tư kinh phí như các trường công lập. Do đó để nhận được những “đơn đặt hàng” của Nhà nước, không còn cách nào khác là các trường phải chủ động xây dựng thương hiệu của mình thông qua chất lượng đào tạo.

Đồng quan điểm, TS Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, tự chủ ở đây không phải là các trường tự lo hoàn toàn về kinh phí. Tới đây sẽ đổi mới cơ chế, phương thức phân bổ ngân sách của Nhà nước cho các trường.

Giáo dục là lĩnh vực đặc thù, nên việc đầu tư của Nhà nước vẫn là quan trọng. Tuy nhiên, đầu tư của Nhà nước sẽ theo phương thức “đặt hàng”, giao nhiệm vụ cho các trường đại học. Thực hiện cơ chế này đòi hỏi các trường phải năng động hơn, có chiến lược phát triển rõ ràng và cạnh tranh bình đẳng trên cơ sở dựa vào năng lực và uy tín thương hiệu của mình.

Mới đây, khi phát biểu tại buổi tọa đàm “Tự chủ đại học - nhìn từ chính sách pháp luật” do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc trao đổi: Trong quá trình tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học được cạnh tranh với nhau để phát triển, nhưng vẫn phải bảo đảm lợi ích của người học. Nhà nước sẽ tăng cường vai trò kiểm, thanh tra và hậu kiểm để các cơ sở giáo dục đại học nâng cao tinh thần trách nhiệm giải trình với xã hội. Qua đó giúp nhà trường phát triển đúng định hướng và mục tiêu đề ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ