Đó là lúc cô cảm nhận rõ nhất cái mong manh của sự sống…
Đâu khó, có cô Minh
Khi còn nhỏ, cô Nguyễn Hồng Minh (SN 1975 - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Phiêng Pằn, xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đã ấp ủ ước mơ làm cô giáo. Năm 1994, cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, cô bước vào nghề dạy trẻ.
27 năm gắn bó với nghề giáo thì gần 20 năm cô Minh có mặt ở hầu khắp các trường vùng cao, biên giới của huyện Mai Sơn. Lúc Chiềng Nơi, khi Phiêng Cằm, lúc lại về Phiêng Pằn… nơi khó khăn, gian nan, vất vả nhất của huyện, cô đều có mặt.
Trong câu chuyện kể, cô Minh đưa chúng tôi trở về thời điểm của 14 năm trước. Khi ấy, cô vừa từ Trường Mầm non Phiêng Cằm (xã Phiêng Cằm) chuyển về Trường Mầm non Chiềng Nơi, khó khăn nhất huyện. Chỉ cần nhắc đến con đường tới ngôi trường mới này thì cánh đàn ông ai cũng phải lắc đầu ngao ngán.
“Năm 2006, tôi được bổ nhiệm là Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Phiêng Cằm đến năm 2007 thì chuyển về Mầm non Chiềng Nơi. Thời điểm này xã Chiềng Nơi gần như biệt lập bởi không đường, không điện, không nước sinh hoạt. Sóng điện thoại thì bập bõm chỗ có, chỗ không, rất khó liên lạc với bên ngoài”, cô Minh kể.
Tiếng là công tác trong huyện song vào những lúc mưa nhiều, có khi cả tháng cô mới có thể về thăm nhà một lần. Cô Minh thuộc tốp có “số má” ở vùng cao, song nhiều lúc cũng phải “bó tay” trước con đường nhầy nhụa bùn đất, quanh co với đầy rẫy nguy hiểm luôn rình rập.
“Còn nhớ, hồi đó mỗi khi trời mưa, đường trơn tôi không dám đi xe vì sợ bị ngã. Đoạn nào khó đi thì gửi xe nhà dân rồi đi bộ vào trường. Hôm nào gặp may có người đi đường thì đi nhờ họ từng đoạn. Nếu không gặp ai thì cứ túc tắc đi bộ về trường”, cô Minh cười nói.
“Hạ sơn vượt cạn”
Với người bình thường vất vả một thì ở thời điểm đó cô Minh vất gấp năm, gấp mười. Đó là giai đoạn cô mang thai đứa con thứ hai. “Ngày trước, ở Phiêng Cằm đã đi hơn 70 cây số mới đến nơi. Bây giờ chuyển sang Chiềng Nơi, phải đi thêm gần 20 km nữa từ nhà đến trường. Bụng to nên việc di chuyển rất vất vả. Nhưng vì đó là nhiệm vụ nên cũng chỉ biết cố gắng khắc phục thôi chứ chẳng biết phải làm sao”, cô Minh nhớ lại.
“Tôi cứ nhớ mãi thời điểm lúc sắp sinh cháu thứ hai. Vào giữa đêm tháng 11/2007, tôi thấy đau bụng, rồi vỡ ối trong khi ngày sinh dự kiến còn khoảng 2 tháng nữa. Tôi nằm quằn quại với những cơn đau quặn thắt, chỉ mong trời mau sáng để gọi người nhà lên đón. Hôm sau, mấy đồng nghiệp phải lên tận đỉnh đồi để “hứng sóng”, liên lạc với chồng tôi để báo cho anh tình trạng hiện tại”, cô Minh kể.
Nghe tin, anh Hương (chồng cô Minh) tức tốc chuẩn bị đồ đạc vào trường đón vợ. Cô Minh cảm nhận rõ nhất tình trạng của bản thân, nên “một mình một ngựa” xuống núi cùng với những cơn đau dữ dội. Sợ trên đường có chuyện chẳng lành, mấy giáo viên cùng xã vội vã lấy xe đi cùng. Song cô chẳng dám ngồi phía sau xe máy bởi đường xấu, khó đi. Với cung đường này, thà cô nén đau, chủ động cầm lái còn an toàn hơn là xe chở hai.
“Tôi vẫn cố cầm lái, vượt hơn 40 km thì gặp chồng tôi đang đi vào. Lúc đó cũng chẳng thể cố gắng được nữa vì cơn đau mỗi lúc một nhiều hơn. Thế là hai vợ chồng đèo nhau vào bệnh viện huyện”, cô Minh chia sẻ.
Nửa ngày nằm viện, cô Minh “vượt cạn” thành công. Cũng bởi do đẻ non hơn 2 tháng nên em bé chỉ được 1,7kg và phải nuôi trong lồng kính.
“Mỗi lần nhớ giai đoạn đó, tôi lại thấy mình may mắn. Sau khi sinh, chồng tôi cùng bà nội, ngoại phải bế cháu lên bệnh viện tỉnh để nằm lồng kính. Khi đến nơi, cháu bắt đầu tím tái, may mắn được cấp cứu kịp thời. Kỷ niệm này cả đời tôi không quên. Thi thoảng tôi vẫn nhắc lại cho cháu nghe”, cô Minh nhớ lại.
Hết kì nghỉ thai sản, cô Minh lại chuẩn bị “hành trang” địu con lên trường, tiếp tục “bám bản, bám trò”. Thời gian đầu, mẹ chồng cô phải lên trường hỗ trợ chăm cháu để cô Minh yên tâm làm việc. Nhưng cũng chẳng được bao lâu, vì sức khỏe không cho phép nên bà phải trở về. Từ đó, hai mẹ con lại đồng hành mỗi ngày. Mẹ lên lớp, địu con sau lưng. Ngày lại ngày cứ thế trôi đi.
Mùa mưa đến, có lúc cả tháng trời hai mẹ con không thể về nhà, phải ở lại trường. Thương vợ, cứ mỗi cuối tuần, chồng cô lại vượt rừng mang thức ăn vào “tiếp tế”.
“Có hôm chồng tôi đến nơi thì đồ ăn mang theo bị rơi sạch vì đường đi xóc quá. Thế là hai mẹ con lại “treo niêu” cả tuần. Nghĩ mà vừa tiếc của, vừa thương chồng vượt mấy chục cây số đường rừng để mang lên….”, cô Minh nhớ lại.
Quyết tâm “bám bản”
Năm 2009, cô Minh được điều chuyển công tác về Trường Mầm non Phiêng Pằn (xã Phiêng Pằn), nơi được coi là “thuận lợi hơn” dù vẫn là xã vùng cao, biên giới thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Mai Sơn.
Trường cách nhà cô Minh chừng hơn 50 cây số. Mùa đông, Phiêng Pằn lạnh thấu xương, còn mùa hè thì nắng như đổ lửa với những trận gió Lào thổi liên hồi. Diệu Châu – cô con gái thứ hai - không thể thích nghi được với môi trường đó nên mỗi khi “trái nắng, trở trời” là thêm một lần hai mẹ con khổ sở.
Cô Minh tâm sự: “Cho cháu ở lại trường thì lúc nào mẹ con cũng có nhau. Nhưng vốn dĩ cháu sinh thiếu tháng nên sức khỏe cũng không được tốt. Nhiều lần cháu ốm, tôi lại phải địu trên lưng, đi xe máy ra viện. Đường đi quá xấu nên đến nơi, có hôm cháu còn ốm thêm. Mỗi lúc con ốm, chỉ biết ôm con vào lòng, mong con mau khỏi bệnh”.
“Cháu ở với bà, mỗi chiều thứ 6 tôi đều cố gắng về thăm. Dù chỉ ở nhà được 2 đêm song cũng phần nào vơi bớt nỗi nhớ con. Khi đi, lần nào cũng phải đợi con ngủ thật say vì cháu hay khóc đòi theo. Lúc ấy thương con lắm mà chẳng biết làm thế nào”, cô Minh nghẹn ngào.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, cô bé “1,7kg” ngày nào giờ đã thành thiếu nữ. Lò Diệu Châu – con gái cô Minh - đang là một trong những học sinh tiêu biểu của Trường THCS Chất lượng cao của huyện Mai Sơn.