Sân phơi lúa - giải pháp giảm áp lực cho lò sấy

Sân phơi lúa - giải pháp giảm áp lực cho lò sấy

(GD&TĐ) - Thấy cảnh thương lái thu mua lúa đua nhau tìm lò sấy mà nảy sinh ý tưởng mở sân phơi lúa cho thuê. Thế là từ mô hình dịch vụ có hiệu quả của một nông dân ở Cai Lậy (Tiền Giang), các sân phơi lúa nơi đây mọc lên như nấm vừa góp phần giải quyết tình trạng thiếu lò sấy lúa vừa tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động nhàn rỗi ở địa phương.

Những ngày mùa này, đi dọc theo tuyến kinh Nguyễn Văn Tiếp và tỉnh lộ 865 đâu đâu cũng thấy những sân phơi đầy ấp lúa vàng kèm theo là những tiếng nói cười rộn rã. Ông Nguyễn Văn Hải - một thương lái thu mua lúa vừa đổ lên sân phơi Sáu Lập (xã Phú Cường) 50 tấn lúa ướt vàng ươm được thu mua từ Vĩnh Long, vui vẻ cho biết: “Mấy năm trước chưa có sân phơi, tụi tôi mua lúa xong phải gian nan tìm lò sấy. Nhưng giờ đây, nhiều sân phơi được mở ra nên công đoạn bảo quản lúa cũng dễ thở hơn”.

Theo các thương lái lúa, khoảng giữa năm 2009 ở Cai Lậy, có người tiên phong mở dịch vụ cho thuê sân phơi lúa là ông Phạm Kim Lập - ấp 5A, xã Phú Cường. Ông Lập kể: “Lúc đó vào thời điểm thu hoạch lúa vụ hai 2009, tui thấy hàng xáo chở lúa ướt từ khắp nơi về bán cho chợ lúa gạo đầu mối Phú Cường phải khốn đốn chạy tìm lò sấy nên tui nghĩ đến việc làm sân phơi cho hàng xáo thuê”.

Dịch vụ cho thuê sân phơi lúa - mô hình làm ăn hiệu quả góp phần giải quyết việc làm ở địa phương
Dịch vụ cho thuê sân phơi lúa - mô hình làm ăn hiệu quả góp phần giải quyết việc làm ở địa phương

Dù không có đất đai nhưng để thực hiện ý tưởng kinh doanh táo bạo của mình, ông Lập thuê 6.000m2 đất trồng tràm của ông Tư Trinh ở ấp 5A với giá 20 triệu đồng/năm trong thời hạn năm năm. Chưa hết, ông Lập còn bỏ ra hơn trăm triệu đồng đầu tư sân phơi lúa công suất 120 tấn/mẻ, có bến để ghe lúa neo đậu. Và thành công đến đến ông Lập hơn cả mong đợi, khi sân phơi vừa khai trương thì ngay lập tức hàng xáo đăng ký thuê nườm nượp.

Vào mùa thu hoạch lúa rộ, hàng xáo phải điện thoại đăng ký trước hai, ba tuần để chủ sân “sắp tài”. Mỗi ngày sân phơi Sáu Lập đón hàng chục ghe lúa có tải trọng từ 15-20 tấn cập bến chuyển lúa lên sân phơi. Chỉ sau một vụ lúa, ông Lập đã thu hồi được vốn đầu tư, đến nay xem như lãi ròng.

Thấy sân phơi của ông Sáu Lập làm ăn hiệu quả và nhu cầu phơi sấy của thương lái ngày càng tăng cao, hàng loạt sân phơi khác cũng dần dần hình thành. Một trong những sân phơi đó là của ông Phan Văn Tân (xã Phú Cường, huyện Cai Lậy) với vốn đầu tư ban đầu hơn 50 triệu đồng và có khả năng đáp ứng nhu cầu phơi 100 tấn/mẻ.

Các sân phơi dịch vụ này không chỉ giúp giảm áp lực phụ thuộc vào các lò sấy lúa mà còn góp phần tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Anh Lê Văn Hưng - ấp 5B, xã Phú Cường, huyện Cai Lậy chia sẻ: “Nhờ sân phơi mà chúng tôi có công việc ổn định hơn. Nếu như trước đây, khi hết vụ lúa chúng tôi sẽ không có việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn thì nay công việc vẫn ổn định do các thương lái vẫn mua lúa từ tỉnh khác như: Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang đổ lên sân hoài à”.

Theo tính toán của ông Sáu Lập, mỗi ngày phơi, một lao động nam có thu nhập từ 80.000-100.000 đồng, nữ thu nhập được từ 60.000-80.000 đồng; một sân phơi có công suất 100 tấn/mẻ cần đến 20-25 nhân công (bao gồm công phơi, bốc vác, …).

Qua trao đổi, một cán bộ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy cho biết: ở ven kinh Nguyễn Văn Tiếp và tỉnh lộ 865, nhà nào có vài ngàn, thậm chí vài trăm mét vuông là đầu tư mở sân phơi. Sân lớn, sân nhỏ gì hàng xáo cũng hỏi thuê, không nơi nào bỏ trống. Dịch vụ cho thuê sân phơi từ Phú Cường đã lan ra Mỹ Phước Tây, Tân Hòa Tây, Thạnh Lộc, Mỹ Thành Bắc.

 Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, hiện toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ mới có khoảng 6.500 lò sấy lúa lớn nhỏ, chỉ giải quyết được 30% nhu cầu của nông dân. Do đó, dịch vụ sân phơi lúa cho thuê ở Tiền Giang đã giải quyết rất tốt tình trạng thiếu lò sấy lúa.

Trải dài theo tuyến kinh Nguyễn Văn Tiếp và tỉnh lộ 865, nơi nào có dịch vụ sân phơi lúa là nơi đó nhộn nhịp không khí làm ăn, dưới kinh ghe lúa đậu san sát, trên bờ xe tải tới lui tấp nập ăn hàng thể hiện sức sống rạo rực của vùng nông thôn thời đổi mới./.

                                                                         Thành Công

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ