Sản phụ 28 tuổi mang thai ba hiếm gặp vượt cạn thành công

GD&TĐ - Thai phụ 28 tuổi, mang tam thai tự nhiên hiếm gặp được cấp cứu mổ sinh thành công tại Trung tâm Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh.

3 em bé được chăm sóc tại phòng NICU – Trung tâm Sơ sinh Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: BV.
3 em bé được chăm sóc tại phòng NICU – Trung tâm Sơ sinh Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: BV.

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh, thai phụ 28 tuổi mang tam thai tự nhiên, được cấp cứu mổ sinh thành công tại Trung tâm Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau hai tuần được chăm sóc đặc biệt tại Trung tâm Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh, 2 bé gái, 1 bé trai đã được đoàn tụ với gia đình ngay trong ngày xuân.

Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện 3 bé phát triển bình thường với cân nặng lần lượt là 1850gr – 1820gr – 1530gr, có thể tự bú mẹ.

“Gia đình tôi gọi đây là một kỳ tích”, sản phụ Đoàn Yến Phương (28 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) mừng rỡ chia sẻ khi nhớ về hành trình gian khó của 4 mẹ con khi vừa mang tam thai lại gặp nhiều biến chứng bất thường.

Trước đó, chị Yến Phương cùng chồng đến “cầu cứu” bác sĩ Mỹ Nhi với hồ sơ siêu âm tam thai. Người phụ nữ sắp được làm mẹ lần đầu nhưng mang tự nhiên cùng lúc 3 thai.

“Lúc kiểm tra, bác sĩ phát hiện nồng độ Beta-hCG của tôi rất cao, nghi song thai hoặc tam thai. Lần tái khám sau thì biết mình có đến 3 bạn nhỏ, cảm giác vừa bất ngờ vừa sốc, hoang mang vô cùng. Nhiều bác sĩ lo lắng và khuyên bỏ bớt một bé vì lo ngại sức khỏe của tôi không đảm bảo sinh được 3 bé, nhưng chúng tôi không đồng ý vì quá thương con”, chị Yến Nhi kể.

Được nhiều bạn bè giới thiệu về vị chuyên gia Sản khoa giỏi giàu kinh nghiệm theo dõi thai kỳ nguy cơ cao và xử lý các biến chứng sản khoa, có thể kết hợp với đơn vị Sơ sinh để dự phòng các tình huống sinh non, chị tìm đến bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh và được bác sĩ quyết định đồng hành cùng thai phụ.

Đa thai được xem là một biến chứng sản khoa nguy hiểm, với rất nhiều nguy cơ cho cả mẹ và bé. Nguy cơ cho thai và trẻ sanh non như sẩy thai to, dọa sanh non và sanh non, thai/trẻ sơ sinh tử vong, thai chậm tăng trưởng trong tử cung… Nguy cơ cho mẹ bao gồm tăng huyết áp, tình trạng tiền sản giật và sản giật, băng huyết sau sinh, gia tăng tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ và mổ lấy thai, ảnh hưởng về tâm lý và tài chính…

“Với song thai, các bác sĩ đã rất lo lắng vì nguy cơ sinh non cao, trường hợp này lại là tam thai, nguy cơ này càng cao hơn nữa. Do đó, tất cả phải thật cẩn thận. Cảnh báo về các tình huống nguy hiểm cho thai, dự phòng sinh non và những kịch bản sẵn sàng đón trẻ chào đời ở tuần thai sớm”, bác sĩ Nhi nhận định.

Không nằm ngoài dự đoán, đến tuần thai 24 thì, chiều dài cổ tử cung của sản phụ chỉ còn 5 mm và cổ tử cung có dạng hình phễu rộng được phát hiện qua siêu âm kiểm tra.

Cổ tử cung tiếp nối với buồng tử cung và hướng mở vào âm đạo, thường được đóng kín để bảo vệ bào thai trong suốt quá trình phát triển bên trong tử cung người mẹ.  Với trường hợp mang thai bình thường (con so, thai đơn), cổ tử cung khá dài, khoảng 4-5cm. Điều này giúp thai phụ tránh được các sự cố sinh non hay hở eo tử cung. Khi cổ tử cung < 25 mm thì được xem là cổ tử cung ngắn và làm tăng nguy cơ sinh non.

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp thực hiện ca mổ cho sản phụ ma tam thai. Ảnh: BV.

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp thực hiện ca mổ cho sản phụ ma tam thai. Ảnh: BV.

“Thai phụ này còn trẻ, chưa từng sinh nở nhưng mang đa thai. Thai càng phát triển thì kích thước tử cung càng lớn hình thành nên yếu tố cơ học quan trọng đè lên cổ tử cung nhiều dẫn đến làm ngắn lại nghiêm trọng cổ tử cung. Kích thước chỉ còn 5mm là quá mong manh để có thể kéo dài thai kỳ. Người mẹ có nguy cơ vỡ ối và chuyển dạ sinh bất cứ lúc nào. Xác định cổ tử cung bị biến đổi nghiêm trọng, chúng tôi lên kế hoạch can thiệp sớm để bảo đảm sự an toàn của 3 em bé trong bụng”, bác sĩ Nhi cho hay.

Sau đó, tam thai được nuôi dưỡng an toàn thêm 32 ngày. Đến 3h chiều ngày 28 tháng Chạp (tuần thai thứ 32), thai phụ thông báo cho các bác sĩ biết mình đang có dấu hiệu chuyển dạ, vỡ ối nên đang tức tốc trên đường trên đường từ Vũng Tàu đến bệnh viện.

Ngay khi đến viện, thai phụ được chuyển thẳng lên phòng mổ. Đêm 28 Tết, cả Trung tâm Sản Phụ khoa và Trung tâm Sơ sinh nhộn nhịp tất bật vì dồn sức cùng một lúc cho 3 trẻ sơ sinh non tháng…

Trực tiếp mổ đón 3 thiên thần nhỏ chào đời bình an, bác sĩ Mỹ Nhi cùng ê-kip mổ vui mừng thông báo ba thiên thần chào đời khỏe mạnh. Bé trai lớn nặng 1,7kg, hai bé gái sau lần lượt hơn 1,8kg và 1,4kg.

Các em bé được hồi sức, chăm sóc đặc biệt ngay tại phòng mổ sau đó được chuyển đến khu Săn sóc sơ sinh tích cực. Cả 3 bé có tình trạng suy hô hấp nhẹ nên được hỗ trợ thở áp lực dương liên tục (CPAP) và được bác sĩ sơ sinh đón về Trung tâm Sơ sinh để chăm sóc kịp thời. Sau 2-3 ngày, các bé tự thở khí trời và nuôi ăn bằng sữa mẹ.

​​BS.CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh, Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết nhờ được nuôi dưỡng tốt và tiêm thuốc trưởng thành phổi, sau khi chào đời được hồi sức, chăm sóc kịp thời bằng những phương pháp hiện đại bậc nhất, nên các bé đều nhanh chóng ổn định sức khỏe và phát triển tốt.

Ngày mùng 7 Tết, chị Phương cùng gia đình vui mừng đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh đón em bé đầu tiên được ra phòng cùng mẹ. Vài ngày sau, lần lượt hai bé còn lại được ra phòng.

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ