Sẵn sàng các phương án dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến khi F0 tăng mạnh

GD&TĐ - Ngày 23/2, Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân (Hà Nội) tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm đầu tư trang thiết bị, tổ chức dạy học trực tiếp - trực tuyến khi học sinh quay trở lại trường học”.

Giáo viên dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến tại trường
Giáo viên dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến tại trường

Báo cáo tổng hợp của Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân cho biết, hiện đã có 19/19 trường THCS trên địa bàn quận đã tổ chức cho học sinh khối lớp 7, 8, 9 quay trở lại trường học trực tiếp từ ngày 8/2/2022.

Để đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường học rà soát, nâng cấp đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin của từng lớp học như đường truyền Internet - wifi, hệ thống mạng Lan kết nối ổn định, tốc độ cao; máy tính, máy chiếu, hệ thống loa, micro, cammera, phần mềm dạy học trực tuyến có bản quyền.

Bên cạnh công tác đầu tư cơ sở vật chất, các nhà trường đã thành lập tổ công tác hỗ trợ dạy học trực tiếp - trực tuyến, triển khai tập huấn về cách thức vận hành, khai thác hiệu quả, sử dụng an toàn hệ thống trang thiết bị công nghệ thông tin tới 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Trong quá trình tổ chức dạy học khi học sinh quay trở lại trường, bên cạnh việc tổ chức tốt các lớp học truyền thống giáo viên và học sinh đều tham gia trực tiếp tại trường còn có nhiều tình huống xảy ra đòi hỏi các trường cần phải thích ứng linh hoạt, chủ động.

Đó là các trường hợp: (1) Giáo viên dạy trực tiếp, học sinh học trực tiếp đồng thời có một số học sinh diện F1, F0 có đủ sức khỏe học trực tuyến tại nhà; (2) Giáo viên diện F1, F0 có đủ sức khỏe dạy trực tuyến tại nhà, học sinh học trực tiếp tại lớp; (3) Giáo viên diện F1, F0 có đủ sức khỏe dạy trực tuyến tại nhà, học sinh học trực tiếp tại lớp, đồng thời có một số học sinh diện F1, F0 có đủ sức khỏe học trực tuyến tại nhà.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Do đó, Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân yêu cầu các nhà trường thay đổi căn bản, sâu sắc, toàn diện phương án tổ chức dạy học trong tình hình mới, đáp ứng với nhu cầu thực tiễn.

Chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo, đại diện các nhà trường đã báo cáo về tình hình đầu tư trang thiết bị, khai thác hiệu quả trang thiết bị công nghệ thông tin, tổ chức, quản lý, tăng cường sự tương tác của giáo viên - học sinh trong quá trình dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến cùng những kinh nghiệm thực tế, đã được triển khai thực hiện hiệu quả tại các nhà trường.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Phạm Gia Hữu- Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân nhấn mạnh: Để đảm bảo quyền lợi được đến trường học trực tiếp của học sinh, các nhà trường cần tập trung đầu tư trang thiết bị trong đó có hệ thống loa, micro đảm bảo chất lượng, camera 360 quay được hình ảnh toàn bộ lớp học để mỗi phòng học là 1 lớp học trực tiếp/trực tuyến.

Để đảm bảo tiến độ đầu tư, nhà trường cần rà soát nguồn lực như trang thiết bị hiện có, kinh phí được cấp, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân trên tinh thần tự nguyện. Nhà trường phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh xây dựng phương án tổ chức dạy học.

Đối với trường hợp giáo viên vì lý do dịch tễ, phải dạy trực tuyến tại nhà, nhà trường cần bố trí giáo viên quản lý, hỗ trợ học sinh học trực tiếp tại lớp. Đồng thời các trường cần tận dụng “thời gian vàng” để rà soát, sắp xếp lại chương trình, kế hoạch dạy học để bổ sung kiến thức cho học sinh.

Cùng với việc tổ chức học trực tiếp cho học sinh khối 7, 8, 9, các trường tiểu học, THCS trên địa bàn quận đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để sẵn sàng đón học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 quay trở lại trường khi Thành phố cho phép theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong tình hình mới”, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2021-2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.